Tiếng Việt | English

26/08/2022 - 15:32

Ngành Thông tin và Truyền thông: Vừa tích cực tham mưu, vừa làm tốt vai trò dẫn dắt thực hiện chuyển đổi số

Với việc tham mưu, tổ chức thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TU, ngày 20-8-2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Chương trình hành động số 3288/CTr-UBND, ngày 08/10/2021 của UBND tỉnh về chuyển đổi số (CĐS) tỉnh Long An đến năm 2025 đạt hiệu quả, ngành Thông tin và Truyền thông (TTTT) đã cơ bản thực hiện tốt vai trò tham mưu CĐS.

Nghi thức khai trương Trung tâm Điều hành thông minh và Kho cơ sở dữ liệu dùng chung tỉnh Long An

Những kết quả khả quan của “Năm hành động, tạo bước ngoặt về chuyển đổi số”

Quán triệt quan điểm của Bộ TTTT, năm 2022 là “Năm tổng tiến công về CĐS”, tỉnh Long An xác định mục tiêu năm 2022 là “Năm hành động, tạo bước ngoặt về CĐS”. Với sự vào cuộc đồng bộ của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự đồng hành của doanh nghiệp (DN), người dân, việc thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TU và Chương trình hành động số 3288/CTr-UBND đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.

Hạ tầng bưu chính từng bước được hiện đại hóa để phát triển thành hạ tầng số phục vụ phát triển thương mại điện tử và logistics. Thông qua sàn thương mại điện tử Postmart (VNPost) và Voso (ViettelPost), đã có 383 tổ chức, cá nhân đưa 5.959 sản phẩm lên sàn, tạo thêm kênh phân phối tiềm năng, bền vững, nâng cao năng lực CĐS cho các DN, hộ sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn. Việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích gắn với việc số hóa hồ sơ tăng 17% so với năm 2021, duy trì và hoạt động ổn định các điểm phục vụ bưu chính có người phục vụ tại 100% xã trên địa bàn tỉnh.

Viễn thông có bước chuyển mạnh mẽ từ DN viễn thông sang DN công nghệ số, hạ tầng viễn thông sang hạ tầng số. Đến nay, tỷ lệ người dân có điện thoại thông minh trên địa bàn tỉnh đạt 87% (tăng 12% so với năm 2021); tỷ lệ hộ gia đình có đường Internet cáp quang băng rộng đạt 72% (tăng 5% so với năm 2021). Đặc biệt, tỉnh Long An đã ra mắt dịch vụ 5G, từng bước hoàn thiện CĐS và hình thành mô hình đô thị thông minh.

Hoạt động báo chí, truyền thông được tăng cường, đúng định hướng. Tập trung tuyên truyền về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”; về các sự kiện, ngày lễ quan trọng của đất nước, của tỉnh; về hiệu quả trong hoạt động lãnh đạo, điều hành; về tình hình phục hồi KT-XH của tỉnh.

Long An có 4 loại hình báo chí (báo nói, báo hình, báo in, báo điện tử) không ngừng phát triển cả nội dung, hình thức và chất lượng tuyên truyền; bên cạnh đó, có 51 phóng viên các cơ quan báo chí ngoài tỉnh hoạt động trên địa bàn. Có 43 cổng/trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước, 13 trang thông tin điện tử tổng hợp được cấp phép; 5.259 trang thông tin điện tử nội bộ, ứng dụng chuyên ngành; 188 trang fanpage Facebook, trong đó có 45 trang fanpage Facebook thuộc các cơ quan Đảng và Nhà nước trong tỉnh; 15 cơ sở truyền thanh cấp huyện, 188 đài truyền thanh cấp xã, 1.555 trạm truyền thanh ấp, khu phố.

Việc hiện đại hóa, CĐS đối với lĩnh vực thông tin cơ sở được đặc biệt quan tâm và thực hiện bài bản, có trọng tâm. Cụ thể, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 4247/KH-UBND, ngày 27/12/2021 về thực hiện Chiến lược phát triển lĩnh vực thông tin cơ sở trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025; triển khai đầu tư: Hệ thống thông tin nguồn của tỉnh, dự án Đài truyền thanh ứng dụng CNTT-VT tại các phường, thị trấn, xây dựng trang thông tin điện tử tại 100% xã, phường, thị trấn,... UBND cấp huyện thực hiện số hóa hệ thống truyền thanh cấp huyện, đầu tư xây dựng hệ thống truyền thanh ứng dụng CNTT-VT tại các xã và xây dựng bảng tin điện tử công cộng (led) tại cấp huyện, xã.

Hạ tầng ICT, các nền tảng ứng dụng, cơ sở dữ liệu được tập trung xây dựng, hoàn thiện đưa vào sử dụng, thúc đẩy CĐS trên đại bàn tỉnh. An toàn thông tin, an ninh mạng được quản lý, kiểm soát tốt, bảo đảm ổn định. Xây dựng hoàn thành và ra mắt: Trung tâm Điều hành an toàn an ninh mạng (SOC), Trung tâm Điều hành thông minh (IOC), Cổng dữ liệu mở, Kho cơ sở dữ liệu dùng chung, các app: Long An Số, Long An IOC, Long An ID, hệ thống tiếp nhận và xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, DN (Tổng đài 1022), Trang thông tin CĐS (chuyendoiso.longan.gov.vn),... Thành lập 996 tổ công nghệ số cộng đồng tại các ấp, khu phố thuộc 188/188 xã, phường, thị trấn, với 5.324 thành viên; 100% dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện được cung cấp mức độ 4; 79,15% dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ trực tuyến trên tổng số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 có phát sinh hồ sơ; có 42,32% hồ sơ nộp trực tuyến trên tổng số hồ sơ giải quyết.

Với kết quả cụ thể, nổi bật như trên, vừa qua, Bộ TTTT công bố xếp hạng CĐS (DTI), tỉnh Long An đứng thứ 21/63 tỉnh, thành phố trong cả nước về CĐS năm 2021 (tăng 6 bậc so với năm 2020). Kết quả này minh chứng Nghị quyết số 21-NQ/TU đã thực sự đi vào cuộc sống, ghi nhận sự tham mưu tích cực cũng như vai trò dẫn dắt của ngành TTTT trong CĐS.

Chuyển đổi số tạo đột phá phát triển trên lĩnh vực thông tin và truyền thông

Thời gian tới, báo chí, truyền thông tỉnh nhà phấn đấu tiếp tục đổi mới, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị; thể hiện dòng chảy chính của đời sống xã hội, tạo sự đồng thuận và bồi đắp niềm tin xã hội; khơi dậy, thổi bùng lên khát vọng vì một quê hương Long An giàu đẹp. Kết hợp tốt giữa thông tin đối nội và thông tin đối ngoại; là “cầu nối” truyền tải, thông tin giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân, là kênh thông tin hiệu quả trong việc đưa nghị quyết, chủ trương, chính sách, pháp luật vào cuộc sống; làm tốt công tác tuyên truyền, đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Trong tình hình mới, ngoài chức năng, nhiệm vụ, tôn chỉ, mục đích gắn với các chủ đề, chủ điểm truyền thông; báo chí, truyền thông cũng đang đứng trước yêu cầu đổi mới, vươn lên ngang tầm nhiệm vụ. Chiến lược CĐS báo chí với định hướng là xây dựng các nền tảng số dùng chung cho báo chí cũng như chuyển đổi mô hình làm báo, mô hình kinh doanh. Báo chí, truyền thông cần tích cực, chủ động hơn nữa trong đổi mới, nắm bắt xu thế, làm chủ công nghệ để hoàn thành tốt nhiệm vụ vừa là người đi tiên phong, vừa là người kết nối, hỗ trợ cộng đồng, xã hội; đồng thời, là công cụ, phương tiện hữu hiệu để phát huy vai trò lãnh đạo, điều hành của Đảng và Nhà nước.

Bưu chính tiếp tục phát triển mang tính đột phá để trở thành hạ tầng vững chắc, bảo đảm dòng chảy vật chất bên cạnh dòng chảy dữ liệu, bảo đảm nhịp tăng trưởng chung của toàn ngành (30-35%) và chuyển sang thương mại điện tử. Viễn thông chuyển thành hạ tầng số, là hạ tầng chủ lực phục vụ phát triển nền kinh tế.

Với vai trò dẫn dắt trong thực hiện CĐS với mục tiêu cụ thể là thực hiện hoàn thành, vượt chỉ tiêu Nghị quyết số 21-NQ/TU, tiếp tục thực hiện đồng bộ trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số trên phạm vi toàn tỉnh. Tập trung ưu tiên CĐS một số lĩnh vực có nhu cầu cao, có lợi thế cạnh tranh trong các lĩnh vực: Y tế; giáo dục; giao thông - vận tải và logistics; nông nghiệp; tài nguyên và môi trường; tài chính - ngân hàng; năng lượng; sản xuất công nghiệp. Phát huy hiệu quả các hạ tầng, nền tảng số đã xây dựng, thu hẹp khoảng cách, giảm thời gian chi phí cho cá nhân, tổ chức, giữa chính quyền và người dân gần hơn; kinh tế số dần trở thành nền tảng cốt lõi thúc đẩy kinh tế của tỉnh phát triển nhanh và bền vững theo chiều sâu, đổi mới mô hình tăng trưởng; phương thức sống, làm việc của người dân hiện đại, an toàn, nhân văn, thịnh vượng; công tác quản lý, điều hành của chính quyền, xây dựng chính quyền các cấp gần dân, vì dân hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Phát huy kết quả bước đầu đã đạt được, ngành TTTT với 3 trụ cột: Báo chí, truyền thông; bưu chính, viễn thông; công nghệ thông tin, CĐS tiếp tục vừa tham mưu đúng và trúng cho lãnh đạo tỉnh, vừa làm tốt vai trò dẫn dắt trong thực hiện CĐS; quyết tâm thực hiện hoàn thành vượt chỉ tiêu Nghị quyết số 21-NQ/TU, phấn đấu đưa tỉnh luôn trong nhóm tỉnh, thành phố có thứ hạng cao về CĐS, góp phần hiện thực hóa khát vọng xây dựng quê hương Long An giàu mạnh./.

Phát huy kết quả bước đầu đã đạt được, ngành Thông tin và Truyền thông với 3 trụ cột: Báo chí, truyền thông; Bưu chính, viễn thông; Công nghệ thông tin và chuyển đổi số sẽ tiếp tục vừa tham mưu tích cực cho lãnh đạo tỉnh, vừa làm tốt vai trò dẫn dắt trong thực hiện chuyển đổi số; quyết tâm thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu của Nghị quyết số 21-NQ/TU, phấn đấu đưa tỉnh luôn trong nhóm tỉnh, thành phố có thứ hạng cao về chuyển đổi số”.

Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông - Nguyễn Bá Luân

Minh Hoàng

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích