Ngăn chặn sạt lở bờ Tây kênh Nước Mặn theo tình huống khẩn cấp
Tình trạng sạt lở xảy ra tại bờ Tây kênh Nước Mặn đoạn qua xã Phước Đông, huyện Cần Đước thời gian qua vẫn phức tạp. Theo đó, UBND tỉnh Long An đã ban hành quyết định công bố tình huống khẩn cấp sạt lở tại khu vực này.
Sạt lở vẫn xảy ra ở khu vực này
Sạt lở ngày càng phức tạp
Tình trạng sạt lở bờ kênh Nước Mặn đã xảy ra từ nhiều năm trở lại đây làm cuốn trôi nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở của người dân, đường giao thông hai bên bờ. Tình trạng sạt lở vẫn tiếp diễn, đe dọa trực tiếp đến sự an toàn tính mạng, tài sản của người dân dọc hai bên bờ kênh.
Gần đây, từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung ương đã được bố trí để khắc phục tình trạng sạt lở tại khu vực bờ kênh Nước Mặn. Hiện tại bờ kênh phía Đông thuộc xã Long Hựu Đông, Long Hựu Tây đang được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành đầu tư xây dựng bờ kè kiên cố chống sạt lở.
Tuy nhiên, đối với phía bờ Tây kênh Nước Mặn, ở xã Phước Đông, huyện Cần Đước, tình trạng sạt lở vẫn tiếp diễn xảy ra. Gần đây ngày càng xuất hiện nhiều vị trí sạt lở trên toàn tuyến với mức độ sạt lở được đánh giá là nghiêm trọng hơn rất nhiều. Tổng chiều dài tuyến sạt lở khoảng 1.800m, đất sạt lấn sâu từ mép kênh hiện trạng đến nhà dân khoảng 10m, độ sâu khoảng 5m. Dù sạt lở đã và đang xảy ra phức tạp nhưng trong khu vực có khoảng hơn 100 hộ dân sinh sống.
“Vào giữa tháng 7/2023, tại vị trí thuộc ấp 7, xã Phước Đông, đoạn từ bến phà cũ đến dạ cầu kênh Nước Mặn xảy ra sạt lở đặc biệt nguy hiểm với chiều dài khoảng 100m, làm sập phần phía sau 01 nhà dân xuống kênh. Đồng thời, tiếp tục xuất hiện vết nứt và có nguy cơ gây sập một phần nhà dân khác xuống kênh”, ông Nguyễn Hồng Thái, một người dân sinh sống ở khu vực này cho biết.
Một mảng tường nhà dân bị sạt lở đổ gãy
Ở vị trí sạt lở này có 08 hộ dân và 01 xưởng sản xuất nước đá đang sinh sống, hoạt động với khoảng 30 nhân khẩu. Theo thông tin từ chính quyền địa phương, thời gian qua đã vận động những hộ dân sống trong khu vực sạt lở di dời. Tuy nhiên, mới có 03 hộ dân di dời đến nơi ở mới, các hộ dân còn lại vẫn bám trụ lại do không có đất ở.
Nguyên nhân sạt lở ở bờ Tây kênh Nước Mặn đoạn qua xã Phước Đông được xác định là do chịu ảnh hưởng bởi tác động của dòng chảy xiết. Ngoài ra, lưu lượng tàu, thuyền, xà lan trọng tải lớn lưu thông qua lại ngày, đêm, chạy với vận tốc lớn đã tác động làm dòng chảy xoáy.
Bảo đảm an toàn tính mạng người dân
Gần đây, đến trực tiếp khảo sát tại khu vực sạt lở bờ Tây kênh Nước Mặn đoạn qua xã Phước Đông, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Chi cục Trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi – Võ Kim Thuần đã nhấn mạnh đến việc bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân sinh sống trong khu vực bị ảnh hưởng sạt lở. Ông đề nghị, UBND xã Phước Đông và các phòng, ban của huyện thường xuyên cử cán bộ kiểm tra, theo dõi sát sao diễn biến sạt lở và các khu vực có nguy cơ sạt lở cao để có biện pháp ứng phó kịp thời.
Khu vực sạt lở có nhiều hộ dân sinh sống
“Địa phương cần cắm biển cảnh báo sạt lở, đèn tín hiệu cảnh báo nhằm khuyến cáo người dân hạn chế đi lại trong vùng sạt lở, vùng có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất (đặc biệt là người già, phụ nữ và trẻ em). Qua nắm tình hình, sẽ báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh kiến nghị, đề xuất Trung ương xem xét bố trí kinh phí sớm thực hiện Kè chống sạt lở khu vực này”, ông Võ Kim Thuần nói.
Gần đây, trên cơ sở đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giữa tháng 10/2023, UBND tỉnh ban hành quyết định công bố tình huống khẩn cấp sạt lở tại khu vực bờ Tây kênh Nước Mặn, xã Phước Đông để có biện pháp ứng phó phù hợp.
UBND tỉnh giao huyện Cần Đước khẩn trương tổ chức ổn định đời sống của các hộ dân bị ảnh hưởng thiệt hại; tổ chức thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về tình trạng khẩn cấp này.
Sạt lở sát vách nhà dân
Quyết định của UBND tỉnh cũng chỉ đạo chính quyền địa phương chủ động theo dõi diễn biến sạt lở, bảo vệ an toàn tính mạng của người dân; nghiêm cấm người dân đến gần khu vực sạt lở.
Đồng thời, địa phương thường xuyên theo dõi, kiểm tra, không để neo đậu các phương tiện giao thông thủy trên khu vực sông có sạt lở xảy ra. Địa phương cần chủ động bố trí lực lượng trực canh theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở để có ứng phó, xử lý kịp thời. Mặt khác, phối hợp với các ngành tổ chức điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, đầu tư các cụm tuyến dân cư để di dời các hộ dân trong vùng sạt lở đến nơi an toàn trong trường hợp cần thiết.../.
UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND huyện Cần Đước rà soát, cập nhật vành đai sạt lở; phối hợp các đơn vị có liên quan theo dõi, khoanh vùng khu vực bị sạt lở đặc biệt nguy hiểm, thiết lập hành lang an toàn; bố trí lực lượng theo dõi diễn biến sạt lở; đồng thời tổng hợp tình hình sạt lở, kịp thời báo cáo UBND tỉnh. Tổ chức khảo sát, lựa chọn giải pháp và lập thủ tục đầu tư các dự án phòng, chống sạt lở nêu trên theo tình huống khẩn cấp, trình cấp thẩm quyền thẩm định, phê duyệt theo đúng quy định. Tổ chức triển khai thực hiện công trình theo tình huống khẩn cấp. |
Lê Đức
- Tăng tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt tại các cơ sở khám, chữa bệnh (24/11)
- Nâng cao trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng (24/11)
- Cách đi xe buýt đến ga metro ở TP.HCM (24/11)
- Tiếp nhận 300 đơn vị máu từ hoạt động hiến máu nhân đạo (24/11)
- Trung tướng Khuất Duy Tiến từ trần (24/11)
- Thời tiết hôm nay 24/11: Khuya nay Bắc Bộ đón không khí lạnh rất mạnh, Huế tới Bình Định mưa to (24/11)
- Huấn luyện phòng cháy, chữa cháy cho lực lượng tại doanh nghiệp (24/11)
- Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước TP.HCM thực hiện công tác xã hội tại huyện Tân Trụ (23/11)