Tiếng Việt | English

26/04/2022 - 18:16

Nắng nóng gay gắt, bạn dễ bị những bệnh gì?

Cảm nắng, say nắng, phát ban nhiệt, mất nước kiệt sức do nắng nóng thậm chí đột quỵ là những bệnh có thể gặp khi ra ngoài trời trong điều kiện nắng nóng gay gắt.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, bắt đầu từ 25/4 cho đến ngày 27/4, thời tiết nắng nóng tiếp tục mở rộng ở phía tây Bắc bộ, khu vực Bắc và Trung Trung bộ. Nhiệt độ nắng nóng cao nhất phổ biến 35 - 37 độ C, có nơi trên 37 độ C. Thời tiết ở Nam bộ, Tây nguyên ngày 25/4 có nắng nóng cục bộ. Nhiệt độ nắng nóng cao nhất 35 - 36 độ C, có nơi trên 36 độ C.

Thạc sĩ, bác sĩ Hàn Tiểu Sảo, Bệnh viện đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn, cho biết thời tiết nắng nóng cao điểm như hiện nay, các bức xạ tia UV, các bức xạ khác (có trong ánh sáng mặt trời) rất nguy hại, có thể gây một số bệnh về da như sạm da, lão hóa da, bỏng nắng, ung thư da và các bệnh về mắt như đục thủy tinh thể. Ngoài ra trong điều kiện thời tiết nắng nóng sẽ có thể mắc phải một số bệnh thường gặp như:

Cảm nắng, say nắng

Khi nhiệt độ lên đến 38 - 39°C, hiện tượng thường hay gặp nhất là cảm nắng ở cả người lớn và trẻ em. Cơ thể bị mất nước nhiều do tiết mồ hôi, thân nhiệt cơ thể không điều hòa được khi bị ánh nắng mặt trời chiếu vào người có thể dẫn đến chóng mắt, lờ đờ, uể oải.

Do đó, cách phòng tránh là nên hạn chế ra ngoài trời vào những giờ nắng nhất (thường từ 12 giờ trưa đến khoảng 3 giờ chiều). Nên đội mũ và mặc quần áo dài, tránh ánh nắng tiếp xúc trực tiếp lên cơ thể.

Uống nhiều nước, ít nhất 2 lít nước/ngày và có thể nhiều hơn trong những ngày oi bức. Ăn nhiều rau xanh và hoa quả.

Tài xế tìm chỗ tránh nắng, bổ sung nước trong những ngày nắng nóng cao điểm tại TP.HCM

Phát ban nhiệt

Phát ban nhiệt, hay còn gọi là nhiệt gai, là hiện tượng phát ban do dị ứng thời tiết. Tình trạng này có thể gây ngứa và đau đớn. Nguyên nhân dẫn đến phát ban nhiệt là do cơ thể đổ mồ hôi quá nhiều trong thời tiết nóng ẩm và triệu chứng này đặc biệt ảnh hưởng đến trẻ nhỏ.

Triệu chứng của phát ban nhiệt bao gồm: Xuất hiện các mụn nhọt hoặc mụn nước nhỏ, đặc biệt là ở cổ hoặc trên ngực, hoặc nó có xu hướng nổi nhiều ở phần háng, khuỷu tay và dưới ngực.

Do đó, bác sĩ Tiểu Sảo khuyến cáo người dân nên uống nhiều nước. Không nên dùng các loại thuốc mỡ hoặc sử dụng các loại kem dưỡng da để thoa vào vùng da bị tổn thương, trừ khi có sự chỉ định của bác sĩ. Dùng quạt hoặc những thiết bị làm mát để giúp giảm nhiệt độ của cơ thể trong những ngày nắng nóng. Mặc những bộ quần áo thoáng mát, không bí bức.

Mất nước, kiệt sức do nắng nóng

Đây là hiện tượng xảy ra khi cơ thể bạn không được cung cấp đủ nước để có thể duy trì cơ chế hoạt động bình thường của cơ thể vào ngày nắng nóng oi bức.

Các triệu chứng thường gặp là chóng mặt, mệt mỏi, khó chịu, khát, nước tiểu màu vàng đậm, chán ăn, ngất xỉu. Luôn nhớ bổ sung ít nhất 2 lít nước mỗi ngày.

Đột quỵ do sốc nhiệt

Hiện tượng này xảy ra khi nhiệt độ cơ thể tăng cao (trên 40, 50 độ C). Đột quỵ do sốc nhiệt là căn bệnh nguy hiểm, đặc biệt là những người có tiền sử bị tăng huyết áp, đái tháo đường, mỡ máu cao… Những người trẻ thường xuyên uống rượu bia, sử dụng chất gây nghiện, thuốc lá, hay phải chịu áp lực công việc, cuộc sống…

Triệu chứng của đột quỵ do sốc nhiệt có thể bao gồm: Nhiệt độ cơ thể tăng đột ngột, đỏ, da khô nóng, sưng lưỡi, thở dốc, khát nước, nhức đầu, buồn nôn, nôn mửa, chóng mặt, phối hợp kém hoặc nói lơ, có những hành vi quá khích, mất ý thức, động kinh hoặc hôn mê.

Đối với nạn nhân bị đột quỵ do sốc nhiệt thì khâu sơ cứu quan trọng nhất là làm hạ nhiệt độ cơ thể càng nhanh càng tốt và đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất./.

Theo Thanh niên

Chia sẻ bài viết