Tiếng Việt | English

19/01/2021 - 20:45

Nghề thổi PU vào mùa tết

Dịp Tết Nguyên đán, mọi người đều làm đẹp cho tổ ấm. Bên cạnh lau chùi, quét dọn nhà cửa, trồng cây cảnh thì việc “thay áo mới” cho nội thất gỗ cũng được nhiều người quan tâm. Chính vì vậy mà nghề thổi PU cũng “ăn nên làm ra” vào dịp tết.

Hiện nay, nhiều gia đình chuộng sử dụng các sản phẩm làm từ gỗ

Một sản phẩm đẹp đòi hỏi bề mặt gỗ phải sáng bóng, mịn màng, màu sắc đáp ứng theo đúng yêu cầu của khách hàng

“Bén duyên” với nghề thổi PU gần chục năm, anh Ngô Văn Đâu (SN 1987), ngụ huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, đang “chạy show” cho nhiều xưởng làm đồ mỹ nghệ trên địa bàn TP.Tân An, tỉnh Long An. Anh Đâu cho biết: “Trước đây, đồ gỗ chủ yếu được đánh bóng vecni, ít ai thổi PU nhưng nhiều năm trở lại đây thì thổi PU trên gỗ được nhiều người ưa chuộng, chính vì vậy, nghề này bắt đầu phát triển. Thổi PU giúp bề mặt gỗ sáng bóng, mịn màng và đẹp hơn. Tháng Chạp là thời điểm người làm nghề bận rộn nhất. Tôi chủ yếu làm thuê, tính lương theo ngày, vào những tháng cao điểm cận tết, thu nhập khoảng 400.000 đồng/ngày, ngày thường làm cho công ty khoảng 300.000 đồng/ngày”.

Anh Cao Minh Trường (SN 1984), ngụ phường 3, TP.Tân An, gắn bó với nghề thổi PU hơn 10 năm, chia sẻ: “Các sản phẩm làm từ gỗ rất đa dạng, gồm: Tủ, bàn, ghế, cầu thang,... Dù là sản phẩm gỗ tự nhiên hay gỗ công nghiệp thì dùng lâu sẽ không còn sáng bóng. Công dụng của thổi PU lên đồ gỗ là để đánh bóng, tạo màu, giúp các sản phẩm gỗ được mịn và đẹp. Nghề này làm quanh năm nhưng trước tết là thời điểm tất bật nhất do nhu cầu trang trí nhà cửa của mọi người tăng cao. Tùy theo loại mà các sản phẩm thổi PU sẽ có các mức giá khác nhau”.

Nhiều người chia sẻ, để theo nghề không khó nhưng để trở thành thợ giỏi thì đòi hỏi phải thật sự có đam mê với công việc này. Đang gấp rút hoàn thành công đoạn cuối của chiếc bàn gỗ, anh Đâu bộc bạch: “Các nguyên liệu, dụng cụ làm nghề thì giống nhau nhưng thành quả thì không ai giống ai. Thổi PU, người thợ phải trải qua rất nhiều công đoạn như chà nhám, sơn lót, phun màu, phun bóng,… Trong đó, sơn lót được thực hiện 2 lần. Sơn lót có công dụng làm phẳng bề mặt gỗ, công đoạn này quan trọng, quyết định tính thẩm mỹ của sản phẩm. Màu sắc của sản phẩm phụ thuộc vào yêu cầu của khách hàng. Song, màu đỏ, vàng, nâu, cánh gián thường được ưa chuộng. Ngoài ra, cũng có một số khách hàng chuộng sơn nước trong. Để tạo ra được màu ưng ý cho khách hàng, người thợ cũng phải nghiên cứu về cách pha màu cho chuẩn”.

Hiện nay, nhiều gia đình chuộng sử dụng các sản phẩm làm từ gỗ

Hiện nay, nhiều gia đình chuộng sử dụng các sản phẩm làm từ gỗ

Đi đôi với mức thu nhập khá cao, công việc này cũng lắm nhọc nhằn. “Cận tết, đi sớm, về khuya là chuyện bình thường, có khi phải làm đêm để hoàn thành cho khách. Song song đó, làm nghề này, người thợ cũng thường xuyên tiếp xúc với hóa chất, bụi bặm nhưng nghề chính là nghiệp và vì cuộc sống nên không thể đổi nghề được. Để bảo vệ sức khỏe, công đoạn nào bụi bặm quá thì đeo khẩu trang” - anh Trường bộc bạch.

Vượt qua mọi khó khăn, vất vả, hiểm nguy “rình rập” sức khỏe, người làm nghề thổi PU quyết “bám trụ” với công việc. Như nhiều người lao động trên cả nước, những người thợ thổi PU cũng đang tất bật làm việc với hy vọng có thêm thu nhập mang đến cho gia đình một cái tết đầm ấm, yên vui./.

Nguyễn Dung

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích