Tiếng Việt | English

26/01/2018 - 00:15

Nghề làm bánh tét sống mãi với thời gian

Những ngày tết, không thể thiếu bánh tét. Vì vậy, nhiều năm qua, nghề làm bánh tét ở xã Phước Lại, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An vẫn “sống” cùng thời gian mỗi độ xuân về, tết đến.

Chị Kim Liên, con bà Hai Muốn đang thực hiện công đoạn gói bánh

Đến ấp Tân Thanh B, xã Phước Lại, hỏi nhà bà Hai Muốn bán bánh tét, ai cũng biết vì bà là người làm bánh tét ngon, nổi tiếng nơi đây. Theo lời bà Hai Muốn, bà học nghề gói bánh tét từ mẹ, đến nay hơn 30 năm gắn bó. Hiện tại, 2 người con gái của bà cũng nối nghề. Ngoài dịp tết, gói với số lượng nhiều, bà còn gói quanh năm với nhiều loại: Bánh tét lá cẩm 3 màu, bánh tét ngũ sắc, bánh tét bắp; bánh nhân: đậu ngọt, dừa, chuối và nhân chay,… Chị Đỗ Thị Kim Liên, con gái bà Muốn cho biết: “Để có đòn bánh tét ngon, khâu chọn nếp rất quan trọng, phải là loại nếp dẻo, thơm. Nếp nấu vừa chín thì trộn nước cốt dừa và nước lá dứa để tạo hương thơm đặc trưng. Khâu gói bánh cũng quan trọng, lá dùng để gói bánh là lá chuối hột, cột bằng dây chuối hoặc dây lác, nylon.

Bà Muốn cho biết thêm: Mỗi ngày, tôi bắt đầu làm bánh từ 3 giờ sáng, kết thúc lúc 6 giờ. Mỗi lần nấu từ 3 đến 5 nồi, tùy theo số lượng đặt bánh, bán 30.000 đồng/đòn. Nếu khách đặt loại nhân đặc biệt thì giá cao hơn, từ 40.000 - 45.000 đồng/đòn. Sau khi trừ chi phí, mỗi ngày, tôi lời khoảng 300.000 đồng. Dịp tết, từ 25 tháng Chạp, tôi phải thuê gần 30 người phụ mới kịp giao hơn 500 bánh/ngày cho khách hàng”. Gói bánh tét khá vất vả nhưng bà quyết giữ vì đây là nghề truyền thống của gia đình. Hiện nay, bánh tét của bà Hai Muốn được nhiều khách hàng trong và ngoài huyện ưu chuộng, bởi hương vị đặc trưng.

 Bên đĩa bánh tét kèm dưa hành, củ kiệu, tình cảm gia đình càng thêm gắn bó trong những ngày tết với những món ăn đậm đà hương quê./.

Quan Qui

Chia sẻ bài viết


Các loại Bột béo pha trà sữa Hướng dẫn Làm khúc bạch dẻo ngon