Vượt khó
Theo báo cáo của Sở Công Thương, tình hình sản xuất công nghiệp, thương mại 9 tháng năm 2020 vẫn duy trì mức tăng trưởng, tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên mức tăng thấp so cùng kỳ. Nếu như những tháng đầu năm, các nhóm ngành sản phẩm có tốc độ giảm nhiều thì đến nay, số lượng các nhóm ngành sản phẩm công nghiệp có 46/75 nhóm có tốc độ tăng. Điều này cho thấy DN đã đi vào hoạt động ổn định, tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất và có mức tăng trưởng.
Sản phẩm hàng hóa sản xuất tại Long An tham dự tuần hàng Việt Nam và các sản phẩm OCOP, các sản phẩm Việt Nam tại MM Mega Market Việt Nam
Tiểu thủ công nghiệp từng bước phát triển, tạo thu nhập cho người lao động, góp phần tạo ra sự tăng trưởng về giá trị sản xuất công nghiệp của ngành. Theo đó, chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng năm 2020 tăng 6,02% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 15,24%). Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,84%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 10,3%; ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 10,87% so cùng kỳ.
Các ngành có sản phẩm tăng như: Thức ăn thủy sản, gạo xay xát, sản xuất phân bón, sản xuất sơn, sản xuất dược phẩm, vải dệt thoi từ sợi nhân tạo, sản xuất thùng, hộp bằng bìa cứng... Dự báo, những tháng cuối năm, sản xuất, kinh doanh tiếp tục phục hồi, góp phần tăng trưởng chung cho ngành Công thương cũng như tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Sở Công Thương tham mưu UBND tỉnh đối thoại, tháo gỡ khó khăn với chủ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp (CCN) để đẩy nhanh đầu tư hạ tầng. Gần đây, tỉnh có thêm 1 CCN đi vào hoạt động, nâng tổng số đến nay có 22 CCN đi vào hoạt động. Đây cũng là một trong những điều kiện tốt để tăng diện tích đất phát triển công nghiệp, góp phần gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, tỉnh còn có 38/62 CCN đang giai đoạn triển khai với diện tích 1.862ha và 3 CCN chưa có chủ trương đầu tư.
Tuy ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nhưng các hoạt động thương mại - dịch vụ của tỉnh trong những tháng đầu năm vẫn duy trì với mức tăng trưởng tương đối ổn định. Hầu hết DN đều chuẩn bị lượng hàng hóa dồi dào và phong phú, đa dạng về mẫu mã cũng như chủng loại, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong dịp lễ, nhất là nhu cầu dự trữ hàng hóa của người dân trong ứng phó dịch bệnh.
Theo ghi nhận, thực tế vẫn có nhiều cơ sở kinh doanh thương mại, dịch vụ phải tạm hoãn do ảnh hưởng dịch bệnh nên cơ cấu chi tiêu của người dân nghiêng về một số mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống, hạn chế tiêu dùng các mặt hàng khác, nhất là hoạt động kinh doanh phục vụ cho du lịch. Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh đạt 65.677 tỉ đồng, đạt 64% kế hoạch, giảm 1,5% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 14,9%). Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 56.396 tỉ đồng, tăng 1,4%; lưu trú, ăn uống, du lịch đạt 5.809 tỉ đồng, giảm 18,6%; dịch vụ khác (bao gồm bất động sản) đạt 3.472 tỉ đồng, giảm 10,7% so cùng kỳ.
Điều đáng phấn khởi, ảnh hưởng dịch bệnh nhưng kim ngạch xuất khẩu vẫn đạt khá với giá trị 4,47 tỉ USD, tăng 1,8% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 14,9%). Trong đó, một số thị trường xuất khẩu vẫn tăng như Trung Quốc, Hong Kong, Úc, Hàn Quốc, Đài Loan, Mỹ,... trên 10% so cùng kỳ. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu vẫn là gạo (đạt 510 ngàn tấn, đạt 280 triệu USD, tăng 0,6% về lượng và tăng 21,7% về giá trị), hạt điều (61 triệu USD, tăng 11%), thủy sản (182 triệu USD, tăng 11%), cơ khí - ắc quy - sắt thép - điện tử (680 triệu USD, tăng 38%), gỗ (117 triệu USD, tăng 75%), thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản (51 triệu USD, tăng 17%)... Kim ngạch nhập khẩu đạt 2,91 tỉ USD, giảm 10% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 6,3%). Nguyên nhân, các nước bị ảnh hưởng dịch bệnh, nguồn cung cấp nguyên liệu sụt giảm.
Mặt khác, trong công tác quản lý Nhà nước, Sở Công Thương tăng cường hỗ trợ DN thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, khuyến khích sử dụng hàng hóa, dịch vụ do DN trong tỉnh sản xuất. Đặc biệt, công tác xúc tiến thương mại được quan tâm thông qua kết nối cung cầu, tập trung xúc tiến vào các DN phân phối bán lẻ, xuất khẩu, siêu thị tại TP.HCM, Tây Ninh, An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang.
Sở cũng triển khai chọn hỗ trợ điểm quảng bá và bán sản phẩm OCOP từ nguồn kinh phí Bộ Công Thương; hỗ trợ các DN của tỉnh tham gia Hội thảo, tập huấn, kết nối mua hàng với các hệ thống phân phối nước ngoài theo hình thức trực tuyến của Tập đoàn Walmart, Central Group, Aeon, Mega Market, Decathlon
và Lotte.
Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp
Giám đốc Sở Công Thương - Nguyễn Anh Việt thông tin, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, năm 2020, ngành Công thương sẽ không đạt 100% theo kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, 3 tháng cuối năm, dự kiến sản xuất, kinh doanh sẽ phục hồi từ từ, do đó năm 2020 ước tính đạt như sau: Giá trị sản xuất công nghiệp (giá 2010) ước đạt 260.364 tỉ đồng, đạt 94% kế hoạch, tăng 9,8%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 92.654 tỉ đồng, tăng 3,1%, đạt 90,2% kế hoạch; kim ngạch xuất khẩu đạt 6 tỉ USD, kim ngạch nhập khẩu đạt 4 tỉ USD.
Hiện tại, doanh nghiệp đã đi vào hoạt động ổn định, tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất và có mức tăng trưởng
Để hoàn thành các mục tiêu trên, Sở Công Thương tập trung triển khai tốt Nghị quyết của Chính phủ, Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và Kế hoạch hành động của UBND tỉnh về thực hiện các giải pháp đẩy mạnh phát triển KT-XH năm 2020. Trong đó, tập trung tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho DN, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở sản xuất công nghiệp hiện có, những dự án mới đầu tư đi vào sản xuất ổn định, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng ở mức cao nhất chỉ tiêu kế hoạch trong điều kiện khó khăn dịch bệnh Covid-19 hiện nay.
Theo đó, Sở Công Thương tiếp tục khảo sát tiến độ, hỗ trợ chủ đầu tư hạ tầng CCN đẩy nhanh đầu tư hạ tầng, điều chỉnh chủ đầu tư cũng như gia giảm diện tích một vài CCN, chỉnh trang hạ tầng; xây dựng phương án phát triển CCN giai đoạn 2021 - 2030 để tích hợp vào quy hoạch tỉnh. Đồng thời, Sở tiếp tục hỗ trợ nhà đầu tư triển khai xây dựng dự án mới cũng như bổ sung các dự án Nhà máy Điện mặt trời vào Quy hoạch phát triển điện lực, bổ sung vào nguồn năng lượng điện phục vụ cho phát triển công nghiệp của tỉnh.
Bên cạnh đó, Sở tiếp tục hỗ trợ DN xây dựng điểm trưng bày và bán sản phẩm OCOP từ nguồn kinh phí Bộ Công Thương; quảng bá sản phẩm tiêu biểu của địa phương; khảo sát và động viên DN sản xuất công nghiệp trên địa bàn năm 2020. Công tác tổ chức kết nối tiêu thụ sản phẩm vào các bếp ăn tập thể tại các DN, các khu công nghiệp, CCN, trường học trên địa bàn tỉnh cũng được tiếp tục thực hiện.
Đặc biệt, để khơi thông thị trường sản phẩm hàng hóa của tỉnh, nhất là hàng nông sản, Sở tiếp tục hỗ trợ DN tham dự Hội chợ gắn với Lễ hội Ok-Om-Bok tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng năm 2020; triển lãm Quốc tế Công nghiệp Thực phẩm Việt Nam 2020 (Vietnam Foodexpo); tuần hàng Việt Nam và các sản phẩm OCOP, các sản phẩm Việt Nam tại MM Mega Market Việt Nam; phát triển thương mại điện tử.
Sở chỉ đạo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp hoàn thành thực hiện các đề án khuyến công địa phương và khuyến công quốc gia năm 2020; tổng kết Chương trình khuyến công đến năm 2020 và xây dựng Chương trình khuyến công giai đoạn 2021 - 2025. Sở tiếp tục thực hiện công tác tổ chức, tinh gọn bộ máy hiệu lực, hiệu quả; tiếp tục phối hợp Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh thực hiện các thủ tục hành chính đảm bảo theo thời gian quy định, phục vụ cho tỉnh nâng cao chỉ số PCI, chỉ số PAPI trong thời gian tới./.
Mai Hương