Tiếng Việt | English

11/06/2015 - 16:17

Làm tốt cải cách hành chính trong công tác quản lý tài nguyên, môi trường

Trong những năm qua, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã bám sát nhiệm vụ trọng tâm, chủ động tham mưu cho cấp trên ban hành nhiều chính sách và cải cách hành chính trong lĩnh vực quản lý TNMT. Từ đó, môi trường đầu tư tại tỉnh dần được cải thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, người dân khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Phó Giám đốc Sở TN&MT - Huỳnh Thị Phép cho biết, nét nổi bật của ngành trong thời gian qua là tất cả cán bộ, công nhân viên trong ngành đều tập trung trí tuệ, tạo sự bứt phá trong cải cách hành chính (CCHC) để quản lý tốt TNMT. Ngoài ra, sở cũng chỉ đạo các phòng chuyên môn và các đơn vị trực thuộc củng cố, tăng cường cán bộ làm đầu mối theo dõi, đôn đốc, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ về CCHC, kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) nhằm nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

Qua đó, Sở TN&MT đã triển khai thực hiện khá hiệu quả việc đơn giản hóa TTHC trên các lĩnh vực quản lý nhà nước được giao. Cụ thể sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành 10 văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 và nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành. Tất cả các văn bản trên đều được ban hành đúng quy định. Việc xây dựng văn bản phù hợp với tình hình thực tế địa phương, có tính khả thi cao, có hiệu quả, kịp thời xử lý công việc địa phương. Đồng thời, sở cũng công khai, phổ biến rộng rãi, cập nhật thường xuyên các thông tin về đất đai lên trang thông tin điện tử của sở về những nội dung như: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, huyện; các quỹ đất sạch bán đấu giá hoặc kêu gọi đầu tư.

Đặc biệt, trong năm 2014, sở tiến hành rà soát và đề xuất cắt giảm thời gian giải quyết hồ sơ đối với 41 TTHC, góp phần giảm từ 2 đến 65 ngày nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp khi thực hiện TTHC. Cụ thể, lĩnh vực đất đai, giảm 11 TTHC; môi trường, giảm 3 TTHC; khoáng sản, giảm 14 TTHC; khí tượng thủy văn, giảm 13 TTHC. Đồng thời, sở đã mạnh dạn đưa mô hình thí điểm trả kết quả giải quyết TTHC qua đường bưu điện.

Được biết, sáng kiến này do tập thể Phòng Pháp chế của sở thực hiện. Chị Trần Thị Mộng Thu, cán bộ Phòng Pháp chế cho biết, hiện nay, quy định pháp luật trong việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC lĩnh vực TNMT chỉ cho phép tổ chức, cá nhân được thực hiện nộp hồ sơ qua đường bưu điện (lĩnh vực MT, TN nước, khoáng sản) nhưng việc thực hiện trả kết quả giải quyết TTHC qua đường bưu điện thì pháp luật chưa quy định. Vì vậy tổ chức, cá nhân phải đến Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Sở TN&MT để nhận kết quả giải quyết TTHC. Khi trực tiếp đến Sở TN&MT để nhận kết quả giải quyết TTHC thì tổ chức, cá nhân phải tốn nhiều chi phí cho việc đi lại (khoảng 460.000 đồng/hồ sơ) cũng như thời gian (khoảng 4 giờ/hồ sơ).

Từ thực tế nêu trên, Phòng Pháp chế đã nghiên cứu, lựa chọn TTHC, xây dựng quy trình thực hiện thật chi tiết, cụ thể và tham mưu lãnh đạo sở cho phép được thực hiện thí điểm việc trả kết quả giải quyết 31 TTHC lĩnh vực tài nguyên và môi trường qua đường bưu điện. Đây là một loại hình dịch vụ không bắt buộc, được cung ứng khi công dân, tổ chức có nhu cầu, trên nguyên tắc tự nguyện lựa chọn. Thay vì nhận kết quả giải quyết hồ sơ TTHC trực tiếp tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ của Sở TN&MT, thì nay, các tổ chức, cá nhân có thể trả cước phí bưu điện (với mức phí thấp khoảng từ 20.000 đồng đến 40.000 đồng/hồ sơ) để yêu cầu chuyển trả kết quả giải quyết hồ sơ TTHC về một địa chỉ đã đăng ký. Thời gian qua, các kết quả giải quyết TTHC được trả qua đường bưu điện đều giải quyết đúng hạn.

Bà Huỳnh Thị Phép cho biết thêm, trong thời gian tới, sở sẽ tiếp tục thực hiện CCHC thông qua công tác cải cách bộ máy, xây dựng và nâng cao chất lượng công tác cán bộ, công chức, áp dụng công nghệ thông tin các lĩnh vực của ngành, duy trì và nâng cao hiệu quả triển khai áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 vào giải quyết công việc, tiếp tục thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông,... Thông qua đó còn tác động không nhỏ giúp chỉ số tiếp cận về đất đai và chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh không ngừng được cải thiện theo hướng tích cực.

Trong thời gian tới, sở tiếp tục thực hiện CCHC thông qua công tác cải cách bộ máy, xây dựng và nâng cao chất lượng công tác cán bộ, công chức, áp dụng công nghệ thông tin các lĩnh vực của ngành, duy trì và nâng cao hiệu quả triển khai áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 vào giải quyết công việc, tiếp tục thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông.

Mai Hương 

Chia sẻ bài viết