Tiếng Việt | English

12/11/2024 - 09:55

Ngôn ngữ tâm hồn qua từng nét chữ

Mỗi năm hoa đào nở/ Lại thấy ông đồ già/ Bày mực Tàu, giấy đỏ/ Bên phố đông người qua…

"Bà đồ" Trương Thị Bích Thủy (TP.Tân An) đang cho chữ người dân địa phương

Câu thơ của Vũ Đình Liên nhắc nhớ về tục xin chữ ông Đồ đã có từ lâu. Thư pháp trải qua các thời đại, không chỉ là hình thức ghi chép mà còn trở thành nét đẹp truyền thống, thể hiện sự tinh tế và cá tính riêng của người viết.

Đam mê nghệ thuật thư pháp, “bà đồ” Trương Thị Bích Thủy (SN 1956, ngụ TP.Tân An, tỉnh Long An) chỉ học vỏn vẹn vài tháng từ người bạn của mình mà không qua trường lớp đào tạo nào đã trở thành Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thư pháp tỉnh Long An. Với bà, thư pháp vừa là niềm vui, vừa là cách lưu giữ nét đẹp văn hóa, nhất là những ngày tết đến, xuân về.

Bà Bích Thủy chia sẻ, thư pháp được "nuôi dưỡng" bằng niềm đam mê, bất cứ thời gian nào, ở đâu có tổ chức các buổi giao lưu, sự kiện hay triển lãm, bà đều dành thời gian tham gia để học hỏi thêm nhiều cái hay, cái đẹp từ những con chữ Việt. Cũng từ đó, bà tích lũy gần 14 năm kinh nghiệm.

Năm nào cũng vậy, “bà đồ” Bích Thủy bày gian hàng thư pháp ở khu chợ hoa xuân Tân An để phục vụ khách du xuân, thu hút rất nhiều người đến thưởng ngoạn và xin chữ. Những con chữ bà cho nhiều nhất là Phúc, An, Tâm,... hay những câu tục ngữ, câu chúc, câu đối mang ý nghĩa tốt lành, mong người nhận chữ bước sang năm mới an khang, vạn sự như ý.

Dẫu tuổi xế chiều nhưng tình yêu nghệ thuật thư pháp vẫn vẹn nguyên trong bà. Bà đã góp phần khơi mở bộ môn nghệ thuật thư pháp ở TP.Tân An, hướng dẫn các học viên của lớp thư pháp. Bà Bích Thủy mong muốn tất cả mọi người đều có thể thưởng thức thư pháp như thú vui tao nhã, thư giãn sau những ngày làm việc mệt mỏi và cũng là cách lưu giữ sự trong sáng của Tiếng Việt, nét đẹp truyền thống văn hóa Việt.

Những ngày đầu xuân, trái dừa được nhiều người lựa chọn chưng trong mâm ngũ quả như góp phần tôn vinh loại trái đặc trưng của miền Tây và lưu giữ thêm một nét văn hóa của người Việt. Công việc chính là giáo viên dạy mỹ thuật, cùng niềm đam mê hội họa đã đưa anh Đinh Minh Nhân (TP.Tân An) đến với trang trí chữ thư pháp trên trái dừa.

Anh Nhân chia sẻ, để có một sản phẩm trái dừa vẽ chữ nghệ thuật thư pháp vừa ý, đạt tính thẩm mỹ cao phải trải qua khá nhiều công đoạn. Khâu quan trọng đầu tiên phải lựa chọn rất kỹ những quả dừa phù hợp với đặc tính chưng trong mâm ngũ quả ngày tết. Trái dừa được chọn phải tròn, cân đối, vỏ nhẵn, mịn, không trầy xước, lồi lõm,...

Sau đó, dừa được phun một lớp sơn màu làm nền, đem phơi thật khô rồi bắt đầu viết chữ và trang trí họa tiết, tiếp đến quét keo, phủ kim tuyến và vẽ trang trí thêm các họa tiết khác cho sản phẩm càng sinh động.

Sản phẩm trái dừa được vẽ thư pháp của anh Đinh Minh Nhân (TP.Tân An)

Bên cạnh các chữ nghệ thuật kiểu thư pháp như Phúc, Lộc, Thọ, Tài, Vạn sự như ý,... dừa còn được trang trí thêm hình hoa đào, hoa mai hoặc các chi tiết đa dạng khác. Nội dung có thể sáng tạo theo ý của người làm hoặc ý tưởng của khách. Tùy theo sản phẩm có họa tiết thông thường hoặc vẽ nhiều chi tiết công phu mà thời gian hoàn thành có thể nhanh hoặc chậm.

Là một người trẻ có niềm đam mê thư pháp, anh Nhân vui vẻ chia sẻ, ngoài có được khoản thu nhập nhỏ từ công việc này, anh còn được thỏa sức sáng tạo nghệ thuật trên các sản phẩm, mong muốn đem đến cho mọi người những món quà biếu gia đình, người thân vừa đẹp mắt, vừa ý nghĩa.

Nghệ thuật thư pháp ngày càng phát triển đa dạng, dù là loại hình viết, vẽ hay cắt dán, điêu khắc đều góp phần lan tỏa giá trị nghệ thuật đến với nhiều người, nhiều lứa tuổi khác nhau. Thư pháp trở thành thú vui tao nhã, cân bằng nhịp sống trong xã hội hiện đại./.

Hi Hiên

Chia sẻ bài viết