Tiếng Việt | English

12/06/2019 - 15:09

Người ươm những mầm xanh

"Có những lần mệt mỏi muốn bỏ cuộc nhưng nghĩ đến cái "tâm" người giáo viên (GV) thì tôi có thêm động lực và trách nhiệm trong việc rèn đạo đức, dạy tri thức cho những "đứa con" của mình. Bởi, tôi luôn xác định, sứ mệnh của GV là cho đi và không cần nhận lại. Phần thưởng lớn nhất với tôi là những "đứa con" của mình khôn lớn, trưởng thành và cập bến bờ tri thức".

Đó là tâm sự của cô Lê Hoàng Yến - GV Trường Tiểu học Mai Thị Non (huyện Bến Lức, tỉnh Long An), người trót yêu nghề giáo và nặng lòng với học sinh (HS).

Cô Lê Hoàn Yến (thứ 2, phải qua) đoạt giải nhất Hội thi Giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp tiểu học, cấp tỉnh
Cô Lê Hoàng Yến (thứ 2, phải qua) đoạt giải nhất Hội thi Giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp tiểu học, cấp tỉnh

Hết lòng vì học sinh 

Chọn nghề GV tiểu học, cô Yến xác định rõ trách nhiệm của mình rất quan trọng - vừa rèn đạo đức, dạy tri thức, vừa truyền cảm hứng, khơi gợi tinh thần học tập, tạo đà cho HS trong những năm học kế tiếp. Do đó, trong mỗi tiết dạy, cô luôn tận tâm, tận lực vì HS. Trước mỗi bài dạy, cô chuẩn bị rất kỹ để biết mục đích, yêu cầu, cũng như kỹ năng mà HS cần đạt được sau bài học. Khi lên lớp, cô luôn tạo không khí thật thoải mái, không gò bó, ép buộc HS, giúp các em tiếp thu bài một cách tự nhiên và dễ hiểu nhất.

Bên cạnh đó, cô Yến còn kết hợp nhiều phương pháp giảng dạy, đặc biệt là thiết kế bài dạy theo giáo án điện tử và tương tác để HS trực tiếp tương tác với bài học. Cô Yến cho biết: "Dù dạy giáo án bình thường, điện tử hay tương tác thì phương pháp lấy HS làm trung tâm luôn được chú trọng.

Theo đó, tôi giới thiệu những kiến thức mới để tạo sự tò mò cho HS, từ đó các em tự tìm tòi câu trả lời. Các em có thể thoải mái nêu lên suy nghĩ, ý kiến của mình dù đúng hoặc sai, nhận xét ý kiến của các bạn hoặc tranh luận để bảo vệ ý kiến của mình. Cuối cùng, tôi là người chốt lại kiến thức đúng cho các em. Nhờ cách học này, HS khắc sâu kiến thức hơn, đồng thời rèn luyện khả năng tư duy, phản biện".

Ngoài ra, cô Yến còn áp dụng nhiều trò chơi để tiết học thêm sinh động, HS thích thú học tập hơn. Qua đó, HS vừa được củng cố kiến thức, vừa hình thành nhiều kỹ năng cần thiết trong cuộc sống như: Phản xạ linh hoạt, tinh thần đoàn kết, làm việc nhóm, rèn luyện trí nhớ,... Và các tiết học của cô Yến không giới hạn trong phạm vi không gian lớp học mà có thể mở rộng ra sân trường hoặc những chuyến trải nghiệm thực tế.

Không chỉ chú trọng dạy kiến thức, cô Yến còn quan tâm giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho HS. Ngoài việc giảng dạy lồng ghép nội dung giáo dục đạo đức, kỹ năng sống trong môn học theo quy định, cô còn chú trọng giáo dục kỹ năng ứng xử hàng ngày của HS, giúp các em vừa tự phục vụ bản thân, vừa tự bảo vệ mình.

Cô Yến chia sẻ: "Với HS lớp 1, hầu hết phụ huynh đều nghĩ con mình còn nhỏ nên chăm sóc rất kỹ. Các em không thể tự mặc quần áo, đi vệ sinh, và phải được đút ăn. Do đó, tôi phải rèn lại từ đầu năm học. Theo đó, tôi hướng dẫn chậm, kỹ, giúp đỡ 1-2 lần đầu và tập, động viên các em cố gắng hoàn thành ở những lần sau. Cứ thế, tôi tăng dần mức yêu cầu cho các kỹ năng khác".

Trong giờ học, cô Yến còn cho HS đóng vai một số tình huống có thể gặp trong cuộc sống hàng ngày và cho các em tự xử lý. Từ đó, cô góp ý và hướng dẫn HS cách làm đúng. Nhờ mỗi ngày học một ít mà HS mạnh dạn, tự tin, ngoan hơn và cô Yến được phụ huynh tin cậy hơn.

Cô Yến luôn hết lòng vì học trò của mình

Cô Yến luôn hết lòng vì học trò của mình

Những kỷ niệm khó quên

9 năm gắn bó, mỗi năm học là một "chuyến đò" với bao kỷ niệm khó quên cùng học trò thân yêu. Một trong những kỷ niệm mà cô Yến nhớ nhất là về cậu học trò tên Nguyễn. 

Những ngày đầu vào lớp 1, Nguyễn ngày nào cũng khóc, vừa đến lớp là bỏ chạy về. Vậy là, mỗi ngày, cô Yến phải vào lớp sớm hơn một chút để giữ Nguyễn. Cũng như mọi ngày, cô đang giữ Nguyễn thì em bỗng vùng mạnh rồi bỏ chạy. Cố gắng đuổi theo, cô vừa nắm được tay của Nguyễn thì em cũng dùng hết sức cắn tay cô. Mẹ Nguyễn và nhiều phụ huynh thấy và chạy tới can thì em ấy mới buông ra. Nhìn cánh tay rươm rướm máu, cô Yến vừa đau, vừa giận và muốn buông xuôi với Nguyễn.

Cô Yến tâm sự: "Về đến nhà, tôi suy nghĩ rất nhiều về Nguyễn và cái "tâm" của người GV. Càng nghĩ, tôi càng không cho phép mình bỏ cuộc. Tôi bắt đầu tìm hiểu thì biết cha mẹ Nguyễn ly hôn. Em thường bị cha đánh sau mỗi lần say rượu và chỉ cảm thấy an toàn khi ở với mẹ. Vậy là từ đó, tôi quyết tâm giúp Nguyễn hòa nhập với bạn bè, môi trường mới và “người mẹ” là tôi". 

Nhờ những phương pháp sư phạm trong học tập, sinh hoạt, vui chơi và sự quan tâm, động viên, trò chuyện hàng ngày của cô Yến, Nguyễn dần thay đổi và không còn khóc nữa. Mỗi buổi sáng, Nguyễn đều tự đi vào lớp, chăm chỉ học tập và vui chơi hòa đồng với bạn. Cô Yến tâm sự thêm: "Thay đổi được Nguyễn là niềm vui, hạnh phúc lớn nhất mà tôi có được từ khi gắn bó với nghề đến nay. Tôi nhớ mãi cái ôm hôm Nguyễn chuyển trường theo mẹ về Đồng Tháp. Em khóc nức nở và nói “con không muốn đi, con muốn học với cô Yến thôi”. Hình ảnh đôi bàn tay nhỏ xíu vẫy chào tôi trong nước mắt vẫn còn in sâu trong tâm trí tôi như vừa mới hôm qua".

Và còn rất nhiều kỷ niệm khác mà chỉ người GV mới có được. Hè về, xa học trò thân yêu cô Yến lại nhớ các em. Cô nhớ những câu hỏi ngây thơ “con có thể gọi cô là mẹ không?" hay những câu chuyện bên lề lớp học, lời khen cô trò dành cho nhau. 

Hết lòng vì HS, cô Yến được ghi nhận với nhiều thành tích: Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh giai đoạn 2013-2015; đoạt giải nhất Hội thi GV dạy giỏi cấp tỉnh cấp tiểu học năm học 2015-2016; giải nhất “Kế hoạch bài học” Hội thi GV dạy giỏi cấp tỉnh cấp tiểu học năm học 2015-2016; giải nhất Hội thi GV chủ nhiệm lớp giỏi cấp tiểu học cấp tỉnh lần thứ nhất, năm học 2018-2019; bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh năm học 2017-2018,... 

Có một nghề mà bụi phấn bám đầy tay
 Người ta bảo đó là nghề trong sạch nhất
Có một nghề không trồng cây vào đất
Mà mang lại cho đời "trái ngọt hoa thơm".

Nghề giáo là vậy đó và cô Yến cũng vậy - người luôn âm thầm ươm những mầm xanh./.

Ngọc Thạch

Chia sẻ bài viết