Tiếng Việt | English

17/09/2021 - 15:43

Ngâm thuốc hỗ trợ điều trị “hậu COVID”

Ngâm thuốc trong phương pháp hương trị liệu có tác dụng cải thiện các triệu chứng mệt mỏi, đau nhức, đặc biệt là rối loạn giấc ngủ thường gặp ở bệnh nhân “hậu COVID”.

Những vấn đề "hậu COVID" như mệt mỏi, mất ngủ, đau mỏi cơ... vẫn có thể gặp ở người bệnh đã khỏi COVID-19 trong một thời gian dài.

Cùng đến với những chia sẻ từ BS. Phạm Ánh Ngân, Cơ sở 3 - Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM về liệu pháp ngâm thuốc trong hỗ trợ điều trị một số vấn đề ở bệnh nhân "hậu COVID":

Đôi bàn tay, bàn chân là nơi khởi đầu của các đường kinh chính trong cơ thể, vì vậy trong phép dưỡng sinh rất chú trọng các phương pháp tác động vào chân tay.

Việc ngâm tay chân với các loại thảo dược đã được áp dụng từ xưa theo Y học cổ truyền để điều trị bệnh, đặc biệt với nhóm bệnh rối loạn giấc ngủ, đau mỏi cơ – xương - khớp.

Hương thơm cũng là một liệu pháp điều trị

Tác dụng của ngâm thuốc

Dựa vào hơi ấm của nước và chất thuốc từ các loại thảo dược, đặc biệt là các loại tinh dầu tự nhiên trong các thảo dược sẽ giúp hỗ trợ quá trình trao đổi, lưu thông của khí huyết trong kinh mạch, khiến quá trình phục hồi được tốt hơn. Ứng dụng tinh dầu trong trị liệu đã có từ hàng ngàn năm, trở thành một phần không thể thiếu trong phương pháp điều trị hương trị liệu.

Phương pháp hương trị liệu để điều trị người bệnh được ứng dụng bằng nhiều hình thức: Môi trường được sử dụng xông tinh dầu, sử dụng hương hoa tự nhiên giúp thư giãn. Hoặc trong phương pháp ngâm chân (tay) với các loại thảo dược chứa nhiều tinh dầu, để giúp cải thiện các triệu chứng mệt mỏi, đau nhức, đặc biệt là rối loạn giấc ngủ - một triệu chứng thường gặp ở người bệnh hậu COVID-19.

Có nhiều bài thuốc ngâm chân thích hợp cho bệnh nhân "hậu COVID"

Các vị thảo dược trong gói thuốc ngâm an thần như: Lạc tiên, lá vông có tác dụng an thần; ngải cứu có tác dụng ôn thông kinh mạch; đại hồi với hàm lượng tinh dầu cao – tạo nên mùi hương đặc trưng của một thang thuốc Đông y, giúp kích thích các huyệt và lạc mạch ở bàn tay – chân trong quá trình ngâm.

Khi ngâm từ 10 – 15 phút trong nước ấm với nhiệt độ từ 50 – 60 độ C, tính vị từ các loại thảo dược sẽ giúp khí huyết lưu thông, tạo sự ôn ấm dễ chịu cho cơ thể, khiến người bệnh đi vào giấc ngủ dễ dàng hơn.

Với người bệnh có triệu chứng đau mỏi cơ, cảm giác mệt mỏi, trì trệ kéo dài sau nhiễm virus, việc kết hợp liệu pháp ngâm thảo dược "Phong tê thấp" với các vị thuốc như: Lá lốt, thiên niên kiện, ngải cứu,…có tác dụng trừ phong thấp còn tồn đọng, lưu thông kinh mạch, giúp người bệnh giảm cảm giác đau mỏi, bứt rứt khó chịu, đặc biệt ở các khớp ngoại biên như khớp gối, bàn ngón tay – chân.

Việc ngâm thuốc nên được thực hiện dưới sự chỉ định của bác sĩ, không nên ngâm với nước quá nóng, không ngâm quá lâu. Đặc biệt thận trọng trên người bệnh suy giảm cảm giác do các bệnh lý như đái tháo đường, suy giãn tĩnh mạch chi dưới mức độ nặng. Không ngâm ở vùng da đang tổn thương trầy xước. Người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ để quá trình điều trị được an toàn và hiệu quả./.

Theo SK&ĐS

Chia sẻ bài viết