Nâng sức cạnh tranh
Cần Giuộc được biết đến là vùng chuyên canh trồng rau nổi tiếng của tỉnh và dần trở thành vùng sản xuất theo hướng liên kết, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng cũng như giá trị sản phẩm. Hiện toàn huyện có trên 1.800ha chuyên canh rau, năng suất khoảng 22 tấn/ha/vụ, sản lượng ước trên 125.000 tấn/năm. Các loại rau trồng chủ yếu là rau ăn lá, rau gia vị, còn lại là rau ăn quả. Theo nhiều doanh nghiệp chuyên cung ứng bán lẻ, Cần Giuộc được thiên nhiên ưu đãi nên các loại rau ăn lá, đặc biệt là rau gia vị có mùi vị rất thơm ngon. Đây là một trong những lợi thế để xây dựng sản phẩm OCOP.
Nhân viên Hợp tác xã Phước Thịnh (xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc) sơ chế rau
Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp, sản xuất, thương mại, dịch vụ Phước Thịnh (HTX Phước Thịnh, xã Phước Hậu) là một trong những HTX phát triển khá tốt trong việc liên kết sản xuất và cung ứng nguồn rau an toàn đến các bếp ăn tập thể, nhà trẻ, doanh nghiệp đầu mối cung ứng bán lẻ trong và ngoài tỉnh. HTX có 29 thành viên chính thức và 110 thành viên liên kết ở khắp các xã có trồng rau trên địa bàn huyện Cần Giuộc. Nhờ được sự hỗ trợ của Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) trong xúc tiến thương mại, bình quân mỗi ngày, HTX tiêu thụ 8 tấn rau các loại, trong đó có khoảng 500kg dùng để nấu nước mát. Theo Giám đốc HTX Phước Thịnh - Đặng Duy Dũng, nguyên liệu dùng để nấu nước mát có 8 loại như mía lau, mã đề, thuốc dồi, rễ tranh, râu bắp, lá dứa, ngò rí bông, cây lẻ bạn. Các sản phẩm này được HTX liên kết với 10 hộ dân trồng. Ban đầu, gia đình nấu để uống, sau đó phát triển thành sản phẩm để cung ứng khách hàng và nhận được tín hiệu khá tốt.
Ông Đặng Duy Dũng cho biết, hiện tại, sản phẩm của HTX được Phòng NN&PTNT huyện chọn và đề xuất tham gia đề án OCOP. HTX tiếp tục liên kết với nông dân giữ vững tiêu chí an toàn thực phẩm, hướng đến sản xuất hữu cơ nhằm nâng cao chất lượng, giữ vững sản lượng cung cấp cho khách hàng. Một khi sự liên kết giữa nông dân, HTX, doanh nghiệp bền vững sẽ giúp đầu ra nông sản ổn định, nâng cao đời sống người dân.
Xã Thuận Thành, huyện Cần Giuộc có nhiều hộ gia đình chuyên làm nghề chế tác trang sức bằng bạc. Anh Mai Thanh Tuyền - cán bộ xã Thuận Thành, cho biết, toàn xã có khoảng 40 hộ sản xuất trang sức bạc gồm dây chuyền, nhẫn, vòng, bông tai,... Nghề bạc được lưu truyền qua nhiều thế hệ và trở thành nguồn thu nhập chính cho cả trăm lao động tại địa phương.
Anh Đặng Hùng Sơn và vợ chế tác trang sức bạc
Anh Đặng Hùng Sơn (55 tuổi), ngụ ấp Thuận Tây, làm nghề chế tác trang sức bạc trên 30 năm, do gia đình vợ truyền lại. Hiện tại, gia đình anh có 4 người theo nghề và giải quyết việc làm cho 6 lao động khác trong xóm với thu nhập ổn định. Hiện anh chế tác bạc gia công cho các chành tại TP.HCM. Bình quân mỗi tuần, cơ sở làm ra khoảng 15kg sản phẩm thành phẩm chuyên về dây chuyền. Trước đây, hầu hết công đoạn đều làm thủ công nhưng hiện nay, do nhu cầu về sản lượng hàng hóa nhiều hơn, anh đầu tư một số máy móc như máy dập, giũa, hàn, kéo cán,... Nhờ vậy, sản phẩm hoàn thành nhanh, tinh xảo hơn, đáp ứng được nhu cầu của khách hàng.
Tập trung hỗ trợ
Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cần Giuộc - Ngô Bảo Quốc cho biết, huyện đã rà soát, thống kê các sản phẩm đặc trưng đã và đang sản xuất trên địa bàn huyện. Theo đó, huyện đề xuất về tỉnh 9 sản phẩm tiêu biểu tham gia Đề án OCOP năm 2020, gồm: Cốm ngò; lạp xưởng tôm; tôm sú, tôm thẻ chân trắng; rau ăn lá, rau mùi các loại, nước mát; dưa lưới; hoa phong lan; trang sức vàng bạc; rau má và cải xà lách xoong. Huyện đã tổ chức tập huấn cho các đối tượng về OCOP, hỗ trợ về kỹ thuật, vật tư sản xuất và kết hợp chương trình ứng dụng công nghệ cao để cơ sở sản xuất, nông dân hiểu rõ mục tiêu, hướng đến nâng cao chất lượng sản phẩm.
Tham gia Đề án OCOP năm 2020, huyện Thạnh Hóa đề xuất về tỉnh 2 sản phẩm: Mật ong và rượu chanh. Để phục vụ nhu cầu thị trường, thời gian qua, Cơ sở mật ong Bùi Minh Quang (thị trấn Thạnh Hóa) nuôi hơn 1.000 thùng ong để lấy mật. Theo ông Quang, cơ sở chủ động cho ong hút mật hoa theo mùa. Thông thường, các tháng sau tết, đàn ong được di chuyển về Tiền Giang, Vĩnh Long để tạo ra mật ong hoa nhãn, các tháng khác sẽ hút mật hoa tràm. Trung bình mỗi năm, cơ sở khai thác và chế biến khoảng 70-80 tấn mật các loại, phục vụ nhu cầu của các công ty chuyên sản xuất mỹ phẩm, dược phẩm. Thời gian gần đây, cơ sở nghiên cứu, áp dụng công nghệ mới, chế biến mật ong đóng chai để phục vụ người tiêu dùng mua lẻ với thương hiệu mật ong Quang Vinh.
Các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh được trưng bày và thu hút người tiêu dùng, trong đó có nhiều sản phẩm được chọn tham gia Đề án OCOP
Ông Quang phấn khởi nói, năm 2019, cơ sở được Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh hỗ trợ kinh phí đầu tư máy hạ thủy phần, máy lọc mịn,... Khi áp dụng các kỹ thuật này, mật ong tách nước giảm thủy phần, xử lý bọt ga, tạp chất, giúp mật hoàn toàn sạch, giữ hương vị, không biến chất và bảo quản lâu hơn.
Còn ông Đặng Duy Dũng chia sẻ thêm, trong quá trình phát triển chuỗi liên kết sản phẩm rau, HTX được sự đồng hành của nhiều đơn vị quản lý nhà nước cấp tỉnh, huyện. Năm 2019, HTX Phước Thịnh được hỗ trợ 1,5 tỉ đồng từ chương trình xây dựng HTX điểm, điển hình để mở rộng, nâng cấp nhà sơ chế.
Anh Đặng Hùng Sơn nhận định, nghề chế tác bạc chắc chắn không mai một mà còn có thể duy trì, phát triển trong thời gian tới nếu người thợ chịu khó học hỏi thêm kiến thức, kỹ năng, đầu tư máy móc, thiết bị. Tuy là nghề truyền thống nhưng hầu hết hộ gia đình chế tác trang sức bạc chưa được hỗ trợ để duy trì, phát triển nghề. Khó khăn nhất của những người làm nghề là thiếu vốn đầu tư trang thiết bị, nguyên liệu và cả việc truyền nghề, trong khi nhu cầu tiêu thụ trang sức bạc hiện nay rất khả quan.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT - Đinh Thị Phương Khanh cho biết, hiện tại, tỉnh đang trong quá trình tập hợp đề xuất danh mục các sản phẩm tham gia Đề án OCOP năm 2020. Dự kiến, tháng 5 và tháng 6 này, sở phối hợp địa phương tiến hành khảo sát, chấm điểm theo từng tiêu chí. Sản phẩm nào đủ điều kiện, các đơn vị cấp tỉnh sẽ phối hợp địa phương tập trung hỗ trợ thêm về kỹ thuật, kinh phí để cơ sở, hộ kinh doanh hoặc HTX sản xuất theo hướng chất lượng, xây dựng thương hiệu sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ để sản xuất bền vững. Đây được xem là giải pháp để khai thác tiềm năng, lợi thế của các xã trên địa bàn, giúp nâng tầm giá trị của hàng hóa nông sản tại địa phương, cũng là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới./.
Mai Hương