Tiếng Việt | English

15/06/2023 - 09:07

Lưu giữ 'hồn chữ Việt'

“Thư pháp” có nghĩa là phép viết chữ đẹp và mẫu mực. Từ loại hình nghệ thuật truyền thống này, thế hệ cha anh ngày trước đã kế thừa và sáng tạo ra phân môn thư pháp chữ Quốc ngữ (còn được gọi là thư pháp chữ Việt) với sự kết hợp hài hòa giữa văn hóa phương Đông và phương Tây khi sử dụng bút lông, mực tàu của thư pháp Hán cùng chữ La-tinh. Dù ra đời muộn nhưng thư pháp chữ Việt đang được nhiều người quan tâm và đón nhận.

Một ngày đầu tháng 6, chúng tôi có dịp tham gia khai giảng lớp thư pháp chữ Việt do Câu lạc bộ (CLB) Thư pháp Thuần Việt huyện Tân Trụ, tỉnh Long An phối hợp UBND xã Lạc Tấn tổ chức với sự tham gia của 30 học viên ở nhiều độ tuổi khác nhau. Đây không chỉ là nơi để những người có cùng đam mê gặp gỡ, trau dồi kỹ năng, chia sẻ kinh nghiệm cho nhau mà còn là nơi hướng dẫn, giúp đỡ những người mới tiếp cận nghệ thuật thư pháp.

“Đây là năm thứ 2 huyện Tân Trụ tổ chức lớp thư pháp chữ Việt nhằm khơi nguồn, lan tỏa niềm đam mê nghệ thuật thư pháp chữ Việt và tạo sân chơi bổ ích cho những người yêu thích bộ môn này trên địa bàn huyện. Thông qua thư pháp thể hiện những suy nghĩ, nội tâm của người viết và giúp người viết rèn sự kiên trì, cẩn trọng, tỉ mỉ, chiêm nghiệm triết lý cuộc sống.

Đồng thời, thông qua khóa học thư pháp góp phần thực hiện chuyên đề năm 2023 về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với nội dung “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng, phát triển văn hóa và con người Long An”” - nguyên Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tân Trụ, Chủ nhiệm CLB Thư pháp Thuần Việt huyện - Trần Văn Đốc cho biết.

Thư pháp - tiếp nối, lưu giữ “hồn chữ Việt”

Mặc dù ở vào độ tuổi “xưa nay hiếm” nhưng nghệ nhân Huỳnh Triều - Chủ nhiệm CLB Thư pháp Hồn Chữ Việt tỉnh, vẫn khao khát giữ lại nét đẹp văn hóa của cha ông để lại. Những ngày cuối tuần, ông lại miệt mài "thổi hồn" thư pháp đến với người yêu thích văn hóa viết chữ bằng bút lông với mong muốn góp phần cho mảnh đất và con người Long An có thêm sắc màu văn hóa. Ông và các thành viên CLB Thư pháp Hồn Chữ Việt là những người góp phần khơi mở cho bộ môn nghệ thuật thư pháp của huyện Tân Trụ, dìu dắt, hướng dẫn 12 học viên của lớp thư pháp đầu tiên tại huyện về các thể loại chữ, kỹ thuật viết cơ bản, phương pháp trình bày, sáng tác,... Hoài bão của ông là mong muốn người dân từ thành thị đến thôn quê đều biết thưởng thức loại hình nghệ thuật thư pháp văn hóa Việt.

Ông Huỳnh Triều cho hay: “Theo đuổi viết thư pháp có những đòi hỏi nhất định, từ năng khiếu, sự kiên nhẫn, rèn luyện không ngừng lẫn tính sáng tạo. Hiện nay, các bạn trẻ theo học và phát triển bộ môn này rất đông. Thư pháp chữ Việt đang được nhiều người đón nhận bởi lối viết gần gũi, dễ đọc, dễ hiểu cùng với mong muốn làm đẹp thêm chữ viết dân tộc, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”.

Ông Trần Văn Đốc cho biết thêm: “Nội dung thư pháp chữ Việt thường là ca dao, tục ngữ, những lời dạy của danh nhân, những bài thơ giàu chất trữ tình,... Mỗi tác phẩm thư pháp chữ Việt tùy vào cảm xúc, suy nghĩ, nội tâm của người viết mà tạo nên, khi là bức thư họa với sắc thái nhẹ nhàng, thanh thoát nhưng có khi lại là bức tranh ảo diệu, khói sương,... khiến người thưởng lãm như lạc vào thế giới nghệ thuật trầm ảo và lắng đọng”.

Ngày nay, viết thư pháp trở thành một nghề và chữ thư pháp phát triển rất đa dạng về phong cách. Mỗi cá nhân là một nét chấm phá riêng, trở thành một thú chơi chữ thú vị dành cho mọi lứa tuổi. Học viên Dương Ngọc Nhứt chia sẻ: “Thư pháp là loại hình văn hóa lành mạnh, giàu tính nghệ thuật nên tôi rất vui khi được chiêu sinh và đăng ký tham gia lớp học. Học và viết được chữ thư pháp không khó nhưng để có một bộ thư pháp đẹp là không phải dễ, đòi hỏi phải có sự khổ luyện, có cả năng khiếu và tâm hồn người viết. Tôi sẽ tích cực học tập dưới sự giúp đỡ, hướng dẫn của thầy cô phụ trách lớp, hoàn thành khóa học với sự đam mê dành cho môn nghệ thuật này”.

Trong thư pháp chữ Việt, việc trao tặng người nhận có lòng trân quý nghệ thuật là góp phần lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Không chỉ hiểu ý nghĩa, cảm nhận cái đẹp trong từng con chữ, luyện thư pháp còn giúp người viết tìm thấy sự cân bằng trong nhịp sống hiện đại, qua sự đồng điệu từ nét bút đến tâm hồn. Đồng thời, thổi vào câu chữ “cái hồn”, từ đó giúp tôn vinh giá trị của tiếng Việt./.

Thanh Mỹ

Chia sẻ bài viết