Tiếng Việt | English

08/06/2016 - 08:23

Nâng cao chỉ số PCI-Cán bộ là khâu quyết định

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) là tấm gương phản chiếu, đánh giá sự hài lòng về môi trường kinh doanh, chất lượng điều hành kinh tế và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền để phát triển doanh nghiệp.

Nhiều năm qua, lãnh đạo cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong tỉnh rất quan tâm đến việc cải thiện chỉ số PCI. Theo đó, PCI của Long An từng đạt thứ hạng rất tốt- hạng 3 cả nước vào năm 2011; rồi giảm còn hạng 16 năm 2012, hạng 19 năm 2013 và lên hạng 7 năm 2014; năm 2015, Long An vẫn nằm trong nhóm tỉnh thành có chất lượng điều hành tốt, vẫn đứng hàng thứ 2/13 tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long (sau Đồng Tháp) nhưng tụt xuống 2 bậc, ở hạng 9/63 tỉnh, thành với điểm số là 60,86 giảm 0,51 điểm so năm 2014.

Là người đứng đầu Đảng bộ, HĐND tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy - Phạm Văn Rạnh rất quan tâm đến chỉ số PCI. Ông đã nhiều lần chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương phải đề ra được giải pháp cụ thể, quyết liệt, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện chỉ số PCI, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi,…Đó chính là cú hích huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, cùng “chiến đấu” cho thứ hạng PCI.

Chủ trương đúng đắn, quyết tâm chính trị cao nhưng việc điều hành, thực hiện cần phải có sự đồng thuận cao của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc đồng bộ, phối hợp nhịp nhàng của các ngành chức năng và các cấp chính quyền từ trung ương đến cơ sở, đặc biệt là vai trò của đội ngũ cán bộ trực tiếp có liên quan đến độ hài lòng của doanh nghiệp.

Bác Hồ từng dạy: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”…Trong cải thiện chỉ số PCI cũng vậy, cán bộ là khâu quyết định, chính tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức sẽ liên quan mật thiết đến chỉ số hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Nếu cán bộ hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, luôn đặt lợi ích của Đảng, của nhân dân lên trên hết mà nỗ lực làm việc, phục vụ sẽ tạo ấn tượng, tình cảm tốt về cơ quan, địa phương. Còn cán bộ quan liêu, hách dịch, cố tình làm khó để nhũng nhiễu, vòi vĩnh, xem thường người dân sẽ ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, chính quyền; mà việc này dù đã nỗ lực nhưng vẫn chưa dẹp triệt để, đây đó vẫn còn những “con sâu làm rầu nồi canh”.

Mặt khác, các ngành chức năng cũng cần nghiên cứu có biện pháp thanh tra, kiểm tra hợp lý, đồng bộ, tránh để doanh nghiệp rơi vào tình cảnh vừa đưa đoàn thanh tra đã tiếp đoàn kiểm tra. Ngoài ra, cần chấn chỉnh tình trạng có nhiều ngành, nhiều cấp cùng đến doanh nghiệp để vận động kinh phí xã hội hóa.

Cán bộ là những người cùng góp phần đề ra những thể chế, nguyên tắc, quy định, đôi khi không còn phù hợp, gây cản trở thì phải mạnh dạn kiến nghị thay đổi, tạo thông thoáng cho môi trường đầu tư, thu hút doanh nghiệp.

Nâng cao chỉ số PCI, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh chính là yếu tố quan trọng để Long An khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, phát triển kinh tế- xã hội, ổn định an ninh, quốc phòng. Tăng sự hài lòng của doanh nghiệp sẽ tăng nhà đầu tư, tăng nguồn vốn, khoa học công nghiệp, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, bảo đảm an sinh xã hội. Đây thực sự là cuộc cạnh tranh quyết liệt để hướng tới tương lai./.

Kim Quy

Chia sẻ bài viết