Tiếng Việt | English

17/01/2023 - 10:21

Ngày xuân thăm chùa cổ

Không biết tự bao giờ, lễ chùa trở thành nét đẹp văn hóa trong những ngày tết. Trong thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, nhiều người đến chùa lễ Phật, cầu một năm mới bình an, hạnh phúc. Một trong những ngôi chùa cổ được khách thập phương tìm đến là chùa Long Phước đã trên 200 năm tuổi.


Chùa Long Phước là ngôi chùa cổ có trên 200 tuổi giữa lòng TP.Tân An

Một trong những dấu ấn của Tân An xưa là Long Phước cổ tự (chùa cổ Long Phước) hay còn được gọi theo dân gian là chùa Bình Lập. Nằm bên bờ Nam dòng Vàm Cỏ Tây hiền hòa, chùa Long Phước là một trong những ngôi chùa được thành lập rất sớm tại làng Bình Lập, phủ Tân An (nay thuộc phường 3, TP.Tân An, tỉnh Long An).

“Ai về thăm phủ Tân An

Nhớ viếng Long Phước bên Vàm Cỏ Tây

Chuông ngân dòng nước vơi đầy

Hương cau dịu ngọt hoa bay trắng thềm

Chùa xưa tích cũ uy nghiêm

Quê hương còn mãi nhân duyên bồ đề”.

Chùa Long Phước được xây dựng theo kiểu kiến trúc tự viện truyền thống của Nam bộ với sườn gỗ căm xe hình tứ trụ

Theo Thượng tọa Thích Lệ Trí - Trụ trì chùa Long Phước, chùa được thành lập vào khoảng đầu thế kỷ XIX, cách nay trên 200 năm lịch sử do Hòa thượng Thích Tâm Chánh (húy Đạt Hưng, thuộc dòng Lâm Tế Chánh Tông đời thứ 38) nhân cơ duyên kiến họ Huỳnh phát tâm hiến 1ha đất vườn (sau hiến thêm 3ha đất ruộng) và sự thỉnh cầu của người dân địa phương.

Chùa Long Phước được xây dựng với chiều dài 40m, rộng 12m theo kiểu kiến trúc tự viện truyền thống của Nam bộ. Quần thể kiến trúc của chùa theo mô hình sắp đọi (cách úp chén chồng nối liền nhau). Chính điện được xây dựng bằng gỗ căm xe theo kiến trúc tứ trụ, mái lợp bằng ngói vảy cá, nền gạch tàu, vách ván bổ kho (ván ghép theo khung gỗ),... Trải qua những thăng trầm lịch sử, vết tích thời gian phủ trên từng mái ngói, cổng chùa, tượng gỗ, tượng đất, gác chuông,...

Bộ tượng Ngọc Hoàng Thượng đế, Thập điện Diêm vương và Thánh mẫu tại chùa Long Phước

Chùa có đại hồng chung (hay còn gọi là chuông) cao 1m, đường kính 48cm. Đây là một pháp khí linh thiêng không thể thiếu. Làng Bình Lập khi xưa ai cũng mến mộ tiếng chuông chùa trong trẻo, ngân dài rất đặc biệt. Hễ ai nghe tiếng chuông đều cảm thấy tâm nhẹ nhàng, thanh thản.

Hiện chùa còn lưu giữ nhiều tác phẩm điêu khắc được chạm trổ tinh xảo, nhiều pho tượng cổ, những cột chính được chạm khắc câu đối, thếp vàng công phu,... Trải qua nhiều lần trùng tu, chùa được mở rộng, làm mới, vách ván được thay bằng vách gạch thẻ và xây thêm một số công trình. Vào dịp Tết Nguyên đán hay các ngày lễ lớn của Phật giáo, các tăng, ni, phật tử và du khách thường đến viếng thăm chùa Long Phước.

Chị Nguyễn Thị Bích Hằng (xã Hiệp Thạnh, huyện Châu Thành) chia sẻ: “Tôi thường đi lễ chùa đầu năm với mong muốn xua đi mọi muộn phiền của năm cũ để lòng thanh thản hơn. Theo tôi, chỉ cần đến chùa và thành tâm nguyện cầu sẽ giúp “vạn sự hanh thông”, “toàn gia bình an” trong năm mới”.

Những ngôi chùa cổ như chùa Long Phước là nơi người dân địa phương và du khách tìm đến lễ Phật mỗi dịp xuân về

Những ngày đầu năm, chùa Long Phước đón rất nhiều lượt khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan và thắp hương cầu an. Nếu có dịp, du khách hãy ghé thăm chùa Long Phước - một trong những ngôi chùa cổ giữa lòng TP.Tân An để chiêm ngưỡng lối kiến trúc xưa và cầu mong bình an, may mắn trong năm mới./.

Tôi thường đi lễ chùa đầu năm với mong muốn xua đi mọi muộn phiền của năm cũ để lòng thanh thản hơn. Theo tôi, chỉ cần đến chùa và thành tâm nguyện cầu sẽ giúp “vạn sự hanh thông”, “toàn gia bình an” trong năm mới”.

Chị Nguyễn Thị Bích Hằng (xã Hiệp Thạnh, huyện Châu Thành)

Thùy Minh

Chia sẻ bài viết