Năm 2022, ngành Nông nghiệp phấn đấu đạt 2,75 triệu tấn lúa
Quyết tâm vượt khó
Năm 2021, ngành NN&PTNT phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng với sự nỗ lực, ngành đã hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, nhiệm vụ. Mặc dù vậy nhưng thách thức trong năm 2022 còn rất lớn, thậm chí được dự báo là có những mặt ảnh hưởng khắc nghiệt hơn. Vì vậy, ngành NN&PTNT đã thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn, hạn chế và những nguyên nhân để đề ra các giải pháp quyết tâm khắc phục trong thời gian tới.
Theo đó, năm 2022, phấn đấu tốc độ tăng trưởng toàn ngành đạt từ 2-2,5%; sản lượng lúa đạt khoảng 2,75 triệu tấn, trong đó sản lượng lúa chất lượng cao đạt 60% tổng sản lượng; có thêm 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 99,4%, tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn kỹ thuật hiện hành là 58%; trồng 500ha rừng sản xuất sau khai thác và trồng 1,65 triệu cây phân tán các loại trở lên.
Tại huyện Tân Thạnh, năm nay, thời tiết vẫn diễn biến phức tạp, mưa kéo dài ảnh hưởng đến sinh trưởng cây trồng và tăng chi phí bơm tiêu úng. Ngoài ra, giá vật tư nông nghiệp tăng cao (giá phân bón tăng 2 - 3 lần, thuốc bảo vệ thực vật tăng 1,2 - 1,5 lần) trong khi giá lúa không tăng, ảnh hưởng đến khả năng đầu tư và hiệu quả sản xuất của nông dân.
Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tân Thạnh - Mai Văn On cho biết: “Toàn huyện đã gieo sạ được trên 29.500ha lúa Đông Xuân 2021 - 2022, trong đó, thu hoạch trên 22.500ha, năng suất đạt trên 7,2 tấn/ha, sản lượng đạt trên 162.100 tấn. Do giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao trong khi giá lúa không tăng nên nông dân có lãi không cao. Hy vọng thời gian tới, giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sẽ sớm được bình ổn để người dân an tâm sản xuất”.
Nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ
Với quyết tâm đạt và vượt các chỉ tiêu năm 2022 và xa hơn là đưa nông nghiệp tỉnh phát triển xứng tầm với tiềm năng, lợi thế của tỉnh, ngành NN&PTNT đã đề ra nhiều giải pháp, trong đó, hướng trọng tâm vào chuyển dịch cơ cấu cây trồng, các đề án phát triển chăn nuôi, thủy sản; làm tốt công tác thủy lợi và phòng, chống thiên tai; tăng cường hoạt động thanh, kiểm tra và quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản; tiếp tục huy động các nguồn lực thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh đó, ngành tập trung triển khai, thực hiện hiệu quả Đề án Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng 6 vùng sản xuất ƯDCNC (lúa, rau, thanh long, chanh, tôm nước lợ và bò thịt) nhằm tạo bước đột phá phát triển của tỉnh đến năm 2025; đẩy mạnh cơ giới hóa, công nghiệp hóa trong sản xuất nông nghiệp. Ðồng thời, tham mưu tỉnh ban hành những chính sách khuyến khích nhiều thành phần kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp, hợp tác xã kiểu mới trở thành hạt nhân trong chuỗi liên kết từ xây dựng vùng nguyên liệu đến khâu chế biến và phát triển thị trường.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh - Nguyễn Văn Cường, năm 2022, Chi cục nỗ lực hỗ trợ để có ít nhất 1 doanh nghiệp được công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ƯDCNC. Đồng thời, xây dựng, phát triển 3 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn trên các sản phẩm nông sản, thủy sản. Ngoài ra, Chi cục cũng tiếp tục triển khai, thực hiện việc cấp mã số vùng trồng, thu mẫu giám sát cảnh báo an toàn tại các vùng triển khai chương trình nông nghiệp ƯDCNC, hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản chứng nhận đạt tiêu chuẩn HACCP, ISO 2200, IFS, BRC, FSSC 22000, Halal,...
Giám đốc Sở NN&PTNT - Nguyễn Thanh Truyền cho biết: Năm 2022, ngành tiếp tục đôn đốc các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ đầu tư thực hiện hoàn thành các dự án cấp nước vùng hạ; hạn chế tình trạng người dân thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô. Bên cạnh đó, ngành đẩy mạnh việc thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) bằng cách đưa chương trình vào chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới. Phấn đấu trong năm 2022, toàn tỉnh có thêm 15 sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP.
“Thời gian tới, ngành sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích người dân và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số vào quy trình sản xuất để tạo thuận lợi trong việc quảng bá, tìm đầu ra cho nông sản. Đồng thời, ngành sẽ tăng cường phối hợp các ngành liên quan xây dựng các vùng nguyên liệu, trong đó chú trọng sản xuất hiện đại và chế biến sâu nhằm giảm chi phí sản xuất và nâng cao giá trị nông sản cho người dân” - ông Truyền cho biết thêm./.
Bùi Tùng