Đằng sau mỗi con chữ luôn cần sự cân nhắc cẩn trọng của người cầm bút, bởi hiệu ứng xã hội từ những tác phẩm báo chí là rất lớn. Nó có thể làm tăng thêm uy tín, danh dự của một cá nhân, tổ chức nhưng cũng có thể vùi dập số phận một con người, một đơn vị, doanh nghiệp,... Do đó, đòi hỏi người làm báo phải luôn nêu cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân và giữ gìn đạo đức nghề nghiệp để luôn xứng đáng với niềm tin của công chúng.
Trước sự phát triển của xã hội cùng yêu cầu của nền báo chí hiện đại, nhiều loại hình báo chí ra đời, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của công chúng. Từ đó, hiệu quả xã hội do báo chí mang lại cũng rất lớn, có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. Vì vậy, những người làm báo càng không cho phép mình được dễ dãi, dù chỉ với một bản tin ngắn. Nhà báo không được đứng trên cuộc sống để phán xét mà phải cùng đồng điệu, trăn trở với cuộc sống để có đề tài hay, tác phẩm tốt.
Trách nhiệm xã hội của nhà báo được thể hiện rất rõ qua từng bài viết của mình. Những bài báo biểu dương cái hay, cái tốt tạo sự lan tỏa trong cuộc sống, góp phần nhân lên niềm tin trong xã hội. Trước những mảnh đời bất hạnh, khó khăn, một bài báo ngắn không những kêu gọi sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng mà còn có giá trị động viên, tiếp thêm nghị lực cho những mảnh đời ấy trong cuộc sống. Hơi thở của cuộc sống thấm đẫm qua từng bài viết của nhà báo chân chính.
Với vai trò phản biện xã hội của mình, nhiều nhà báo không ngại dấn thân để góp phần phơi bày ra ánh sáng những góc khuất tồn tại trong xã hội. Đó là những vụ án tham nhũng bị phanh phui, cách làm ăn gian dối của doanh nghiệp, gây ô nhiễm môi trường, cơ sở sản xuất, kinh doanh không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm,...
Đấu tranh với cái xấu, cái ác, có khi nhà báo bị đe dọa đến tính mạng, gia đình nhưng với lòng yêu nghề, ý thức cao về trách nhiệm xã hội của một “chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, văn hóa” không cho phép họ khoan nhượng, lùi bước. Những điều tốt đẹp sẽ hiện lên rõ hơn, niềm tin vào cuộc sống sẽ mãnh liệt hơn nếu những góc khuất, mặt trái của xã hội từng bước bị đẩy lùi và quét sạch, trong đó có sự cống hiến không nhỏ của những người làm báo.
Đằng sau bài báo là số phận của một con người, đơn vị, doanh nghiệp,... thiêng liêng hơn nữa là quốc gia, dân tộc. Ý thức rõ điều ấy, người làm báo cần luôn cân nhắc nhiều hơn khi viết, để tác phẩm phản ánh đúng, trúng, hấp dẫn và định hướng tốt dư luận xã hội. Muốn vậy, nhà báo không ngừng bồi dưỡng lý tưởng, nhận thức chính trị, rèn luyện đạo đức, lối sống, trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, tích lũy kinh nghiệm từ bản thân, đồng nghiệp để trưởng thành hơn với nghề.
Trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của người làm báo cần luôn được đề cao, tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của nền báo chí cách mạng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Người làm báo hãy luôn “Mắt sáng, lòng trong, bút sắc” như cố nhà báo lão thành Hữu Thọ từng nhắn gửi./.
Long An