Giữ gìn văn hóa đọc
Những năm gần đây, văn hóa đọc có nhiều thay đổi để thích nghi, phù hợp với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ hiện đại, từ sách giấy sang sách online, đọc qua Internet,... Với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, ngoài đọc sách, người dân còn tiếp nhận thông tin qua các phương tiện thông tin đại chúng khác.
Độc giả có nhiều cơ hội lựa chọn những sản phẩm, kênh thông tin phù hợp với nhu cầu đọc của mình. Việc đọc qua Internet đang có nhiều ưu thế hơn so với đọc sách, thói quen đọc sách cũng dễ bị lấn át, nhất là đối với những người trẻ khi họ thường dành phần lớn thời gian cho mạng xã hội như Facebook, Tiktok, Youtube,... Do đó, giữ gìn văn hóa đọc, khuyến khích thói quen đọc sách là điều cần thiết để phát triển tri thức, kỹ năng sống và rèn luyện nhân cách, tâm hồn.
Sách là “món ăn tinh thần” không thể thiếu trong cuộc sống
Hiện nay, nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị tăng cường tổ chức các hoạt động để giúp người dân duy trì được thói quen đọc sách, dành tình yêu đối với sách. Những năm qua, Thư viện huyện Bến Lức, tỉnh Long An (tọa lạc trong khuôn viên Khu lưu niệm Luật sư Nguyễn Hữu Thọ) duy trì công tác giới thiệu sách qua địa chỉ Facebook Đền Nguyễn Hữu Thọ.
Thủ thư Hồ Thị Ánh Trúc - người trực tiếp giới thiệu sách trên trang Facebook, cho biết, bản thân chị phải đọc kỹ nội dung sách rồi viết bài tóm tắt để bạn đọc dễ dàng tiếp cận, lựa chọn. Nhờ hoạt động này, số lượng người dân quan tâm, đến thư viện đọc sách, mượn sách tăng qua từng năm, nhiều nhất là giáo viên, học sinh trên địa bàn huyện. Đây cũng là minh chứng cho những nỗ lực của thư viện trong việc góp phần giữ gìn văn hóa đọc trong thời đại bùng nổ Internet như hiện nay.
Ngoài ra, huyện Bến Lức cũng vừa tổ chức Hội thi Thuyết trình giới thiệu sách với chủ đề Sách và Khát vọng cống hiến nhằm phát hiện và giới thiệu đến độc giả những quyển sách hay, khơi dậy sự yêu thích, niềm đam mê đọc sách cho mọi người; góp phần tôn vinh giá trị của sách. Với huyện Thạnh Hóa, Hội thi cảm nhận Quyển sách tôi yêu lần thứ IX năm 2022 cũng được đông đảo cán bộ, công chức, đoàn viên, thanh niên, học sinh tích cực tham gia.
Hay tại TP.Tân An cũng vừa ra mắt quán Cà phê Sách tại Di tích lịch sử cách mạng Nhà Tổng Thận (phường 1, TP.Tân An) nhằm xây dựng và phát triển phong trào đọc sách, tuyên truyền, quảng bá tiềm năng du lịch, giới thiệu di tích lịch sử cách mạng của địa phương. Bên cạnh đó, trong đợt sinh hoạt định kỳ vừa qua, tại huyện Cần Đước, Đoàn Thanh niên xã Tân Lân vừa tổ chức thảo luận, tìm hiểu về cuốn sách “Bác Hồ với thanh niên, thanh niên với Bác Hồ”.
Hoạt động ý nghĩa thiết thực này thu hút sự tham gia, hưởng ứng sôi nổi trong đoàn viên, thanh niên, góp phần nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, tạo môi trường văn hóa để tuổi trẻ rèn luyện và trưởng thành; đồng thời, khuyến khích đoàn viên, thanh niên rèn luyện thói quen đọc sách, nhất là các chủ đề về lịch sử, văn hóa dân tộc, danh nhân của đất nước,...
Để giữ gìn văn hóa đọc và lan tỏa tình yêu với sách, mỗi người cần có sự chọn lọc đối với sách để trở thành người đọc thông minh
Trong một thế giới đang phát triển từng ngày, việc tiếp cận tri thức, thông tin có thể từ nhiều kênh khác nhau. Tuy vậy, sách vẫn là kho tàng tri thức vô giá, tin cậy đối với mỗi người. Thói quen đọc sách, văn hóa đọc cần được duy trì và tồn tại song hành cùng các kênh thông tin khác, giúp người đọc tiếp cận tri thức một cách chọn lọc để việc đọc sách được giữ gìn, phát triển đúng với những giá trị đích thực.
Đọc sách có chọn lọc
Sách là kho tàng tri thức vô tận, kênh cung cấp những thông tin trên mọi lĩnh vực. Tuy nhiên, trước kho tàng tri thức bao la này, việc định hướng, giữ gìn văn hóa đọc và có sự chọn lọc đối với sách là điều cần thiết.
Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân - Nguyễn Lân Dũng từng chia sẻ: “Sách không chỉ là người bạn mà còn là món ăn tinh thần nên chúng ta phải chọn lựa cẩn thận, cần chọn những món ăn có lợi, không có chất độc hại. Sách cung cấp kiến thức, bồi đắp, nuôi dưỡng tâm hồn mỗi con người. Đọc sách sẽ giúp chúng ta sống tử tế, hạnh phúc hơn. Vì vậy, để giữ gìn văn hóa đọc và lan tỏa tình yêu với sách, mỗi người cần có sự chọn lọc đối với sách để trở thành người đọc thông minh”. Quả thật, sự bùng nổ mạnh mẽ của công nghệ thông tin hiện nay là cơ hội để giới trẻ tiếp cận khối lượng tri thức khổng lồ. Tuy nhiên, việc tiếp cận phải có sự chắt lọc, lựa chọn đúng đắn để có được những kiến thức “sạch” đúng nghĩa.
Để văn hóa đọc được duy trì, giữ gìn, góp phần giúp bạn đọc có định hướng đúng đắn trong lựa chọn sách, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam được phát động và tổ chức hàng năm là một sự kiện văn hóa quan trọng, nhất là với người yêu thích sách.
Năm nay, Ngày hội Sách và Văn hóa đọc được tổ chức từ trung tuần tháng 3 đến hết tháng 4 với chủ đề “Chấn hưng văn hóa và phát triển văn hóa đọc”. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, hướng dẫn của Sở Thông tin và Truyền thông về việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng, thời gian qua, các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh triển khai nhiều hoạt động mang tính chiều sâu, thiết thực.
Công tác thông tin, tuyên truyền được chú trọng thực hiện nhằm khẳng định, tôn vinh giá trị của sách, ý nghĩa văn hóa, sự cần thiết của Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam
Trong đó, công tác thông tin, tuyên truyền, nhất là trên các phương tiện thông tin đại chúng, ấn phẩm tài liệu, qua sinh hoạt thường kỳ của địa phương để việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam được thực hiện hiệu quả; tăng cường đầu tư, khai thác và phát huy tối đa các nguồn lực phát triển văn hóa đọc nhằm góp phần khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng. Qua đó, tiếp tục khẳng định, tôn vinh giá trị của sách, ý nghĩa văn hóa, sự cần thiết của Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trong đời sống tinh thần của người dân.
Ngày hội Sách và Văn hóa đọc Việt Nam được tổ chức hàng năm với chuỗi các hoạt động ý nghĩa, thiết thực tạo được dấu ấn với người yêu đọc sách; tạo sức lan tỏa trong cộng đồng về tình yêu đối với sách, duy trì, tôn vinh giá trị của sách trong cuộc sống. Qua đó, khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, góp phần lan tỏa văn hóa đọc, nâng cao dân trí, xây dựng quê hương, đất nước ngày một phát triển./.
Ngày 24/02/2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hàng năm là Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam. Trước đây, ngày 21/4 là thời điểm ra mắt cuốn sách đầu tiên của Việt Nam là cuốn “Đường Kách Mệnh” của Chủ tịch Hồ Chí Minh - tác phẩm đầu tiên bằng tiếng Việt được in bởi những người thợ in Việt Nam. Bên cạnh đó, tháng 4 cũng là thời điểm diễn ra Ngày Sách và Bản quyền Thế giới (23/4). Vì vậy, việc chọn Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam có ý nghĩa văn hóa sâu sắc. |
Hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2022, các cấp, các ngành trong tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền (từ ngày 15 đến 24/4) đến toàn thể công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị biết và kêu gọi đồng loạt hưởng ứng bằng những hành động ý nghĩa, việc làm thiết thực. Qua đó, nhằm khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách; khuyến khích, phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, góp phần hình thành thói quen đọc sách trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức và xây dựng xã hội học tập,... |
Phạm Ngân - Huỳnh Hương