Tiếng Việt | English

06/05/2016 - 02:00

Nga - NATO đồng loạt triển khai quân áp sát biên giới đối phương

Mối quan hệ giữa Nga và NATO vốn nhiều sóng gió lại tiếp tục được hâm nóng với việc các bên tuyên bố sẽ đưa ra hành động trả đũa lẫn nhau.

Không chỉ dừng lại ở lời tuyên chiến, những ngày qua cũng chứng kiến hàng loạt hành động quân sự của cả hai bên ở khu vực biên giới, khiến dư luận lo ngại những bất đồng hiện nay có thể leo thang thành xung đột quân sự nguy hiểm.

Một nhóm binh sĩ Mỹ tham gia tập trận cùng NATO ở Đông Âu. Ảnh AP
Các quan chức Nga ngày 4/5 tuyên bố, Nga sẽ đưa ra các biện pháp đáp trả nếu NATO triển khai thêm các lữ đoàn tại Ba Lan và các nước Baltic, đồng thời sẽ tăng cường lực lượng tại bờ phía Nam và Tây của đất nước với những sư đoàn mới.

Các nước phương Tây đang tăng cường sức mạnh quốc phòng ở bờ phía Đông, đồng thời đưa ra đảm bảo với các nước thành viên NATO của châu Âu ở phía Đông như Ba Lan, các nước Baltic và Cộng hòa Séc trước mối lo ngại gia tăng từ Nga.

Một quan chức của Bộ Ngoại giao Nga Andrei Kelin cho biết, việc NATO cân nhắc điều 4 tiểu đoàn luân phiên tới các quốc gia thành viên phía Đông, giáp với Nga gây lo ngại cho nước này. Theo ông Kelin, đề xuất này có thể là một động thái nguy hiểm và sẽ vấp phải các biện pháp trả đũa từ phía Nga.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cũng khẳng định, Nga sẽ thành lập các sư đoàn mới vào cuối năm nay để đối phó với việc NATO đang tăng cường sức mạnh.

Ông Shoigu nói: “Bộ Quốc phòng Nga đang đưa ra các biện pháp nhằm đối phó với sự tăng cường hiện diện của NATO gần biên giới với Nga. Trước cuối năm nay, hai sư đoàn mới sẽ được thành lập tại khu vực quân sự phía Tây và phía Nam đất nước. Hiện giờ chúng tôi đang nghiên cứu về địa điểm để triển khai các sư đoàn này”.

Sư đoàn mới của Nga dự kiến được triển khai tại những khu vực gần biên giới với Ukraine, Belarus, các nước Baltic và Phần Lan. Mối quan hệ giữa Nga và NATO rơi xuống mức thấp nhất kể từ sau chiến tranh Lạnh sau khi cuộc khủng hoảng Ukraine nổ ra.

Tuy nhiên, mối quan hệ này thời gian qua được đánh giá là khá bình lặng, với việc hai bên đều hướng đến mục tiêu chung giải quyết mối lo ngại khủng bố cũng như một số điểm nóng xung đột tại Trung Đông.

Hội đồng Nga-NATO ngày 20/4 nhóm họp trở lại ở cấp đại sứ tại trụ sở NATO ở Brussels sau gần 2 năm gián đoạn, được đánh giá là tín hiệu cho thấy mối quan hệ giữa 2 bên đang dần tan băng.

Tuy nhiên, cuộc họp này thực tế lại là nơi để Nga và NATO tiếp tục cáo buộc lẫn nhau liên quan đến cuộc khủng hoảng hoảng ở Ucraina và tương lai an ninh tại châu Âu.

Phát biểu sau cuộc họp, Tổng thư kí NATO Jens Stoltenberg thừa nhận, bất đồng giữa Nga và NATO khó có thể được giải quyết: “NATO và Nga có những bất đồng kéo dài và sâu sắc.

Cuộc họp giữa hai bên không thay đổi được thực tế này. Các đồng minh NATO vẫn khẳng định rằng sẽ không có sự hợp tác quân sự thực tế cho đến khi Nga tôn trọng luật quốc tế. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ tiếp tục để ngỏ cơ hội đối thoại với Nga”.

Những bất đồng không được giải quyết sau cuộc họp cũng kéo theo một loạt tuyên bố gây hấn giữa Nga và NATO cùng với các động thái quân sự gia tăng tại khu vực biên giới.

Trong một diễn biến cho thấy mối quan hệ Nga và NATO sẽ không bình lặng trong thời gian tới, khi Tổng tư lệnh NATO tại châu Âu ông Curtis M. Scaparrotti phát biểu ngay trong lễ nhậm chức hôm qua cho rằng, Nga là một trong những thách thức mà NATO phải đối mặt.

Theo ông Scaparrotti, NATO đang đối mặt với một loạt thách thức như tình hình Afghanistan, chủ nghĩa khủng bố, cuộc khủng hoảng tị nạn và sự mở rộng ảnh hưởng của Nga…. Các nước thành viên NATO cần phải tiếp tục duy trì và tăng cường tinh thần sẵn sàng chiến đấu để giải quyết các thách thức này.

Trước khi được bổ nhiệm là Tư lệnh mới của NATO tại châu Âu, ông Scaparrotti cũng đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo những hành động mà ông cho là “ khiêu khích và nguy hiểm” của Nga. Vị tướng 60 tuổi từng cho rằng, các đồng minh phương Tây cần chống lại Nga và cung cấp vũ khí cho Ucraina để quốc gia này tự vệ.

Với những tuyên bố cứng rắn này, dư luận lo ngại việc ông Scaparrotti trở thành Tổng tư lệnh mới của NATO có thể khiến mối quan hệ giữa Nga và Mỹ nói riêng và với NATO nói chung tiến thêm một nấc thang căng thẳng mới./.

Phạm Hà/VOV-Trung tâm Tin
Tổng hợp 

Chia sẻ bài viết