Tiếng Việt | English

17/08/2022 - 11:45

Nâng cao ý thức của người dân trong phân loại rác tại nguồn

Phân loại rác tại nguồn (PLRTN) được thí điểm trên địa bàn tỉnh bước đầu đem đến nhiều tín hiệu tích cực, giúp giảm lượng rác thải, tiết kiệm công sức, chi phí trong quá trình xử lý chất thải. Đây cũng là tiền đề, cơ sở để nhân rộng mô hình, góp phần thay đổi thói quen, nhận thức, tuyên truyền kêu gọi người dân, cộng đồng tích cực thực hiện PLRTN, hạn chế ô nhiễm, nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường (BVMT) ở địa phương.

Gia đình chị Nguyễn Thị Thanh (phường 3, TP.Tân An) - một trong những hộ dân đầu tiên tham gia mô hình phân loại rác tại nguồn

Từng bước thay đổi thói quen

PLRTN có vai trò, ý nghĩa rất lớn đối với việc thu gom, xử lý chất thải, nhất là trong giai đoạn hiện nay, rác thải sinh hoạt không ngừng gia tăng qua hàng năm. Bên cạnh việc tổ chức thu gom, vận chuyển, xử lý, địa phương còn thực hiện một số mô hình giảm rác thải, tăng hiệu quả thu gom cũng như góp phần BVMT: Hố thu gom, lò đốt rác, biến rác thành tiền,... Đồng thời, địa phương tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn, vận động người dân tham gia thực hiện PLRTN để giảm lượng rác thải, giảm chi phí xử lý, nâng cao hiệu quả công tác thu gom, xử lý rác, hạn chế ô nhiễm môi trường xung quanh.

Bà Đặng Thị Thanh Nguyên (xã Phước Tuy, huyện Cần Đước) cho rằng: “Từ việc hướng dẫn của các cấp, người dân nắm bắt khái quát về việc phân loại rác tại gia đình. Rác thải có thể tái chế chúng tôi giữ lại để bán ve chai, chỉ gom các loại rác hữu cơ để xử lý”.

Theo Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Cần Đước - Hồ Hoàng Hưng, việc thu gom, xử lý rác trên địa bàn luôn được thực hiện nghiêm túc. Huyện vận động người dân đổ rác đúng giờ, trồng cây xanh tạo không khí trong lành, hướng dẫn những hộ dân trong đồng xây dựng lò đốt rác tại gia đình để xử lý. Huyện phối hợp các tổ chức chính trị - xã hội vận động, tuyên truyền, tổ chức tập huấn người dân PLRTN. Qua các buổi tập huấn, người dân nâng cao nhận thức, bắt đầu thực hiện phân loại rác thải tại gia đình. Điều này góp phần giảm lượng rác thải, chi phí xử lý và BVMT. Hiện nay, địa phương tập trung triển khai Luật BVMT năm 2020 với những nội dung, điểm mới và phát huy vai trò của người dân, cộng đồng dân cư trong việc BVMT, trong đó có việc PLRTN.

Chị Trần Thị Huyền (ấp Sò Đo, thị trấn Hậu Nghĩa, huyện Đức Hòa) cho hay: “Gia đình tham gia vào mô hình phân loại rác của Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn. Mô hình giúp chúng tôi nhận biết cách phân loại rác và tận dụng những rác tái chế để đem bán ve chai hỗ trợ những hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Điều quan trọng nhất, chúng tôi đã thay đổi được nhận thức, hiểu rõ được vai trò, trách nhiệm của bản thân trong việc BVMT. Từ mô hình, giúp lượng rác của gia đình được giảm hẳn, khu vực gia đình sinh sống không còn tình trạng vứt rác bừa bãi, môi trường ngày càng trong lành, đáng sống hơn”.

Tín hiệu tích cực

Theo Phó Giám đốc Sở TN&MT - Nguyễn Tân Thuấn, tỉnh phối hợp Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) thực hiện thí điểm PLRTN (tại các hộ gia đình) từ tháng 8-2020. Ban đầu chỉ cho 1 khu phố thực hiện (khu phố Bình Đông 2), sau đó đã được mở rộng trên địa bàn toàn phường 3 và khu vực giáp ranh của phường 1 và phường 7. Đến nay, qua 2 năm thí điểm, mô hình đạt nhiều kết quả tích cực, nhận được sự hưởng ứng của hơn 85% hộ gia đình, các cơ sở sản xuất, nhà hàng, khách sạn, nhà trọ và các hộ kinh doanh trong khu vực phường 3.

Gia đình chị Nguyễn Thị Thanh (khu phố Bình Đông 2, phường 3, TP.Tân An) là một trong những hộ dân tham gia đầu tiên thực hiện PLRTN. Những hiệu quả thiết thực từ mô hình đã thay đổi suy nghĩ của các thành viên trong gia đình và họ bắt đầu hình thành thói quen phân loại rác. Chị Thanh chia sẻ: “Lúc đầu, mọi người cảm thấy hơi phiền phức nhưng phân loại rác một vài lần trở thành thói quen. Quan trọng, chúng tôi hiểu biết, nắm bắt được ý nghĩa của việc mình làm. Thay vì bỏ tất cả rác vào chung một thùng như trước đây thì giờ chúng tôi đã chia theo từng loại, bỏ riêng vào từng sọt rác để thuận lợi cho việc thu gom, xử lý. Hy vọng hành động nhỏ của gia đình sẽ lan tỏa, góp phần cùng cộng đồng xây dựng, BVMT sống trong khu vực dân cư”.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP.Tân An - Võ Hồng Thảo, qua thời gian triển khai mô hình, việc PLRTN trên địa bàn mang lại những hiệu quả tích cực, thiết thực đối với công tác BVMT. Người dân hưởng ứng tham gia, nâng cao nhận thức, biết cách phân loại rác, tạo thuận lợi trong quá trình xử lý, giảm được lượng rác thải. Các đơn vị thu gom nâng cao năng lực chuyên môn, phát huy được vai trò. Khi phân loại rác triệt để, từng loại rác có cách xử lý phù hợp sẽ làm giảm chi phí xử lý và giảm tác động tới môi trường. Khối lượng rác trên địa bàn phường 3 được thu gom khoảng 400 tấn/tháng, thực hiện phân loại rác hữu cơ khoảng trên 90 tấn/tháng (kết quả phân loại đạt trên 85%). Những kết quả này là cơ sở để TP.Tân An triển khai nhân rộng trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Tân Thuấn khẳng định: PLRTN có vai trò, ý nghĩa thiết thực, nhất là trong giai đoạn hiện nay và sắp tới, góp phần giảm chi phí xử lý, giảm sự ô nhiễm, tăng thêm hiệu quả về kinh tế. Phân loại rác thải đã đem lại nhiều thành tựu trong việc quản lý rác thải tại các quốc gia phát triển trên thế giới. Thông qua việc phân loại rác thải, các nguồn chất thải được tận dụng và tái chế tối đa. Rác thải hữu cơ sau khi được phân loại là nguyên liệu tốt cho quá trình sản xuất phân hữu cơ vừa giảm chi phí xử lý, vừa có hiệu quả kinh tế thúc đẩy nông nghiệp bền vững. Rác tái chế được tận dụng làm nguyên liệu cho các ngành sản xuất và rác còn lại không có giá trị sẽ được xử lý bằng việc thiêu hủy hoặc chôn lấp. Chỉ khi tái chế, tận dụng được nguồn rác thải mới có thể tiết kiệm tài nguyên, giảm chi phí xử lý, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Phân loại rác tại nguồn có vai trò, ý nghĩa thiết thực, góp phần giảm chi phí xử lý, giảm sự ô nhiễm, tăng thêm hiệu quả về kinh tế

Tỉnh phối hợp Tổ chức WWF-Việt Nam thí điểm mô hình PLRTN tại phường 3, TP.Tân An và đã sơ kết, đánh giá đạt yêu cầu theo đúng kế hoạch. Người dân bắt đầu quen với việc phân loại, tự giác tham gia. Các đơn vị thu gom, vận chuyển và xử lý cũng chuyên nghiệp hơn, tăng độ tin cậy đối với người dân trong vấn đề xử lý rác đã phân loại. Thành công của mô hình thí điểm PLRTN ở phường 3, TP.Tân An là cơ sở vững chắc, tiền đề cho TP.Tân An và tỉnh thực thi Luật BVMT năm 2020 về quy định phân loại rác tại các hộ gia đình, thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt. Sở tiếp tục phối hợp UBND TP.Tân An và Tổ chức WWF-Việt Nam hoàn thiện mô hình PLRTN cho khu vực đô thị và triển khai mô hình ở nông thôn để có cơ sở nhân rộng trên địa bàn thành phố và các địa phương khác trong tỉnh. Sở sẽ phối hợp các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện tốt chỉ đạo của UBND tỉnh trong công tác thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn, nhất là trong việc PLRTN đạt hiệu quả, hướng đến nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh, góp phần hoàn thành kế hoạch chung./.

Từ ngày 25/8/2022, không phân loại rác sinh hoạt bị phạt lên đến 1 triệu đồng theo Nghị định số 45/2022/NĐ-CP. Cụ thể, khoản 1, Điều 26 Nghị định 45/2022/NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 500.000-1.000.000 đồng đối với hành vi hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định. Ngoài ra, Nghị định 45 cũng bổ sung thêm rất nhiều hành vi vi phạm trong lĩnh vực BVMT sẽ bị phạt trong thời gian sắp tới: Hành vi đốt ngoài trời phụ phẩm từ cây trồng cạnh khu vực dân cư, sân bay, các tuyến giao thông chính bị phạt từ 2,5-3 triệu đồng (theo khoản 1, Điều 40 Nghị định 45/2022/NĐ-CP); hành vi thải chất gây mùi khó chịu, hôi thối vào môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải dưới 1,1 lần trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm hành chính nhiều lần bị phạt từ 1-3 triệu đồng (điểm b, khoản 1, Điều 20 Nghị định 45/2022/NĐ-CP); hành vi rò rỉ, thải hóa chất độc vào môi trường đất, nước trái quy định về BVMT bị phạt từ 40-50 triệu đồng (theo khoản 1, Điều 24 Nghị định 45/2022/NĐ-CP)...

Châu Sơn

Chia sẻ bài viết