Tiếng Việt | English

19/01/2022 - 10:18

Khi người trẻ đam mê thư pháp Việt

Nhắc đến thư pháp, nhiều người thường nghĩ đến những thầy đồ râu, tóc bạc, ngồi cho chữ ngày xuân như trong thơ ca, hội họa. Nhưng ngày nay, thư pháp được nhiều người yêu thích, rất nhiều người trẻ tuổi cũng đam mê bộ môn nghệ thuật này, thậm chí có những em nhỏ ở lứa tuổi tiểu học cũng làm quen với những con chữ “phượng múa, rồng bay”.

Hoài cổ với thư pháp chữ Việt

Tuổi đời còn khá trẻ nhưng “ông đồ” Khánh Học (SN 1995, ngụ phường Khánh Hậu, TP.Tân An) đã có gần 15 năm theo học thư pháp. Ấn tượng đầu tiên khi gặp chàng trai trẻ này là trong trang phục áo tấc (áo dài ngũ thân tay thụng) trông rất hoài cổ, đôi tay cầm bút lả lướt thảo những câu từ ý nghĩa cho ngày xuân.

Theo học thư pháp chữ Việt từ thầy Huỳnh Long từ khi còn là cậu học trò THCS, đến nay, qua ngần ấy năm rèn luyện, Khánh Học tích lũy cho mình “gia tài” kha khá là các sản phẩm tranh, liễn, câu đối do chính mình làm ra, vừa có thể tặng bạn bè, người thân, vừa có thêm thu nhập. Từ chữ Việt, Khánh Học còn tham khảo các lối hành bút và thư thể, bố cục của dòng thư đạo Nhật Bản và thư pháp Trung Quốc để ứng dụng về lối viết chữ Việt, tạo ra phong cách của riêng mình.

Khánh Học và chị Kiều Trang đều là những người trẻ có niềm đam mê thư pháp

Tự nhận mình như “ông cụ non” bởi vì ngoài niềm đam mê thư pháp, Khánh Học còn rất thích trà đạo, tìm hiểu cổ phục Việt, lịch sử, văn hóa vùng, miền và chơi được một số nhạc cụ dân tộc như đàn tranh, đàn nguyệt. Là sinh viên năm cuối khoa Diễn viên, Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP.HCM, những kiến thức từ lịch sử, văn hóa cổ truyền của dân tộc chính là chất liệu để Khánh Học ứng dụng vào nghệ thuật.

Anh chia sẻ: “Thư pháp giúp tôi thư giãn sau những giờ học tập, làm việc căng thẳng. Từ bộ môn nghệ thuật này, tôi dần tìm hiểu những khía cạnh, vấn đề khác của văn hóa dân tộc. Lịch sử, văn hóa Việt Nam mình rất hay, rất đẹp, tìm hiểu cả đời vẫn là không đủ”.

Rèn nét chữ, luyện nết người

Không chỉ có Khánh Học, nhiều người trẻ khi đã “trót” đam mê thư pháp thì sẽ bị “cuốn” theo, miệt mài tìm hiểu rồi thỏa sức sáng tạo. Rèn chữ còn luyện cho người viết sự kiên trì, nhẫn nại, luôn nỗ lực vượt qua khó khăn để hoàn thiện bản thân. Chị Nguyễn Thị Kiều Trang (giáo viên Trường Tiểu học Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa) chia sẻ: “Là giáo viên tiểu học, tôi tham gia rèn chữ đẹp cho các em.

Từ khi theo học thư pháp, tôi lại càng đam mê rèn chữ hơn nữa. Rèn chữ đẹp hay luyện viết thư pháp có những cái hay riêng nhưng đều có điểm chung là giúp bản thân điềm tĩnh hơn, tác phong chỉn chu, cẩn thận hơn. Vài tháng đầu làm quen với thư pháp, nhiều lúc tôi nản lòng nhưng khi rèn được một chữ đẹp, viết được một câu thơ hay, tôi lại có thêm động lực, ngày càng yêu thích và gắn bó đến hôm nay”.

Ông đồ trẻ Khánh Học bên tác phẩm thư họa của mình

Không chỉ có Khánh Học, Kiều Trang, còn có những em nhỏ lứa tuổi tiểu học đã bắt đầu “bén duyên” với nghệ thuật thư pháp. Em Lê Đinh Hoàng Dung (SN 2010, học sinh Trường Tiểu học Bình Tâm) và em Nguyễn Ngọc Vân Hạ (SN 2011, học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Trung Trực) đều là học viên nhí trong lớp thư pháp của thầy Huỳnh Long.

Em Nguyễn Ngọc Vân Hạ (bên trái) và em Lê Đinh Hoàng Dung (bên phải) đều là học viên “nhí” của lớp thư pháp

Tuổi còn nhỏ nhưng các em gắn bó với thư pháp từ vài năm trước. Nếu có dịp tận mắt nhìn những bàn tay nhỏ xinh cầm bút lông chấm mực tàu nắn nót trên giấy đỏ, bên cạnh sự đáng yêu ấy, chúng ta cảm thấy tự hào hơn khi bộ môn nghệ thuật này sẽ có thế hệ kế thừa.

Một số tác phẩm thư pháp của Khánh Học

Nhà thư pháp Huỳnh Long chia sẻ: “Lớp học của tôi có nhiều học viên trẻ tuổi, nhiều em còn đam mê tìm hiểu cả về lịch sử, văn hóa dân tộc chứ không riêng lĩnh vực thư pháp. Đây là tín hiệu đáng mừng khi thế hệ trẻ ngày nay vẫn rất quan tâm đến những giá trị truyền thống. Từ đó, những cái hay, cái đẹp của cha ông để lại sẽ được lưu truyền, không bị mai một, mất đi trước cuộc sống hiện đại ngày nay”.

Dưới đôi tay của những người trẻ, những câu liễn, câu đối, những nét chữ như có thêm sức sống mới. Những người trẻ đã “thổi hồn” vào thư pháp chữ Việt, duy trì truyền thống ý nghĩa cho chữ ngày xuân và giữ niềm đam mê tìm hiểu những phong tục cổ truyền của dân tộc. Thật đáng trân trọng khi trong nhịp sống hiện đại ngày nay, thế hệ trẻ sau này vẫn duy trì, gìn giữ những giá trị hoài cổ, hướng về nguồn cội cha ông./.

Cát Tường

Chia sẻ bài viết


Cập nhật kqxsmb 30 ngày mở thưởng