Tiếng Việt | English

26/03/2016 - 10:49

Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ khơi thông dòng vốn tín dụng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn

Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn được ban hành, có hiệu lực từ ngày 25-7- 2015, là cơ sở pháp lý để các tổ chức tín dụng, cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp tăng sức đầu tư vốn cho các hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản và xây dựng nông thôn mới.

Ngân hàng Agribank chi nhánh Vĩnh Hưng thực hiện các thủ tục cho nông dân vay vốn

Trong 5 năm qua, việc thực hiện Nghị định số 41/2010/NĐ-CP (Nghị định 41) ngày 12-4- 2010 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đã góp phần thay đổi đáng kể diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống của nông dân, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa khu vực nông nghiệp, nông thôn.

Qua tổng kết 5 năm triển khai Nghị định 41 đã bộc lộ nhiều bất cập: Đối tượng còn bó hẹp, chỉ ở phạm vi các tổ hức, hộ gia đình, cá nhân, chủ trang trại cư trú và có cơ sở hoặc dự án sản xuất kinh doanh trên địa bàn nông thôn; mức cho vay không có bảo đảm tài sản còn thấp; việc áp dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất chưa nhiều; mô hình sản xuất công nghệ cao, mô hình liên kết theo chuỗi giá trị còn quá ít và hiệu quả thấp; sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp còn yếu. Thị trường hàng hóa nông sản bấp bênh, giá cả đầu ra không ổn định, tình trạng; được mùa rớt giá; xảy ra thường xuyên ở hầu hết các mặt hàng nông, thủy sản nên ảnh hưởng kết quả sản xuất kinh doanh, dẫn đến thu hồi vốn chậm là những trở ngại đối với việc đầu tư tín dụng; việc phối hợp các ngành, các cấp, các đơn vị chức năng trong xử lý nợ quá hạn, nợ tồn đọng kéo dài, xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ cho ngân hàng còn rất nhiều khó khăn.

Nghị định 55/2015/NĐ-CP (Nghị định 55) của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đã được ban hành, thay thế Nghị định 41, có hiệu lực từ ngày 25-7- 2015. Đây cũng là cơ sở pháp lý để các tổ chức tín dụng, cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp tăng sức đầu tư vốn cho các hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản và xây dựng nông thôn mới.

Nông dân Cao Văn Gìn ở ấp Cả Gừa, xã Tuyên Bình, huyện Vĩnh Hưng sản xuất 8,3ha đất nông nghiệp, thu nhập hoàn toàn dựa vào 2 vụ lúa/năm. Ông luôn suy nghĩ, trăn trở tìm cách làm giàu từ điều kiện sẵn có của mình. Ông mạnh dạn vay vốn từ Agribank chi nhánh Vĩnh Hưng số tiền 400 triệu đồng để chăn nuôi heo thịt. Từ 30 con heo ban đầu sau đó ông nuôi thêm 20 con heo nái. Mỗi năm, gia đình ông cung cấp khoảng 12 tấn heo thịt ra thị trường. Từ lợi nhuận thu được, ông tiếp tục mở rộng sản xuất, kết hợp chăn nuôi trang trại khép kín. Hiện tại, đàn heo của ông trên 100 con, đồng thời ông còn nuôi thêm 20 con bò để tận dụng nguồn thức ăn từ rơm rạ, kết hợp ao nuôi cá. Sau khi trừ các khoản chi phí, ông thu lợi nhuận trên 400 triệu đồng/năm.

Giám đốc Agribank chi nhánh Vĩnh Hưng - Vũ Đình Ty cho biết: Thực hiện Nghị định số 55 của Chính phủ, số hộ và doanh số cho vay không phải bảo đảm bằng tài sản tăng lên, khoản dư nợ lĩnh vực này ước đến cuối năm 2015 đạt trên 85 tỉ đồng, bảo đảm cho người dân mở rộng sản xuất, góp phần tích cực vào phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn Đồng Tháp Mười.

Nghị định 55 đi vào cuộc sống với nhiều cơ chế mới thông thoáng và thiết thực hơn. Cụ thể, trước đây hạn mức cho vay tối đa không có tài sản bảo đảm theo quy định tại Nghị định 41 là từ 50 - 500 triệu đồng, tùy thuộc đối tượng là cá nhân, hộ kinh doanh, hợp tác xã, chủ trang trại. Nhưng với quy định mới, mức cho vay được nâng lên đáng kể.

“Từ những kết quả đã đạt khi triển khai Nghị định 41 sẽ là tiền đề quan trọng giúp Agribank Vĩnh Hưng triển khai Nghị định 55 một cách hiệu quả nhất, giữ vững và củng cố vị thế chủ lực trong cung cấp tài chính, tín dụng khu vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn toàn huyện” - ông Vũ Đình Ty chia sẻ.

Đi đôi với việc đẩy mạnh tăng trưởng dư nợ, chất lượng tín dụng được kiểm soát, cho vay theo Nghị định 55 đến ngày 28-2- 2016 có tổng nguồn vốn các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đạt 20.568 tỉ đồng, chiếm tỷ trọng 55,6% dư nợ cho vay toàn địa bàn. Trong đó, dư nợ vay từ các chương trình cho vay nông nghiệp, nông thôn là 12.981 tỉ đồng; xuất khẩu 2.213 tỉ đồng; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 3.125 tỉ đồng; công nghiệp hỗ trợ 2.249 tỉ đồng.

Với mong muốn đáp ứng đầy đủ nhu cầu về vốn cho nông dân của ngành ngân hàng, cũng cần có sự hỗ trợ chính sách từ phía Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước. Theo đó, có thể xem xét phương án hỗ trợ cho khách hàng vay vốn thuộc đối tượng Nghị định 55 khi gặp khó khăn do yếu tố khách quan như thiên tai, dịch bệnh. Các vấn đề về thủ tục khác cần được giải quyết đồng bộ. Các cơ quan chức năng cần đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân và giấy chứng nhận trang trại cho chủ các trang trại; thống nhất mẫu giấy xác nhận không có tranh chấp cho các hộ gia đình chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Để triển khai hiệu quả Nghị định 55 trong thời gian tới, góp phần trợ lực khơi thông dòng vốn tín dụng đầu tư cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, chi nhánh Agribank tại các địa phương tiếp tục phối hợp Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ; chỉ đạo các phòng giao dịch chi nhánh trên địa bàn thực hiện tốt các chương trình phối hợp, đồng thời thường xuyên kiểm tra, nhận xét, đánh giá chất lượng và hiệu quả của các tổ vay vốn; động viên, khen thưởng kịp thời đối với các tổ chức hội, các tổ vay vốn, các thành viên Ban Quản lý tổ thực hiện tốt chương trình phối hợp;... 

Mai Hùng Dũng

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích