Tiếng Việt | English

21/07/2016 - 09:12

Virus Zika có “về” đến vùng sâu, vùng xa?

Trong lúc các ngành chức năng đang nỗ lực thực hiện các biện pháp phòng, chống vi-rút Zika xâm nhập vào Việt Nam cũng như phát hiện kịp thời các ca bệnh, thì câu hỏi “vi-rút Zika có “về” đến vùng sâu, vùng xa?” vẫn đang được nhiều người đặt ra, trong đó có cả cán bộ y tế và người dân.

Ngay từ khi các cơ quan truyền thông đại chúng trong và ngoài nước đưa tin về số phụ nữ mắc vi-rút Zika sinh ra những trẻ em bị tật đầu nhỏ ở một số nước trên thế giới thì Bộ Y tế có những thông điệp khuyến cáo người dân về căn bệnh này.

Bên cạnh đó, Bộ cũng ban hành các phác đồ điều trị, chăm sóc nếu có trường hợp mắc căn bệnh do vi-rút Zika. Tiếp theo đó là những lớp tập huấn về chuyên môn cho cán bộ y tế, giám sát hoạt động chuẩn bị trong tình huống có ca bệnh,...

Những phát hiện của các nhà khoa học trên thế giới giúp cuộc chiến chống lại căn bệnh này trở nên dễ dàng hơn, giảm thiểu được số người mắc cũng như hậu quả để lại sau đó.

Tháng 4-2016, trong chương trình giám sát trọng điểm, Bộ Y tế công bố 2 trường hợp nhiễm vi-rút Zika ở Việt Nam (Khánh Hòa và TP.HCM). Từ đây dấy lên nỗi lo về nguy cơ căn bệnh này có thể lan rộng trong cộng đồng. Tuy vậy, thật may là đến hôm nay, chúng ta chưa ghi nhận thêm ca mắc nào khác. Điều này có đồng nghĩa với việc vi-rút Zika khó “về” đến vùng sâu, vùng xa?

“Không có đâu! Vi-rút Zika còn ở xa lắm; làm gì mà tới đây được? Bây giờ nói điều này với người dân, họ không quan tâm bằng nói về bệnh cao huyết áp hay tiểu đường” - Đây là nhận định của một cán bộ y tế xã khi nói về nguy cơ người dân địa phương có thể mắc vi-rút Zika.

Và có thể nhận định trên là đúng khi có 5 người dân được hỏi đều trả lời rằng: “Có nghe đài truyền thanh của xã nói, cũng có xem trên đài truyền hình nói bệnh này gây ra tật đầu nhỏ gì đó ở trẻ em nhưng không rõ lắm vì thấy mình nếu có bệnh cũng không ảnh hưởng gì”. “Nhà cũng có con cháu trong độ tuổi sinh đẻ nhưng tụi nó trẻ, đi đó đi đây, có đứa sống ở thành phố, tụi nó nhiều hiểu biết hơn mình nên tự tụi nó có cách phòng bệnh”.

Nói như thế có nghĩa việc phòng, chống căn bệnh do vi-rút Zika này là của những người trẻ. Và cuộc chiến này có thể sẽ không xảy ra vì vi-rút Zika còn ở xa vùng nông thôn mình lắm?

Trong khi đó, các chuyên gia y tế cho rằng, do tính chất biểu hiện trễ cũng như triệu chứng lâm sàng của nó rất kín đáo, khả năng vi-rút Zika có thể xâm nhập qua tất cả các hàng rào kiểm dịch biên giới. Cho dù những hàng rào có chặt chẽ thế nào đi nữa, chúng ta cũng không thể ngăn ngừa vi-rút Zika xâm nhập được trước sự gia tăng về hoạt động kinh tế, thương mại, giao lưu, du lịch quốc tế trong tình hình hiện nay. 

Các chuyên gia cũng khẳng định, hàng rào chống dịch biên giới ở cửa khẩu, ở sân bay không thể ngăn cản được vi-rút Zika xâm nhập vào Việt Nam. Bởi vì, 80% trường hợp bị nhiễm vi-rút Zika không có triệu chứng, đi qua máy quét kiểm tra thân nhiệt cũng không phát hiện được và về cộng đồng, họ có triệu chứng rất qua loa, không ai để ý tới; cuối cùng, họ là nguồn truyền vi-rút.

Muỗi vằn Aedes truyền dịch bệnh do vi-rút Zika, đồng thời cũng là thủ phạm truyền bệnh sốt xuất huyết. Sự lưu hành của muỗi Aedes là điều kiện lây truyền vi-rút Zika. Hiện chưa có vắc-xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chưa có miễn dịch cộng đồng và đang có sự “hiện diện” của vecto truyền bệnh Aedes. Bên cạnh đó, Việt Nam đang là điểm đến của trung bình 200.000 lượt hành khách nhập cảnh hàng tuần là những thách thức trong công tác phòng, chống dịch do vi-rút Zika xâm nhập và lây lan vào Việt Nam.
Vậy chúng ta đã có câu trả lời cho câu hỏi “Vi-rút Zika có “về” đến vùng sâu, vùng xa?”.

Thanh Bình

Chia sẻ bài viết