Tiếng Việt | English

26/08/2021 - 10:22

Ngành Thông tin và Truyền thông: Phát huy thế mạnh, tiên phong và dẫn dắt chuyển đổi số

Nhìn lại những thành tựu quan trọng của ngành Thông tin và Truyền thông (TT&TT) trong 76 năm qua (28/8/1945 - 28/8/2021), cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn ngành TT&TT tự hào bởi lĩnh vực thông tin, truyền thông đã có sự trưởng thành và phát triển vượt bậc, đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển KT-XH, yêu cầu quản lý nhà nước và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Tiếp nối truyền thống, khẳng định vị thế

Ngành TT&TT được khai sinh, trưởng thành và phát triển từ cách mạng và phục vụ cách mạng. Truyền thống vẻ vang của ngành là sự hội tụ và kế thừa truyền thống cách mạng của Báo chí cách mạng Việt Nam, ngành Bưu điện Việt Nam, ngành Xuất bản - In và Phát hành sách Việt Nam,... Lịch sử 76 năm của ngành TT&TT gắn với lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Sau hơn 35 năm đất nước đổi mới, ngành TT&TT không ngừng lớn mạnh toàn diện, đạt nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực: Bưu chính; viễn thông; thông tin, báo chí; xuất bản, in và phát hành; công nghệ thông tin. Từ đó, ngành TT&TT trở thành một ngành vững về chính trị, mạnh về kinh tế; với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới; có tốc độ phát triển nhanh cả về quy mô, doanh thu và thị trường, có tỷ trọng đóng góp lớn vào ngân sách nhà nước,... Có thể khẳng định, ngành TT&TT là một trong những ngành dẫn đầu trong sự nghiệp đổi mới.

Tiếng loa phát thanh hiện diện khắp đường làng, ngõ xóm, kịp thời chuyển tải thông tin tuyên truyền đến với người dân

Cùng với cả nước, ngành TT&TT tỉnh đã có những bước phát triển nổi trội. Cụ thể: Bưu chính phát triển và dịch chuyển nhanh để thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, logistics. Phát triển viễn thông đồng bộ, rộng khắp và từng bước dịch chuyển sang hạ tầng số phục vụ đắc lực cho phát triển công nghiệp, nông nghiệp, nông thôn. Hệ thống thông tin cơ sở từng bước được hoàn thiện, củng cố, nâng cao chất lượng và phát huy vai trò thế mạnh của mình, khẳng định là lực lượng “chủ công” trong thông tin, tuyên truyền. Các cơ quan báo chí của tỉnh không ngừng đổi mới, khắc phục những khó khăn nhất định để phát triển bền vững, cung cấp đầy đủ các loại hình báo chí, đã và đang thực hiện để tiến đến báo chí đa phương tiện.

Bên cạnh đó, với 46 phóng viên thường trú, đăng ký thường xuyên tác nghiệp trên địa bàn tỉnh của 39 cơ quan báo chí đã góp phần rất lớn trong thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, quảng bá thông tin, hình ảnh của tỉnh, cung cấp thông tin cần thiết đến người dân. Các cơ sở in trên địa bàn phát triển mạnh về số lượng, quy mô, doanh thu, từ đó Long An cùng với Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương là nhóm địa phương dẫn đầu về hoạt động in trong cả nước. Lĩnh vực công nghệ thông tin đã và đang được đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, thực hiện có hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử.

Một trong những minh chứng rõ nét nhất có thể kể đến đó là sự vào cuộc chủ động, tích cực, quyết liệt của ngành TT&TT trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Ngoài nhiệm vụ thường xuyên, ngành có những đóng góp cụ thể, thiết thực, hiệu quả, điển hình như tham gia vận chuyển, cung cấp hàng hóa thiết yếu, tiêu thụ nông sản, đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử; thiết lập nhanh chóng, kịp thời và bảo đảm thông tin liên lạc tại các khu cách ly, bệnh viện dã chiến, trung tâm hồi sức tích cực; gửi 3 đợt tin nhắn tuyên truyền đến tất cả thuê bao di động trên địa bàn tỉnh; thiết lập tổng đài tư vấn sức khỏe trong mùa dịch, kết nối gần 1.000 camera tại các khu cách ly và hệ thống giám sát tập trung.

Với những ưu thế như thông tin nhanh, rộng, linh hoạt, tiếp nhận thông tin dễ dàng mọi lúc, mọi nơi, hệ thống truyền thanh một lần nữa khẳng định rõ vị trí, vai trò quan trọng của mình. Tiếng loa phát thanh hiện diện khắp đường làng, ngõ xóm, cung cấp thường xuyên, nhanh chóng những chỉ đạo của chính quyền các cấp và những biện pháp phòng, chống dịch bệnh đến người dân; kêu gọi người dân trong tỉnh đồng lòng, góp sức cùng các cấp chính quyền đẩy lùi đại dịch.

Báo chí, đặc biệt là Báo Long An, Đài Phát thanh và Truyền hình Long An đã huy động toàn bộ nguồn lực, sức mạnh để thông tin, tuyên truyền kịp thời, toàn diện diễn biến tình hình dịch bệnh cũng như công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, tỉnh và hướng dẫn, yêu cầu của ngành chức năng; tuyên truyền gương người tốt, việc tốt;... Bên cạnh đó, báo chí đã kịp thời phê phán các hành vi sai trái, phản bác các thông tin sai sự thật, tin giả liên quan đến dịch Covid-19, qua đó đã tạo nên sức mạnh tổng hợp, sự đồng thuận và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân. Triển khai đồng bộ các giải pháp công nghệ phục vụ các hoạt động liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19 như nền tảng họp trực tuyến phục vụ giao ban mọi lúc, mọi nơi; công cụ hỗ trợ truy vết, phần mềm quản lý tiêm chủng, phần mềm sổ tay văn bản chỉ đạo điều hành về Covid-19, bản đồ số, phần mềm tổng hợp báo cáo tình hình dịch Covid-19,...

Phát huy thế mạnh, thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số

Với truyền thống 76 năm qua, ngành TT&TT tỉnh đã, đang và sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh với một số nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể đó là:

Một là, phát triển nhanh, đồng bộ hạ tầng bưu chính, gắn kết và thúc đẩy thương mại điện tử phát triển; đưa hàng hóa, nông sản của tỉnh lên các sàn thương mại điện tử.

Hai là, phát triển hạ tầng viễn thông đồng bộ, rộng khắp, sớm triển khai 5G và dịch chuyển hạ tầng viễn thông thành hạ tầng số để phục vụ tốt chuyển đổi số.

Dịch vụ viễn thông phát triển đồng bộ, rộng khắp (Ảnh tư liệu: THUẬN NGA)

Ba là, cơ quan báo, đài tỉnh thực hiện chuyển đổi số, hướng đến cơ quan báo chí hội tụ, đa phương tiện; tập trung đầu tư xây dựng hệ thống thông tin nguồn, hệ thống thông tin cơ sở theo hướng số hóa, đặc biệt chuyển đổi sang truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông.

Bốn là, làm tốt công tác tham mưu, dẫn dắt để thực hiện đạt hiệu quả cao Nghị quyết số 21-NQ/TU, ngày 20-8-2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Long An đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với 3 trụ cột chính: Chính quyền số - Kinh tế số - Xã hội số.

Năm là, tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là theo dõi, giám sát thông tin trên không gian mạng.

Sáu là, các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ngành TT&TT tiếp tục hoạt động hiệu quả, đóng góp tích cực vào sự phát triển KT-XH của địa phương.

Trước những yêu cầu và đòi hỏi mới của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành TT&TT tỉnh nguyện nối tiếp truyền thống, không ngừng phát triển và trưởng thành, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra với phương châm hành động “Trung thành - Đoàn kết - Năng động - Tinh thông”.

Phòng Báo chí - Truyền thông (Sở Thông tin và Truyền thông)

Chia sẻ bài viết