Những thầy thuốc của thế hệ đi trước như Phạm Ngọc Thạch, Đặng Văn Ngữ, Tôn Thất Tùng, Đặng Văn Chung, Trần Hữu Tước, Đỗ Tất Lợi và thế hệ tiếp nối như Tôn Thất Bách, Lê Thế Trung, Đặng Thùy Trâm,... để lại tấm gương sáng về y đức, cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp y học và y tế của nước nhà. Làm thế nào để thầy thuốc trẻ hôm nay thực hiện được lời dạy của Bác Hồ và xứng đáng với sự tôn trọng của người dân?
Mặt trái của cơ chế kinh tế thị trường và tác động tiêu cực của xã hội ảnh hưởng không nhỏ đến người thầy thuốc. Hiện tượng tiêu cực tại các bệnh viện dù ít hay nhiều cũng làm xói mòn đạo đức, sự vươn lên làm chủ tay nghề và việc chữa trị, chăm sóc người bệnh của người thầy thuốc.
Tình trạng thiếu nhân lực, kể cả thiếu thuốc và thiếu phương tiện, máy móc quan trọng khác ở tuyến dưới đẩy y tế tuyến trên vào tình trạng quá tải trầm trọng như ở Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM. Điều đáng mừng và đáng tự hào là dù đời sống còn nhiều khó khăn đối với một số người làm công tác y tế nhưng phần lớn trong số ấy luôn cần mẫn hàng ngày, hàng giờ chăm sóc, phục vụ người bệnh.
Đảng và Nhà nước ta đã và đang có những điều chỉnh về chế độ, chính sách đối với cán bộ, viên chức, người lao động ngành Y tế để đời sống người thầy thuốc được cải thiện tốt hơn. Mong rằng, tiếng thơm về y đức của ngành Y tiếp tục được gìn giữ và phát triển./.
Thanh Dơn