Tiếng Việt | English

11/10/2016 - 15:01

Dạy thêm, học thêm: Mong manh giữa tự nguyện và ép buộc

Dạy thêm, học thêm phải trên tinh thần tự nguyện của học sinh. Nhưng với chương trình và cách dạy hiện nay liệu có dễ gì tự nguyện?

Dạy thêm, học thêm thời gian qua đã trở thành vấn đề nóng trong toàn xã hội. Bởi hầu hết các gia đình có con em đi học đều bồn chồn, lo lắng, thậm chí có người rất bức xúc về tình trạng dạy thêm, học thêm thời gian qua. Nhưng khi cấm dạy thêm học thêm lại gây bức xúc cho không ít người, bởi họ có nhu cầu học thêm thực sự.

Thước đo nào khẳng định học sinh tự nguyện học thêm?
Mới đây, thường trực Thành ủy TP.HCM có thông báo về công tác quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn TP. Theo đó, việc dạy thêm, học thêm được tổ chức trong nhà trường trên cơ sở tự nguyện của học sinh. Nhà trường phải khảo sát, phân chia lớp học theo cấp độ học lực, trình độ của học sinh.

Danh sách lớp học thêm, nội dung, chương trình giảng dạy do hiệu trưởng quyết định. Nhà trường cần tạo điều kiện cho học được lựa chọn giáo viên theo học, phân bổ hợp lý thời gian dạy thêm, học thêm cho giáo viên và học sinh.

Quyết định này của TP HCM thực sự khiến nhiều phụ huynh, học sinh và cả giáo viên “thở phào” vì đã chính thức được “cởi trói”, được công khai chuyện dạy thêm, học thêm. Bởi thực tế, nhu cầu học thêm của nhiều gia đình, học sinh là có thật, nhưng cũng có không ít em học sinh theo kiểu bị ép buộc, không đi học thêm thì sợ bị trù dập…

Nay, với qui định này của TP HCM đã khiến cho nhiều người vừa mừng vừa lo. Mừng vì việc dạy thêm, học thêm đã được cơ quan quản lý cho phép. Lo vì không biết trong quá trình thực hiện có đúng mục đích ban đầu hay lại bị “méo mó”, lại khiến nhiều người búc xúc như trước kia.

Điều khiến nhiều người lo lắng nhất là trong một lớp có quá nửa số bạn đăng ký học thêm mà mình không làm theo hoặc phụ huynh chống lại thì có làm sao không? Có quản lý được nội dung dạy chính khóa không mà được tổ chức dạy thêm? Nếu quản lý không khéo thì gánh nặng học thêm – dạy thêm lại vẫn như xưa. Bản thân những nhà quản lý giáo dục cũng lo ngại trường hợp giáo viên ép học sinh học thêm, thậm chí lo ngại câu chuyện “cạnh tranh ngầm” giữa các thầy cô: thầy cô dạy tốt thì nhiều em đăng ký học và ngược lại, sẽ ảnh hưởng đến thu nhập, uy tín của thầy cô... Vậy người “cầm cân nảy mực” trong trường (Hiệu trưởng) có thực sự công tâm để xử lý vấn đề này như thế nào.

Chuyện tự nguyện học thêm khiến người ta nhớ đến những khoản thu tự nguyện đầu năm học. Tự nguyện đấy, phụ huynh đều ký vào đấy nhưng trong lòng nhiều người lại vô cùng ấm ức. Nếu có kiện cáo, thắc mắc gì, nhà trường lại "chìa" ngay chữ ký của phụ huynh ra nói rằng anh tự nguyện kia mà!

Hạn chế, tiến tới cấm hoàn toàn dạy thêm cần phải có lộ trình. Nhưng lộ trình ấy ra sao khi mà chương trình học của chúng ta vẫn bị coi là quá nặng nề, thậm chí nhiều kiến thức quá hàn lâm, đánh đố học sinh. Vậy khi nào học sinh chỉ học trong giờ học ở trường mà không phải học thêm, dạy thêm nữa? Câu hỏi này đang lùng nhùng chưa có lối thoát. Bởi, nếu muốn vậy, chương trình học phải phù hợp và giáo viên phải dạy đủ trong trường. Và một điều vô cùng quan trọng nữa là đời sống của giáo viên phải được nâng lên thì nhu cầu dạy thêm của họ mới mong sẽ giảm. Còn trong điều kiện hiện nay, khi mà “lương tháng vẫn chi phối lương tâm” thì thật khó để nói rằng, việc học thêm – dạy thêm là tự nguyện sẽ dễ xảy ra chuyện các thầy cô biện đủ lý do để dạy thêm./.

Vũ Hạnh/VOV.VN

Chia sẻ bài viết