Tiếng Việt | English

31/03/2018 - 15:57

Nặng nợ với nghề công tác xã hội

Đến với nghề bằng cái tâm và sự đồng cảm với những mảnh đời bất hạnh, những người làm nghề công tác xã hội (CTXH) góp phần thắp lên niềm tin, hy vọng để các hoàn cảnh yếu thế vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

Chăm sóc người bệnh tâm thần

Tiếng hát, tiếng la, rồi cười ngặt nghẽo, những câu nói vô nghĩa, ánh mắt vô hồn,... của người bệnh tâm thần khiến những ai lần đầu đặt chân đến Khu E - nơi chăm sóc nữ bệnh nhân (BN) tâm thần của Trung tâm Bảo trợ xã hội cũng sợ. Nhưng với bà Phạm Thị Lan - Tổ trưởng Tổ Chăm sóc Khu E, thì những hình ảnh đó rất bình thường, quen thuộc và có cả sự xót xa.

Bà Phạm Thị Lan (bìa trái)  xem người bệnh tâm thần như người thân của mình

Bà Phạm Thị Lan (bìa trái) xem người bệnh tâm thần như người thân của mình

Năm 2002, bà Lan xin vào làm việc tại trung tâm và được phân công chăm sóc nữ BN tâm thần. Bà tâm sự: “Lúc mới vào làm, tôi không dám đứng gần người bệnh vì không biết họ lên cơn lúc nào rồi đánh mình. Sau một thời gian, tôi có kinh nghiệm, hiểu được tính nết từng người bệnh, biết được khi nào họ sắp lên cơn,... Sống gần gũi riết quen, giờ tôi xem họ như người thân của mình. Nhiều lần, tôi bị họ đánh, tạt nước, giận lắm nhưng nghĩ lại, họ có biết gì đâu!”.

Hiện nay, Khu E có 7 cán bộ trực tiếp chăm sóc, quản lý hơn 100 nữ BN tâm thần. Bà Lan cho biết thêm: “Hàng ngày, 5 giờ sáng, chúng tôi phải hướng dẫn người bệnh tập thể dục, sắp xếp phòng ở gọn gàng; tổ chức cho người bệnh tắm, giặt, vệ sinh cá nhân,... Với những người bệnh nặng, không tự chăm sóc bản thân được, chúng tôi phải hỗ trợ từ việc ăn, ngủ đến tắm, giặt, vệ sinh cá nhân. Buổi tối, chúng tôi phải kiểm tra, theo dõi giấc ngủ của người bệnh nhằm phát hiện kịp thời các trường hợp người bệnh mất ngủ, kích động, có hành vi tự sát”.

Công việc chăm sóc BN tâm thần vất vả và đầy nguy hiểm nhưng bà Lan chưa hề than khổ, than cực mà làm với tất cả trách nhiệm và tình thương. Những việc làm đầy tính nhân văn của bà góp phần giúp người bệnh tâm thần an tâm điều trị, có cuộc sống tốt hơn, nhất là có điều kiện trở lại hòa nhập cộng đồng.

Tiền lương không đủ chi phí đi lại

Bí Bo là cái tên quen thuộc mà người dân xã Phước Lại, huyện Cần Giuộc dành cho anh Nguyễn Thành Tính - cán bộ Lao động - Thương binh và Xã hội của xã. Sau khi tốt nghiệp THPT, anh Tính xin vào làm việc tại UBND xã Phước Lại và được phân công công tác ở UBMTTQ Việt Nam xã. Năm 2011, anh được chuyển sang làm cán bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Với vai trò, nhiệm vụ mới, anh không những nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn là cầu nối giúp đỡ nhiều hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong cuộc sống. Bà Trần Thị Tư (ngụ ấp Tân Thanh A, xã Phước Lại) bộc bạch: “Nhờ sự giúp đỡ của cháu Bo mà tôi có cái ăn, cái mặc. Thấy hoàn cảnh tôi đơn chiếc nên lần nào có đoàn từ thiện đến tặng quà, cháu Bo cũng dành cho tôi một phần. Còn những lúc ốm đau không có tiền mua thuốc, Bo đến thăm, cho tiền và vận động mạnh thường quân giúp đỡ”.

Anh Nguyễn Thành Tính (bìa phải) cho rằng, nghề công tác xã hội cần phải có cái tâm và đừng tính toán với nghề

Anh Nguyễn Thành Tính (bìa phải) cho rằng, nghề công tác xã hội cần phải có cái tâm và đừng tính toán với nghề

Với anh Tính, làm nghề này chẳng bao giờ có khái niệm ngày nghỉ. Anh cho biết: “Nhiều lúc thứ bảy, chủ nhật tôi cũng phải đi cơ sở hướng dẫn người dân làm hồ sơ để hưởng trợ cấp, hay nắm bắt nhu cầu vay vốn của các hộ nghèo và cận nghèo, khảo sát xây nhà tình thương,... Có tháng, tiền lương của tôi không đủ chi phí đi lại. Với tôi, khi chấp nhận gắn bó với nghề này thì không tính toán bởi niềm vui của những người làm CTXH là thấy được cuộc sống của những mảnh đời khó khăn được tốt hơn. Đó cũng chính là “khoản tiền lương” lớn nhất”.

Không chỉ năng nổ, nhiệt tình trong công việc, anh Tính còn là người ham học hỏi, không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn. Năm 2013, anh Tính tốt nghiệp Trung cấp ngành Lao động xã hội. Hiện tại, anh đang học liên thông đại học. 

Vì tình thương với trẻ khuyết tật

Tốt nghiệp Trung cấp Y tế chuyên ngành Nữ hộ sinh nhưng bà Lê Phạm Hoa Anh Đào (đang công tác tại Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh) lại “bén duyên” với những trẻ em kém may mắn. 

Bà Đào chia sẻ: “Năm 1993, tôi được phân công về Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật. Lúc đó, trường chỉ có 4 giáo viên và 1 hiệu trưởng nên tôi đảm nhiệm một lúc 3 nhiệm vụ: Cán bộ y tế, giáo viên và kế toán. Để có kiến thức và kinh nghiệm dạy trẻ khiếm thính, tôi được trường đưa đi tập huấn ở TP.HCM 1 tháng. Về công tác tại trường, 4 giáo viên phải thay phiên nhau chăm sóc trẻ cả ngày. Áp lực công việc ngày càng lớn nhưng lương chẳng bao nhiêu, từ đó, tôi quyết định thi và đậu công chức ngành Y tế. Thế nhưng sau đó, tôi thay đổi quyết định, vẫn ở lại trường công tác, vì thương các em quá! Năm 2000, tôi tiếp tục được trường đưa đi học ở Hà Nội theo dự án Hòa nhập. Sau khi học xong, tôi được phân công nhiệm vụ kiểm tra máy, cấp máy trợ thính và kiêm luôn quản lý khu nội trú bán trú, bếp ăn của trường đến nay”.

Bà Lê Phạm Hoa Anh Đào kiểm tra máy trợ thính cho trẻ em khuyết tật

Bà Lê Phạm Hoa Anh Đào kiểm tra máy trợ thính cho trẻ em khuyết tật

Theo năm tháng, các em khuyết tật được bà Đào chăm sóc trưởng thành. Nhiều em còn học được nghề, có việc làm ổn định, có thể tự nuôi sống bản thân. Có niềm vui, niềm hạnh phúc nào hơn khi tết đến, xuân về, những người học trò “đặc biệt” này lại đến nhà thăm bà. Đây chính là động lực để bà bám nghề đến nay.

Nghề CTXH là nghề rất vất vả nhưng những ai đến với nghề bằng cái tâm thì luôn gắn bó. Chính những việc làm của bà Lan, bà Đào, anh Tính khẳng định, nghề CTXH là nghề cao quý, góp phần tích cực thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, nhất là giúp nhiều hoàn cảnh yếu thế trong xã hội vượt qua nghịch cảnh./.

Thiên Minh

Chia sẻ bài viết