Tiếng Việt | English

20/12/2017 - 13:48

Ngành Tài nguyên Và Môi trường đạt nhiều kết quả khả quan

Năm 2017, ngành Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Long An phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao, góp phần phát triển KT-XH địa phương.

Nhiều chuyển biến tích cực

Thời gian qua, dù còn không ít khó khăn nhưng Sở TN&MT chủ động phối hợp các sở, ban, ngành, địa phương từng bước tháo gỡ vướng mắc để hoàn thành nhiều mục tiêu, kế hoạch, phát huy hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực TN&MT. Sở TN&MT tham mưu UBND tỉnh ban hành các quy định chi tiết thi hành văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực, tạo tính thống nhất và đồng bộ cao, không có mâu thuẫn, chồng chéo.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường - Phan Nhân Duy làm việc tại huyện Cần Giuộc để tháo gỡ các vướng mắc trong lĩnh vực ngành quản lý

Cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trên lĩnh vực ngành quản lý ngày càng được rút ngắn thời gian, tinh giản nhiều thủ tục rườm rà. Sở tham mưu UBND tỉnh ban hành 3 quyết định công bố TTHC và đề xuất UBND tỉnh rút ngắn thời gian giải quyết đối với một số thủ tục liên quan, thuộc thẩm quyền sở giải quyết. Theo đó, thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ) kết hợp cấp, đổi giấy chứng nhận (GCN) QSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (đối với tổ chức) giảm thời hạn giải quyết từ 17 ngày làm việc xuống còn 15 ngày. Thủ tục đăng ký biến động đối với các trường hợp: Thay đổi thông tin người SDĐ hoặc thay đổi số hiệu, địa chỉ thửa đất kết hợp thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm giảm thời gian giải quyết từ 13 ngày làm việc xuống còn 3 ngày; đính chính GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với tổ chức từ 10 ngày làm việc còn 5 ngày; đăng ký cấp GCN quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất thời gian giải quyết còn 18 ngày,... nhằm tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn.

Việc cấp GCNQSDĐ lần đầu trên địa bàn tỉnh được quan tâm, thực hiện đạt kết quả khá cao, từng bước đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý nhà nước về đất đai. Tính đến ngày 30-9-2017, toàn tỉnh cấp được 1.218.024 thửa đất, tương đương diện tích 414.280,08ha (tổng diện tích cần cấp là 423.916,4ha), đạt 97,73% so với tổng diện tích cần cấp.

Lĩnh vực đất đai chuyển biến tích cực, việc điều chỉnh quy hoạch SDĐ đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ cuối (2016-2020) của tỉnh được Bộ TN&MT thẩm định, đang trình Chính phủ phê duyệt. Cấp huyện triển khai công tác lập điều chỉnh quy hoạch SDĐ đến năm 2020 và đang chờ Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch SDĐ đến năm 2020, kế hoạch SDĐ 5 năm kỳ cuối (2016-2020) của tỉnh để hoàn chỉnh hồ sơ trình duyệt theo đúng trình tự quy định.

Năm 2017, sở tham mưu UBND tỉnh, giao đất có thu tiền SDĐ 5ha; giao đất không thu tiền SDĐ 115,2ha; thuê đất 150,21ha; thu hồi đất 24,87ha; cơ bản hoàn thành việc đo đạc, lập bản đồ địa chính, đăng ký cấp GCNQSDĐ; lập hồ sơ địa chính trên phạm vi toàn tỉnh với tổng diện tích 449.493,78ha, chiếm 100% diện tích tự nhiên toàn tỉnh (theo số liệu kiểm kê đất đai năm 2014).

Việc cấp GCNQSDĐ lần đầu trên địa bàn tỉnh được quan tâm, thực hiện đạt kết quả khá cao, từng bước đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý nhà nước về đất đai. Tính đến ngày 30-9-2017, toàn tỉnh cấp được 1.218.024 thửa đất, tương đương diện tích 414.280,08ha (tổng diện tích cần cấp là 423.916,4ha), đạt 97,73% so với tổng diện tích cần cấp.

Xử lý 23/34 cơ sở, địa điểm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 20/20 dự án khu công nghiệp và 11/12 cụm công nghiệp đi vào hoạt động, có trạm xử lý nước thải tập trung. Riêng Cụm công nghiệp Hoàng Gia đang xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Việc lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động, kết nối dữ liệu trực tuyến về sở đang thực hiện, có 10 khu công nghiệp lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động, cụm công nghiệp chưa lắp đặt hệ thống này do có lưu lượng nước thải thấp hơn 1.000m3/ngày đêm. Ngoài ra, có 6 đơn vị xả thải trực tiếp ra môi trường được lắp đặt hệ thống quan trắc tự động.

Tình trạng ô nhiễm môi trường được ngăn chặn, xử lý kịp thời và khắc phục hiệu quả, nhất là các điểm ô nhiễm môi trường, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Sở xử lý triệt để 23/34 cơ sở, địa điểm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Khối lượng chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thu gom khoảng 550 tấn/ngày, trong đó, Nhà máy Xử lý rác Tâm Sinh Nghĩa tiếp nhận xử lý khoảng 250 tấn/ngày của TP.Tân An và các huyện: Châu Thành, Bến Lức, Tân Thạnh, Tân Trụ, Thạnh Hóa, một phần của huyện Đức Hòa. Rác thải trên địa bàn huyện Đức Hòa được thu gom, xử lý tại Công ty CP Vietstar Khu liên hiệp Phước Hiệp - huyện Củ Chi khoảng 100 tấn/ngày; huyện Cần Đước và Cần Giuộc khoảng 90 tấn/ngày được xử lý tại Khu liên hiệp Xử lý chất thải rắn Đa Phước, huyện Bình Chánh. Các huyện: Tân Hưng (khoảng 25 tấn/ngày), Mộc Hóa (khoảng 25 tấn/ngày) và thị xã Kiến Tường đầu tư lắp đặt lò đốt rác thải sinh hoạt. Huyện Vĩnh Hưng (khoảng 20 tấn/ngày), sở đang thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp xử lý bãi rác để sản xuất phân compost; huyện Đức Huệ, Thủ Thừa đổ tại bãi rác tạm của huyện (khoảng 40 tấn/ngày).

Nỗ lực hơn nữa

Bên cạnh những kết quả, ngành TN&MT còn gặp không ít khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ. Một số điều quy định của Luật Đất đai 2013, Luật Bảo vệ môi trường 2014, Luật Khoáng sản,... khi áp dụng còn vướng mắc. Một số nhiệm vụ triển khai thực hiện nhưng kết quả còn chậm so với yêu cầu, công tác phối hợp còn hạn chế nên ảnh hưởng việc giải quyết công việc chung. Để thực hiện tốt nhiệm vụ, Sở TN&MT đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.

Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có nhiều chuyển biến (Trong ảnh: Khu tái định cư Tân Phước, xã Tân Kim, huyện Cần Giuộc được chủ đầu tư hoàn thiện hạ tầng và cấp giấy cho người dân)

Sở tập trung thực hiện quy hoạch SDĐ đến năm 2020; kế hoạch SDĐ hàng năm được cơ quan thẩm quyền phê duyệt. Kế hoạch SDĐ năm 2019 của UBND cấp huyện, tập trung đôn đốc UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện việc lập, trình thẩm định và phê duyệt trước ngày 31/12/2018. Thực hiện các TTHC về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích SDĐ, thu hồi đất theo thẩm quyền, tham mưu bảo đảm đúng thời gian quy định. Rà soát danh mục công trình, dự án cần thu hồi đất và chuyển mục đích đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh, dự kiến, trình UBND tỉnh thông qua HĐND tỉnh trong kỳ họp cuối năm 2018.

Theo dõi, giám sát và giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi công đo đạc, lập bản đồ địa chính, hồ sơ địa chính và xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính, thống kê đất đai định kỳ năm 2018 trên địa bàn tỉnh. Kiểm tra, hướng dẫn Phòng TN&MT, Văn phòng Đăng ký đất đai về cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định. Điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung bảng giá các loại đất định kỳ 5 năm (2015-2019). Xác định giá đất cụ thể làm căn cứ để tính: Thu tiền SDĐ, tiền thuê đất, giá trị QSDĐ khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật trình UBND tỉnh quyết định. Hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng các công trình trọng điểm theo Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh; cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng các dự án khu, cụm công nghiệp được phê duyệt phương án bồi thường và cấp GCNQSDĐ cho người dân tái định cư.

Thời gian tới, Sở đầu tư xây dựng khu xử lý rác thải bảo đảm đủ công suất hoạt động. Kiểm soát chặt chẽ các nguồn gây ô nhiễm, nhất là tại các khu, cụm công nghiệp, lưu vực sông, cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm nặng, ô nhiễm trong sản xuất nông nghiệp, tập trung quản lý tốt rác thải công nghiệp, nguy hại, rác thải sinh hoạt. Giải quyết dứt điểm ô nhiễm tại khu, cụm công nghiệp và các điểm nóng khác. Kiên quyết xử lý các cơ sở sử dụng lãng phí năng lượng, tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng,...

Năm qua, ngành cố gắng hoàn thành các nhiệm vụ và tin rằng, thời gian tới, công tác quản lý nhà nước lĩnh vực TN&MT sẽ đạt kết quả cao hơn nữa.

Giám đốc Sở TN&MT - Phan Nhân Duy

Lực Nguyễn

Chia sẻ bài viết