Ảnh minh họa (Nguồn: AFP/TTXVN)
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h00 sáng 3/4 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận hơn 490,71 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 6,17 triệu ca tử vong. Số bệnh nhân COVID-19 đã bình phục là hơn 425 triệu người, trong khi vẫn còn gần 59 triệu ca đang phải điều trị.
Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của dịch COVID-19 với hơn 81,82 triệu ca mắc, trong đó 1,008 triệu ca tử vong. Tiếp theo là Ấn Độ với gần 43,03 triệu ca mắc, trong đó có hơn 521.000 ca tử vong và Brazil với gần 30 triệu ca mắc, trong đó có hơn 660.000 ca tử vong.
Trong 24 giờ qua, trên toàn thế giới có thêm 1.006.618 ca mắc COVID-19 mới, trong đó Hàn Quốc đứng đầu với 264.097 ca, đánh dấu ngày thứ 3 liên tiếp số ca lây nhiễm mới ở dưới mốc 300.000 ca. Tiếp đến là Đức với 132.114 ca và Pháp với 128.639 ca. Đây cũng là 3 nước trên thế giới có số ca mắc mới ghi nhận ở 6 con số.
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang có chiều hướng thuyên giảm ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Các nước tiếp tục nới lỏng các biện pháp phòng dịch và tiếp tục chú trọng đẩy mạnh chương trình tiêm chủng để tăng cường khả năng bảo vệ của người dân trước dịch bệnh này.
Chính phủ Brazil đã quyết định nới lỏng hạn chế y tế đối với du khách quốc tế đến nước này thông qua việc chấm dứt yêu cầu du khách nhập cảnh phải trình xét nghiệm PCR âm tính với COVID-19, cũng như thực hiện khai báo y tế đầy đủ.
Quyết định trên được đưa ra theo khuyến nghị của Cơ quan Giám sát Dịch tễ (Anvisa), trong đó du khách quốc tế tới Brazil chỉ cần có giấy chứng nhận đã hoàn tất phác đồ tiêm vaccine. Đối với trường hợp của công dân Brazil hoặc người nước ngoài sinh sống tại Brazil thì không cần phải xuất trình giấy chứng nhận tiêm chủng.
Trong khi đó, các du khách nhập cảnh mà chưa tiêm vaccine đầy đủ thì vẫn phải có giấy xét nghiệm PCR âm tính với COVID-19 song sẽ không phải thực hiện việc cách ly bắt buộc trong thời gian 14 ngày như trước đây.
Trong hơn một năm qua đẩy mạnh chương trình tiêm chủng, đến nay 75% trong tổng số 212 triệu dân nước này đã hoàn tất phác đồ tiêm vaccine cơ bản. Số ca nhiễm mới và tử vong theo ngày cũng đã giảm đáng kể trong thời gian gần đây.
Cũng tại Nam Mỹ, Bộ trưởng Y tế Ecuador Ximena Garzón công bố quyết định của Chính phủ nước này sẽ tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 thứ 4 để tăng cường khả năng miễn dịch cho người dân.
Theo bà Garzón, người dân Ecuador đã tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 thứ 3 được 5 tháng có thể tham gia tiêm phòng mũi thứ 4 tại tất cả các trung tâm tiêm chủng trên cả nước, đồng thời khẳng định nước này đã chuẩn bị đầy đủ các loại vaccine ngừa COVID-19 nhằm đảm bảo hiệu quả của Kế hoạch tiêm chủng quốc gia.
Kể từ khi lên nắm quyền hồi tháng 5/2021, chính phủ của Tổng thống Lasso đã thúc đẩy mạnh mẽ chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho toàn dân. Hiện, 88,7% dân số Ecuador trên 5 tuổi đã hoàn tất phác đồ cơ bản, trong khi đó nhóm trẻ em từ 3 - 4 tuổi cũng bắt đầu được phép tiêm vaccine từ tháng 2/2022, trên 32% dân số cũng đã được tiêm mũi vaccine thứ 3.
Trong bối cảnh Kế hoạch tiêm chủng quốc gia giúp số ca mắc COVID-19 giảm trong thời gian gần đây, Chính phủ Ecuador dự tính đưa quốc gia Nam Mỹ này quay lại trạng thái “bình thường mới” vào tháng 5.
Tại Peru, nước này cũng đã bắt đầu triển khai tiêm mũi thứ 4 vaccine ngừa COVID-19 cho những người trên 70 tuổi và bệnh nhân bị ức chế miễn dịch. Loại vaccine được sử dụng trong đợt tiêm này là Pfizer hoặc Moderna, áp dụng với đối tượng đã tiêm chủng mũi thứ 3 trước đó ít nhất 5 tháng.
Cùng với đó, Peru cũng tiến hành chiến dịch tiêm chủng tăng cường cho trẻ vị thành niên từ 12 đến 17 tuổi, đồng thời ghi nhận mức giảm đáng kể các trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 trong đợt bùng phát thứ 3 của đại dịch, trong bối cảnh quá trình tiêm chủng đang chậm lại.
Peru hiện vẫn còn khoảng 9 triệu người chưa tiêm mũi thứ 3 ngừa COVID-19. Hơn 26 triệu người Peru, tương đương 79,6% dân số mục tiêu trên 12 tuổi, đã hoàn thành phác đồ tiêm chủng gồm hai liều vaccine.
Kể từ khi ghi nhận ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên, Peru đã có thêm tổng cộng 3.580.283 trường hợp mắc COVID-19 và 212.256 bệnh nhân tử vong. Quốc gia Nam Mỹ này hiện đang có tỷ lệ tử vong do COVID-19 cao nhất trên toàn cầu./.
(TTXVN/Vietnam+)