Tiếng Việt | English

15/12/2024 - 10:00

Người tiêu dùng hướng đến mua sắm tiết kiệm, thiết thực

Còn gần 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, thị trường mua sắm trong tỉnh bắt đầu sôi động. Theo nhận định của Sở Công Thương, nhu cầu tiêu dùng của người dân dịp cuối năm 2024 dự báo tiếp tục chi tiêu tiết kiệm, mua sản phẩm thiết thực, hướng đến sự tiện lợi, tính ứng dụng cao và đa dạng về truyền thống văn hóa trong món quà.

Khi mua sắm cuối năm, người tiêu dùng có xu hướng mua sản phẩm thiết yếu, an toàn cho sức khỏe (Trong ảnh: Khách mua sắm tại SanHaFoodstore (phường 1, TP.Tân An))

Ưu tiên hàng thiết yếu

Năm nay, nhiều người tiêu dùng lên kế hoạch chi tiêu hiệu quả, tiết kiệm. Họ ưu tiên những mặt hàng cần thiết cho nhu cầu gia đình. Ngoài nội trợ, công việc của chị Nguyễn Thị Hồng Nguyên (phường 4, TP.Tân An, tỉnh Long An) mỗi ngày là chăm sóc, đưa đón 2 con đi học. Chồng chị làm kinh doanh tự do, là trụ cột kinh tế chính.

Chị Nguyên nói: “Dù cuối năm chồng tôi bán đắt hàng hơn nhưng vẫn không bằng các năm trước. Do đó, tôi cân đối trong chi tiêu. Trong các khoản chi, tôi ưu tiên việc học của các con (tập, sách, học phí,...) rồi đến nhu yếu phẩm trong nhà, cuối cùng mới nghĩ đến bản thân. Khi mua hàng, tôi thường chọn điểm bán uy tín để an toàn cho sức khỏe”.

Những năm trước đại dịch Covid-19, vào giai đoạn này, sạp bánh, mứt, hạt sấy của chị Tuyến (chợ phường 1, TP.Tân An) đông khách mua hàng. Vài năm gần đây sức mua giảm. Để tăng doanh thu, chị tìm cách bán online, livestream. Nhờ bán buôn uy tín hơn 10 năm nay nên chị có nhiều khách mối.

Chị Tuyến cho biết: “Bánh, mứt cũng là mặt hàng thiết yếu dịp tết, họ mua để cúng ông bà nhưng sức mua không nhiều như trước. Bây giờ, người tiêu dùng có xu hướng mua thực phẩm thiết yếu (gạo, đường, dầu, mắm, muối,...) chứ không chi nhiều tiền cho loại hàng này. Mọi năm vào 20 tết là tôi trữ nhiều hàng để bán nhưng năm nay, tôi sẽ nghiên cứu thị trường, cân nhắc kỹ trước khi ra quyết định”.

Theo chị Nguyễn Như Huỳnh - Cửa hàng trưởng Winmart+ tại xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, mỗi năm vào tháng này, người tiêu dùng bắt đầu mua sắm nhiều. Do gần Tết Dương lịch nên họ cũng chuẩn bị dọn dẹp nhà cửa. Các mặt hàng hóa phẩm như nước lau sàn, chất tẩy rửa,... bán chạy nhất. Khách hàng có tâm lý mua nhiều vào giai đoạn này phòng gần tết giá cả tăng. Họ có xu hướng dùng hàng Việt chất lượng cao. Hiện cửa hàng do chị Huỳnh quản lý có 70% sản phẩm là hàng Việt.

Khách hàng mua sắm tại cửa hàng Winmart+ (xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức)

Năm nay, các doanh nghiệp có đơn hàng trở lại, công nhân có thu nhập nhưng nhiều người cũng chi tiêu kỹ lưỡng để tránh thâm hụt, nhất là khi tết cần về quê. Chị Hồ Thị Cẩm Thy (công nhân Khu công nghiệp Hòa Bình, huyện Thủ Thừa) chia sẻ: “Khi mua sắm cuối năm, tôi thường ưu tiên các mặt hàng bánh, kẹo, mứt và những thực phẩm cần thiết cho dịp tết. Quần áo cho gia đình tôi sẽ mua trước khá lâu, tránh gần tết giá cả tăng, thách giá. Tôi luôn tính chi phí sinh hoạt trong một tháng xem thâm hụt nhiều hay ít để điều chỉnh. Những lúc tăng ca nhiều hoặc khi làm nghề “tay trái” có thêm tiền, tôi sẽ bỏ ống heo hoặc gửi vào thẻ ngân hàng đề phòng rủi ro trong cuộc sống”.

Sở Công Thương triển khai Chỉ thị số 12/CT-BCT, ngày 20-11-2024 của Bộ Công Thương về thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung - cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2024 và dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025. Sở đang tham mưu UBND tỉnh ban hành chỉ thị về tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm. Người tiêu dùng hãy an tâm trải nghiệm mùa mua sắm tết; bình tĩnh trước những thông tin thị trường khi chọn mua sản phẩm, nhất là mua sắm trên sàn thương mại điện tử; kịp thời thông tin phản ánh về Sở Công Thương, các lực lượng chức năng về các hành vi vi phạm quy định kinh doanh, vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng”.

Giám đốc Sở Công Thương - Huỳnh Văn Quang Hùng

An toàn là trên hết

SanHaFoodstore chuyên kinh doanh các ngành hàng thực phẩm tươi sống như thịt gà, vịt, heo, bò. Bên cạnh đó, đơn vị này còn có mặt hàng thủy, hải sản các loại; rau, củ, quả;... Theo chị Lê Thị Thanh Thảo - Cửa hàng trưởng SanHaFoodstore, phường 1, TP.Tân An, riêng mặt hàng thực phẩm, gần cuối năm, người tiêu dùng mua nhiều thịt heo để làm lạp xưởng, tai heo ngâm chua ngọt, chả lụa,…; mua gà làm chả, khô,... nên những mặt hàng này bán rất chạy. Cuối năm, nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng 20-30% so với đầu năm.

Bà Trần Thị Kim Thủy (phường 5, TP.Tân An) là khách hàng thân thiết của SanHaFoodstore, chia sẻ: “Năm nay, tôi mua các mặt hàng thiết yếu nhưng phải xem kỹ nguồn gốc, bảo đảm an toàn mới mua. Khi mua hàng ở San Hà, tôi an tâm về chất lượng, xuất xứ của hàng hóa. Nhân viên ở đây cũng rất nhiệt tình, thân thiện”.

Ở các huyện vùng Đồng Tháp Mười, nhờ hệ thống giao thông ngày càng phát triển nên việc đưa hàng hóa đến tay người dân trở nên dễ dàng hơn. Chị Hồ Thị Phượng Hằng (xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng) nói: “Nhiều năm trước, mua sắm còn khó khăn, bây giờ tốt hơn nhiều. Chợ ở xã cũng có đầy đủ các mặt hàng với mẫu mã đẹp, giá cả phải chăng. Khi mua hàng, dù thực phẩm, quần áo hay đồ gia dụng, tôi luôn chú ý đến nguồn gốc sản phẩm, không mua hàng trôi nổi trên thị trường. Tôi cũng ưu tiên dùng hàng Việt để ủng hộ sản phẩm nước nhà”.

Khi mua sắm cuối năm, người tiêu dùng có xu hướng mua sản phẩm thiết yếu, an toàn cho sức khỏe

Hiện nay, nhu cầu mua sắm online của người dân ngày càng tăng. Nhược điểm của loại hình mua bán này là người mua không được trực tiếp quan sát, dùng thử sản phẩm. Do đó, dễ xảy ra tình trạng hàng không vừa ý, nguy hiểm hơn là một số đối tượng lợi dụng cơ hội lừa đảo.

Anh Nguyễn Quang Liêm (xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức) cho biết: “Sau đại dịch Covid-19, tôi có xu hướng mua hàng online. Trước nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi của bọn lừa đảo, tôi lại càng phải cảnh giác, nghiên cứu kỹ trước khi mua. Năm nay, tôi dành dụm tiền, định mua một chiếc điện thoại. Tôi sẽ tìm hiểu thật kỹ, tìm địa chỉ bán uy tín, vì đó là số tiền tôi tích cóp rất lâu mới có được”.

Mua sắm online dần trở thành xu hướng của nhiều người tiêu dùng

Nhìn chung, năm nay, người dân chỉ mua những thứ thật sự cần thiết. Các đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh chủ động cân đối danh mục sản phẩm, cải tiến chất lượng, mẫu mã đẹp, giá cả hợp lý, đáp ứng đa dạng nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng của khách hàng./.

Muốn bán được hàng thì việc nắm thị hiếu, nhu cầu của khách hàng rất quan trọng. Chúng tôi thường khảo sát vấn đề trên để đưa ra hướng kinh doanh phù hợp. Dịp cuối năm, nếu khách hàng chuộng mặt hàng nào thì chúng tôi sẽ đẩy mạnh mặt hàng đó, kèm theo những chương trình bình ổn, khuyến mại hấp dẫn”.

Cửa hàng trưởng Winmart+, xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức - Nguyễn Như Huỳnh

Khi mua sắm, tôi luôn lựa chọn song song giữa mua online và truyền thống. Hình thức nào cũng có ưu, khuyết điểm, tùy trường hợp mà tôi sẽ chọn cách nào. Tôi lưu ý nhiều đến hạn sử dụng của sản phẩm, nhất là hàng thực phẩm. Ngoài ra, để tiết kiệm chi phí, tôi còn chịu khó săn sale để có được giá tốt”.

Chị Hồ Thị Cẩm Thy - công nhân Khu công nghiệp Hòa Bình, huyện Thủ Thừa

Châu Thanh

Chia sẻ bài viết