Tiếng Việt | English

19/02/2019 - 05:23

Nga hỗ trợ Việt Nam xây dựng Chính phủ điện tử, bảo đảm an ninh mạng

Chiều 18/02, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã tiếp, làm việc với đoàn cán bộ chuyên gia và doanh nghiệp lớn của Liên bang Nga trong lĩnh vực xây dựng Chính phủ điện tử, bảo đảm an toàn thông tin mạng do ông Mamonov, Thứ trưởng Bộ Phát triển số, thông tin liên lạc và truyền thông đại chúng dẫn đầu, sang thăm làm việc tại Việt Nam từ ngày 18-20/02.

Quang cảnh buổi làm việc. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết trong chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Chính phủ Liên bang Nga Medvedev (tháng 11/2018), tại cuộc hội đàm giữa hai Thủ tướng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư với phía Nga, trọng tâm là lĩnh vực hạ tầng giao thông, cách mạng công nghiệp 4.0 và đề nghị phía Nga hỗ trợ Việt Nam xây dựng Chính phủ điện tử, bảo đảm an toàn thông tin mạng. 

Tháng 12/2018, Đoàn công tác của Việt Nam do Bộ trưởng Mai Tiến Dũng dẫn đầu đã đến Liên bang Nga để nghiên cứu, khảo sát, học tập kinh nghiệm trong xây dựng Chính phủ điện tử, bảo đảm an toàn thông tin mạng và nhận được cam kết hỗ trợ, hợp tác từ phía Chính phủ Nga. 

Trong chuyến khảo sát này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Phát triển số, thông tin liên lạc và truyền thông đại chúng Liên bang Nga đã ký Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực xây dựng Chính phủ điện tử. 

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Nga là nước có những chiến lược, chương trình xây dựng Chính phủ điện tử và đạt được nền tảng, hệ thống thông tin quan trọng phục vụ Chính phủ điện tử như Cổng điện tử thống nhất các dịch vụ và chức năng của Chính phủ (EPGU), hệ thống thống nhất định danh và xác thực (ESIA), hệ thống phối hợp hành động điện tử liên bộ ngành (SMEV), hệ thống nền tảng quốc gia cho xử lý dữ liệu phân tán (NPROD)… 

Sự thành công của Nga được cộng đồng quốc tế ghi nhận, chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Nga năm 2018 xếp thứ 32/193 quốc gia, vùng lãnh thổ, thuộc nhóm nước có chỉ số phát triển rất cao và xếp thứ 10 thế giới về an ninh mạng năm 2017.

Tại Việt Nam, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các cấp, các ngành đang rất quan tâm chỉ đạo thúc đẩy xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số, gắn kết với cải cách hành chính, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. 

Thủ tướng đã thành lập Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử và giao Văn phòng Chính phủ chủ trì phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, các bộ, ngành, địa phương xây dựng Nghị quyết của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025. 

Việt Nam sẽ tập trung vào 4 trụ cột là con người, thể chế/quy trình, công nghệ và nguồn lực. Đặc biệt, trong giai đoạn 2019-2020, Việt Nam sẽ triển khai một số đề án tập trung vào thiết lập nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu, xây dựng và đưa vào vận hành Cổng Dịch vụ công quốc gia để đẩy mạnh việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến, đồng thời tiếp tục thúc đẩy việc nâng cao chất lượng phục vụ thông qua Trung tâm phục vụ hành chính công và dần thiết lập các đô thị thông minh.

Bảo đảm an toàn, an ninh mạng là vấn đề khó nhất. Ở Việt Nam, bộ, ngành, địa phương nào cũng có trung tâm dữ liệu, các dữ liệu nằm phân tán, không phải dữ liệu tinh, chưa được chuẩn hóa, số liệu không được cập nhật. Để khắc phục tình trạng là một trong số các nước có nguy cơ cao về mất an toàn, an ninh thông tin và các cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin của các cơ quan nhà nước dễ trở thành mục tiêu tấn công của những kẻ xấu, Chính phủ Việt Nam rất quan tâm đến việc nâng cao khả năng phòng, chống tấn công mạng, lộ lọt thông tin, cũng như phát huy tối đa năng lực của các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực này, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay.

Một thực tế được Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu ra là Việt Nam hiện chưa có cơ sở dư liệu quốc gia về dân cư, chưa có mã định danh công dân; 63 tỉnh, thành phố hiện đều thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến nhưng mới chỉ khoanh ở phạm vi “biên giới của tỉnh;” các ngành như hải quan, bảo hiểm xã hội, thuế, kế hoạch – đầu tư đều có cơ sở dữ liệu riêng nhưng chỉ kết nối được theo ngành dọc mà chưa kết nối ngang, các ngành khác không truy cập được vì thiếu đồng bộ. 

Do vậy, Việt Nam mong muốn Nga chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng Chính phủ điện tử, bảo đảm an toàn thông tin mạng cho hệ thống Chính phủ điện tử và hỗ trợ, tư vấn Văn phòng Chính phủ thiết kế Cổng Dịch vụ công quốc gia, giải pháp định danh, xác thực điện tử trên Cổng Dịch vụ công quốc gia và các hệ thống tương tác với người dân, doanh nghiệp, chia sẻ kinh nghiệm triển khai đô thị thông minh, mô hình Trung tâm hành chính công Moskva và khả năng áp dụng tại Việt Nam… 

Thứ trưởng Bộ Phát triển số, thông tin liên lạc và truyền thông đại chúng Liên bang Nga Mamonov cho biết, phần mềm các dịch vụ công của Chính phủ Nga được các nước đánh giá cao. Nga cũng có những công nghệ về xây dựng thành phố thông minh. Qua theo dõi sự phát triển trong lĩnh vực công nghệ thông tin, Đoàn đánh giá cao mục tiêu Việt Nam đặt ra là trở thành quốc gia có chỉ số phát triển Chính phủ điện tử ở mức cao. Phía Nga cũng mong muốn hợp tác với Việt Nam trong đào tạo cán bộ, chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin, an ninh mạng. 

Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) thông tin, theo đánh giá của Liên hợp quốc, chỉ số phát triển Chính phủ điện tử năm 2018 của Việt Nam xếp hạng 88/193 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó, chỉ số dịch vụ công xếp 59/193, chỉ số hạ tầng viễn thông 100/193, chỉ số nguồn nhân lực 120/193. Hiện Việt Nam đang gặp 4 khó khăn và thách thức trong xây dựng Chính phủ điện tử, đó là về con người, thể chế, công nghệ và nguồn lực. 

Mục tiêu của Việt Nam trong giai đoạn 2019-2025 là hoàn thiện nền tảng Chính phủ điện tử nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp; phát triển Chính phủ điện tử dựa trên dữ liệu và dữ liệu mở hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số; bảo đảm an toàn thông tin và an ninh mạng; nâng xếp hạng Chính phủ điện tử theo đánh giá của Liên hợp quốc tăng từ 10-15 bậc vào năm 2020, đưa Việt Nam vào nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN trong xếp hạng Chính phủ điện tử theo đánh giá của Liên hợp quốc. Để đạt được những mục tiêu này, Việt Nam cần xây dựng, hoàn thiện thể chế, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện cho việc triển khai, xây dựng phát triển Chính phủ điện tử.

Tại buổi làm việc, Đoàn công tác của Liên bang Nga đã giới thiệu về các thế mạnh hệ thống nền tảng quốc gia trong xử lý dữ liệu phân tán, hệ thống bảo đảm an toàn thông tin, trung tâm dịch vụ công quốc gia. Đoàn sẽ chia 3 nhóm làm việc với các đối tác Việt Nam để trao đổi sâu về các vấn đề hai bên cùng quan tâm./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết


Đăng ký mạng 4G Viettel tại vietteldata.vn