Người nuôi tôm cần quan tâm nhiều yếu tố, đặc biệt là môi trường
Tuần qua, nông dân trên địa bàn tỉnh Long An thả nuôi 208ha tôm (tôm sú 80ha; tôm thẻ chân trắng 128ha). Lũy kế đến nay, diện tích thả nuôi tôm trên địa địa bàn tỉnh là 3.488ha, bằng 49,3% kế hoạch (7.080ha), 103,9% so cùng kỳ. Trong đó, diện tích thu hoạch 193ha với sản lượng 375,7 tấn. Lũy kế đến nay, diện tích thu hoạch 2.307,2ha; năng suất bình quân 2,6 tấn/ha với tổng sản lượng 6.066,3 tấn. Theo ngành nông nghiệp, tuần qua, do điều kiện thời tiết thay đổi bất thường nên ở huyện Châu Thành có 6ha tôm thiệt hại do bị sốc môi trường. Tính từ đầu vụ đến nay, có 75,07ha tôm bị thiệt hại (bệnh đốm trắng 11,55ha; hoại tử gan tụy cấp 3,25ha; nghi môi trường 60,27ha), chiếm 2% so với diện tích thả nuôi.
Môi trường ao nuôi là yếu tố quan trọng quyết định rất lớn đến sức khỏe tôm giống và sự thành công của ao nuôi. Để nuôi tôm hiệu quả, Chi cục Chăn nuôi - Thú y và Thủy sản tỉnh khuyến cáo: Người nuôi điều chỉnh các chỉ tiêu môi trường nước gần giống với môi trường trong trại giống để hạn chế sự thay đổi môi trường đột ngột, giúp thả giống đạt tỷ lệ sống cao, tôm có sức khỏe tốt và nhanh chóng thích nghi với môi trường mới từ trại giống chuyển sang ao nuôi. Khi thả nuôi, người nuôi cần quan tâm các chỉ tiêu: Độ mặn, pH, độ kiềm, số lượng vi khuẩn gây hại, nhiệt độ, độ cứng, oxy hòa tan, khí độc NH3, clorin dư, độ đục của nước. Mặt khác, các địa phương phải chủ động theo dõi thời tiết, thủy văn; cập nhật thông tin diễn biến mực nước, độ mặn; làm tốt công tác phòng ngừa, giảm thiểu các nguồn gây ô nhiễm môi trường; tăng cường kiểm soát, phát hiện và xử lý các nguồn xả thải tại các vùng nuôi…; đổi mới công tác tập huấn, tuyên truyền, chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả cảnh báo dịch bệnh đến người nuôi tôm; phối hợp các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh quản lý chặt hơn nữa chất lượng con giống, vật tư đầu vào,...
Huỳnh Phong