Tiếng Việt | English

19/04/2025 - 15:00

Người thầy thuốc đi qua hai cuộc chiến

Trong những ngày tháng tư lịch sử, chúng tôi có dịp được gặp nguyên Giám đốc Sở Y tế - Trung tá, Thầy thuốc Nhân dân (TTND) Trần Tấn Tài. Ông năm nay 91 tuổi đời, 35 tuổi quân và 67 năm tuổi Đảng. Dành trọn cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng và xây dựng quê hương, giờ đây, ông là nhân chứng sống của những ngày tháng hào hùng, những thế hệ cha anh đã không ngại gian khổ, hy sinh để đổi lấy cuộc sống hòa bình, hạnh phúc hôm nay.

Nguyên Giám đốc Sở Y tế - Trung tá, Thầy thuốc Nhân dân Trần Tấn Tài

Sinh ra trong gia đình truyền thống cách mạng nên mới 16 tuổi, bác sĩ Trần Tấn Tài tham gia chống Pháp. Sau một thời gian hoạt động, chàng thanh niên Trần Tấn Tài được tổ chức cử đi học y tá. Từ đó, ông gắn bó với ngành Y, từ kháng chiến chống Pháp đến kháng chiến chống Mỹ, chiến tranh biên giới Tây Nam và cả sau ngày đất nước thống nhất.

Năm 1954, ông được lệnh tập kết ra Bắc để chuẩn bị lực lượng cho công cuộc giải phóng miền Nam. Trong suốt thời gian đó, ông dành trọn thời gian “dùi mài kinh sử” học lên y sĩ rồi bác sĩ. Năm 1963, theo tiếng gọi quê hương, ông cùng Tiểu đoàn Trinh sát đặc công “xẻ dọc Trường Sơn” trở lại chiến trường miền Nam, góp sức mình vào công cuộc giải phóng quê hương.

- Phóng viên (PV): Thưa ông, xin ông chia sẻ về kỷ niệm đặc biệt - có thể là một trận đánh, một ca cứu chữa khó khăn hay sự hy sinh của đồng đội mà đến nay ông vẫn nhớ mãi?

Trung tá, TTND Trần Tấn Tài: Nói về kỷ niệm thì chắc chắn là có rất nhiều nhưng tôi sẽ kể về một lần đội quân y trực diện kẻ thù tại Tây Ninh, lần đó, chúng tôi dù đẩy lùi được chúng nhưng 1 nữ y tá đã hy sinh.

Mùa khô năm 1967, địch càn vào khu căn cứ Bộ Chỉ huy Miền của ta ở Tây Ninh. Cuộc càn dài ngày hơn 1 tháng. Địch lùng sục đánh nơi đóng quân của ta. Sau 10 ngày thì chúng phát hiện và đột kích vào nơi ở của quân y Tiểu đoàn. Sáng đó, chúng tôi như thường ngày, thức dậy sớm, ăn cơm để luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Chúng tôi đang ngồi quây quần uống trà ở bếp Hoàng Cầm thì đồng chí trực gác thông báo Mỹ đến. Anh em nhanh chóng ra hầm công sự chiến đấu. Tôi căn dặn đồng đội của mình nổ súng khi nhìn thấy rõ địch.

Cuộc đấu súng chỉ diễn ra vài phút thì chúng rút đi, chúng tôi thu được 2 dao đi rừng, 3 băng đạn và 1 mũ sắt có vết đạn bắn xuyên qua. Lúc đó, chúng tôi báo về cấp trên để xin viện trợ vì trang bị của quân y không đủ để có thể giữ được trận địa. Trong trận đó, cô Hồng hy sinh. Tới bây giờ, thi thoảng tôi vẫn về thăm lại gia đình và thắp cho cô ấy nén nhang.

- PV: Trong số những trận chiến mà ông tham gia thì trận chiến nào lực lượng quân y phải quyết tâm cao độ để hoàn thành nhiệm vụ?

Trung tá, TTND Trần Tấn Tài: Thực ra thì trong kháng chiến, cán bộ quân y, đảng viên như chúng tôi đều một lòng vì thương binh, vì bộ đội, không ngại gian khổ hay ác liệt. Giai đoạn cuối năm 1974 đầu năm 1975, tôi là đội trưởng đội phẫu thuật, sát cánh cùng đơn vị đánh vào căn cứ của địch ở núi Bà Đen. Đó là trận chiến ác liệt nhưng cuối cùng, chúng ta cũng giành được thắng lợi, buộc địch phải rút lui. Căn cứ truyền tin của Mỹ - ngụy ở núi Bà Đen bị san phẳng, ta làm chủ căn cứ.

Trong trận đó, cán bộ, chiến sĩ ta hy sinh khá nhiều và trạm quân y tiếp nhận, điều trị cho 80 thương binh trong điều kiện thiếu thuốc, vật tư y tế. Chúng tôi vừa lo tải thương, vừa lo thức ăn, nuôi dưỡng, điều trị và chăm sóc, cứu chữa cho anh em. Chỉ riêng việc đưa anh em về tuyến sau cũng đã vô cùng vất vả và nguy hiểm. Đường núi khó đi và địch thì bắn pháo bất ngờ, quân y phải bảo vệ thương binh, đâu thể để họ bị thương thêm lần nữa! Cán bộ quân y là không được ngại bất kỳ điều gì, phải cố gắng khắc phục khó khăn và động viên anh em vừa chiến đấu, vừa làm công tác chăm sóc thương binh.

- PV: Trải qua 2 cuộc chiến vệ quốc, lại còn làm nghĩa vụ quốc tế giúp bạn ở Campuchia, xin ông chia sẻ cảm xúc về ngày hòa bình?

Trung tá, TTND Trần Tấn Tài: Đến giờ, cảm xúc hân hoan, vui sướng vẫn còn nguyên vẹn khi nhắc đến ngày đất nước thống nhất. Tôi may mắn và hạnh phúc vì được chứng kiến ngày hòa bình và được chung tay dựng xây đất nước, nhìn thấy rõ sự thay đổi của quê hương. Không nói đâu xa, ngành Y tế Long An sau giải phóng gần như chẳng có gì, bé nhỏ và thiếu thốn nhiều lắm! Khi trở về tỉnh Long An làm công tác quản lý, tôi chung tay cùng chính quyền, đồng nghiệp thúc đẩy việc xây dựng bệnh viện đa khoa, mua sắm thêm xe cứu thương,... Giờ đây, ngoài Bệnh viện Đa khoa Long An, tỉnh còn có Bệnh viện Đa khoa khu vực Đồng Tháp Mười, nhiều bệnh viện do tư nhân đầu tư cùng hệ thống các trung tâm y tế được đầu tư bài bản. Một sự đổi thay vượt bậc, cũng là nét đẹp của hòa bình.

- PV: Cảm ơn ông đã dành thời gian cho Báo và Đài Phát thanh Truyền hình Long An./.

Quế Lâm (thực hiện)

Chia sẻ bài viết