Những năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo trong cả nước và tỉnh Long An thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ từ các cấp học nhằm từng bước nâng cao chất lượng giáo dục; từ đó, chất lượng giáo dục có chuyển biến tích cực, đáng ghi nhận. Tuy nhiên, vẫn còn hiện tượng một số địa phương chạy theo thành tích, tạo ra không ít áp lực về học tập cho học sinh, không phản ánh đúng thực chất chất lượng giáo dục. Vấn đề này, không ít lần được phản ánh trong các cuộc tiếp xúc cử tri.
Tôi được biết, từ khi Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”, được ngành Giáo dục và Đào tạo và đông đảo các trường trong tỉnh tích cực hưởng ứng. Nhiều trường chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch với những biện pháp cụ thể nhằm chống bệnh thành tích trong học tập phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế của trường mình; xây dựng biện pháp cụ thể đối với cán bộ, giáo viên và học sinh.
Theo đó, các thầy cô giáo luôn nêu cao ý thức trách nhiệm, thực hiện nghiêm quy chế, chuyên môn: Gác thi, chấm thi đúng quy trình, khách quan; đánh giá học sinh đúng năng lực, không cho điểm tùy tiện trong kiểm tra, đánh giá dẫn đến sai lệch thực chất, năng lực học tập của học sinh; thể hiện tinh thần sáng tạo, áp dụng những kinh nghiệm vào đổi mới cách quản lý, giáo dục học sinh; đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao nhận thức, tiếp thu kiến thức của học sinh;... Đối với học sinh, nhà trường cũng tuyên truyền hiệu quả sự phối hợp giữa: Gia đình, nhà trường và xã hội để giáo dục đạo đức, tư tưởng, nâng cao tinh thần tự giác, trung thực trong học tập; xây dựng quy chế để xử lý những em có hành vi quay cóp, gian lận khi làm bài thi, bài kiểm tra,...
Tiếp tục chống bệnh thành tích trong học tập, chống tiêu cực trong giáo dục, theo tôi, thời gian tới, thầy cô giáo và học sinh cùng phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trong dạy và học; chủ động đặt ra các mục tiêu nâng dần chất lượng để phấn đấu trong từng năm, từng học kỳ chứ không chạy theo thành tích./.
Thanh Lê