Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường quản lý, kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản
Theo Giám đốc Sở TN&MT - Võ Minh Thành, giải pháp lâu dài, trong kỳ quy hoạch sử dụng đất cấp huyện năm 2021-2030, phối hợp các ngành lập quy hoạch sử dụng đất, trong đó có dành một quỹ đất cho hoạt động khai thác khoáng sản theo hướng tập trung, không phân tán như hiện nay, bảo đảm cho việc khai thác hợp lý, thuận lợi trong công tác quản lý. Đồng thời, sau khi khai thác xong, tận dụng những hầm này làm hồ chứa nước ngọt phục vụ sinh hoạt, sản xuất của người dân hoặc phát triển các dự án năng lượng.
Tính từ năm 2018 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra khoảng 30 trường hợp khai thác khoáng sản không phép. Ngành chức năng đã ban hành 20 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, 7 trường hợp huyện tiếp tục xác minh để làm rõ cho việc xử lý vi phạm, 1 trường hợp đang tiến hành thẩm định hồ sơ xử phạt và 2 trường hợp đang lấy mẫu phân tích xác định loại khoáng sản để chuyển cơ quan điều tra.
Đóng mỏ hầm đất khai thác xong
Công tác đóng cửa mỏ hầm đất khai thác xong được lãnh đạo tỉnh quan tâm, quyết liệt thực hiện. Bằng nhiều cách, nhiều kênh, ngành chức năng tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo người dân trong khu vực không lại gần các hầm, đặc biệt là không được xuống hầm đất để tắm, giặt. Bên cạnh đó, ngành chức năng tổ chức che chắn, lắp đặt biển cảnh báo, trồng cây xanh xung quanh khu vực hầm đất để bảo đảm an toàn cho người dân, tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra.
Tuy nhiên, công tác bảo đảm an toàn tại các hầm đất khai thác xong vẫn còn bộc lộ một số hạn chế nhất định. Cụ thể, một số địa phương chưa thật sự quan tâm, lơ là trong việc thực hiện, dẫn đến nguy cơ đe dọa an toàn về người và tài sản rất cao đối với các hộ dân sinh sống xung quanh khu vực. Một số vụ tai nạn thương tâm do đuối nước tại hầm mỏ đã xảy ra trong thời gian qua, gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh đối với các đơn vị quản lý nhà nước.
Theo ông Nguyễn Văn Ba, ngụ ấp Cây Me, xã Hưng Điền, huyện Tân Hưng, các hầm mỏ tại địa phương tạo ra những hố lớn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn rất cao. Mặc dù ngành chức năng có khuyến cáo, rào chắn, lắp đặt một số biển cảnh báo trước đây nhưng hiện nay, một số nơi đã cũ, bị hư hỏng. Đôi lúc gia đình phát hiện các em nhỏ xuống tắm đã cảnh báo, kêu lên bờ để tránh nguy hiểm. Người dân kiến nghị, các cấp cần có giải pháp quyết liệt hơn trong công tác đóng cửa mỏ, thực hiện các biện pháp an toàn để người dân an tâm sinh sống. Bên cạnh đó, tại địa phương xảy ra tình trạng khai thác đất trái phép, tạo ra những hầm đất với diện tích khá lớn, đe dọa nghiêm trọng đến an toàn của người dân. Do đó, chúng tôi kiến nghị ngành chức năng cần chấn chỉnh, xử lý nghiêm vấn đề này.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Mai, ngụ xã Kiến Bình, huyện Tân Thạnh, chia sẻ: “Vấn đề an toàn tại các hầm đất chưa được địa phương quan tâm đúng mức. Các hầm đất rộng hàng chục hécta chưa được rào chắn, cảnh báo hoặc có thì hiện nay rào chắn cũng đã xuống cấp, hư hỏng. Người dân nơi đây mong muốn ngành chức năng, địa phương tổ chức thực hiện các biện pháp an toàn để an tâm sinh sống”.
Theo thông tin từ Sở TN&MT, dù các cấp, các ngành quan tâm đến việc đóng cửa mỏ nhưng công tác này vẫn còn gặp một số hạn chế, khó khăn nhất định. Một số nơi vẫn chưa thật sự được quan tâm, còn chậm trễ, ảnh hưởng đến công việc chung, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, đe dọa đến an toàn trong khu vực xung quanh vị trí các hầm.
Trước thực trạng trên, để khắc phục, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch đóng cửa mỏ hầm đất trên địa bàn. Tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương liên quan phải kiểm tra, rà soát, thống kê đầy đủ, xác định đúng diện tích, lập hồ sơ đóng cửa mỏ, thu hồi và bàn giao để địa phương quản lý theo đúng quy định của pháp luật, không để lãng phí đất đai. Thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các biện pháp bảo đảm an toàn khu vực xung quanh hầm đất, không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và sinh hoạt hàng ngày của người dân. Tiến hành cập nhật, chỉnh lý biến động đất đai trên phạm vi khu vực hầm đất đã khai thác xong, hạn chế thấp nhất các vướng mắc phát sinh trong quá trình quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn, kịp thời đưa quỹ đất mặt nước vào khai thác và nâng cao trách nhiệm để thực hiện tốt hơn công tác quản lý nhà nước về đất đai.
Hiện nay, Sở tăng cường phối hợp chặt chẽ các địa phương để thực hiện các công việc đóng cửa mỏ, trong đó đã hoàn thành rà soát, thống kê, tổ chức chỉnh lý biến động đất đai, thực hiện một số giải pháp an toàn như tuyên truyền, khuyến cáo người dân, rào chắn, lắp biển cảnh báo xung quanh khu vực, trồng cây xanh xung quanh khu vực hầm mỏ.
Kiểm soát chặt chẽ việc khai thác
Theo Giám đốc Sở TN&MT - Võ Minh Thành, thời gian qua, lãnh đạo tỉnh rất quan tâm, chỉ đạo thường xuyên, kịp thời đối với các hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn. Ngành TN&MT tăng cường phối hợp chặt chẽ các ngành, địa phương trong vấn đề này, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước lĩnh vực chuyên ngành, từ đó góp phần phát triển KT-XH của tỉnh.
Bên cạnh những mặt đã đạt, hiện nay, hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế nhất định cần giải quyết. Tình trạng khai thác không phép, sai mục đích, việc khai thác không bảo đảm các yếu tố an toàn và bảo vệ môi trường vẫn còn xảy ra, ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất của người dân trong khu vực, gây bức xúc dư luận.
Để khắc phục những hạn chế trên, đưa hoạt động khai thác khoáng sản đi vào nền nếp, đóng góp tích cực cho sự phát triển KT-XH, Sở sẽ tham mưu UBND tỉnh các giải pháp để chỉ đạo các ngành, địa phương trong quá trình kiểm tra, giám sát các hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn. Trước mắt, đối với UBND cấp huyện, Sở đề nghị UBND cấp huyện chỉ đạo cơ quan chuyên môn rà soát quy hoạch khoáng sản trên địa bàn huyện cho phù hợp với tình hình phát triển KT-XH của địa phương; yêu cầu các đơn vị khai thác phải thực hiện các nghĩa vụ phúc lợi công cộng theo Điều 5 Luật Khoáng sản năm 2010 và có biện pháp bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn quản lý.
Về phía đơn vị, Sở tăng cường công tác thanh tra, giám sát và tiếp tục phối hợp địa phương, ngành kiểm tra việc khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh, đặc biệt vào mùa khô; phối hợp xử lý nghiêm vi phạm về khoáng sản khai thác không phép, theo dõi, ngăn chặn và chấn chỉnh, xử lý đối với những đơn vị khai thác vận chuyển khoáng sản ra khỏi ranh giới hành chính địa phương theo đúng quy định.
“Sở yêu cầu các đơn vị khai thác chấp hành nghiêm giấy phép khai thác khoáng sản, trường hợp không chấp hành nghiêm, ảnh hưởng đến sinh hoạt, đời sống người dân, Sở sẽ báo cáo, tham mưu UBND tỉnh xem xét đình chỉ hoạt động khai thác hoặc thu hồi giấy phép theo quy định” - ông Võ Minh Thành thông tin./.
Châu Sơn