Tiếng Việt | English

02/06/2022 - 08:40

Người Việt Nam ngày càng tin dùng hàng Việt Nam

Cuộc vận động (CVĐ) “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã tạo sự thay đổi mạnh mẽ về nhận thức và hành động của người tiêu dùng (NTD). Những năm gần đây, tâm lý “sính ngoại” từng bước được đẩy lùi, NTD ngày càng tin dùng hàng Việt Nam.

Hiện nay, hàng Việt Nam được bán rất nhiều ở trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng bán lẻ trên toàn tỉnh

Phát huy vai trò của cơ quan thường trực

Với vai trò Thường trực Ban Chỉ đạo (BCĐ) CVĐ, UBMTTQ Việt Nam tỉnh Long An luôn tích cực thực hiện CVĐ bằng những việc làm, hành động cụ thể, nhất là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sự thay đổi nhận thức, phát huy lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn của dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng. Theo đó, kế hoạch phối hợp tổ chức triển khai, thực hiện CVĐ được triển khai đến cơ sở và cộng đồng dân cư gắn với nội dung của CVĐ “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và các phong trào thi đua yêu nước khác do MTTQ và các tổ chức thành viên phát động.

Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam TP.Tân An - Lê Thành Phước cho biết, MTTQ thành phố tham mưu Thành ủy củng cố, kiện toàn BCĐ CVĐ bảo đảm số lượng, thành phần; tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức triển khai, thực hiện CVĐ. Mặt khác, MTTQ và các tổ chức thành viên tích cực phối hợp các cơ quan liên quan đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, đoàn viên, hội viên và nhân dân từng bước thay đổi nhận thức, hành vi sản xuất và tiêu dùng, ưu tiên dùng hàng Việt Nam, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển. MTTQ thành phố còn phối hợp BCĐ CVĐ tổ chức các hội chợ, triển lãm hàng Việt; xây dựng tin, bài tuyên truyền về CVĐ trên hệ thống truyền thanh; vận động các quầy tạp hóa ở địa phương tăng cường quảng bá hàng Việt chất lượng cao thông qua việc làm đại lý cho các doanh nghiệp (DN); một số khu dân cư, hộ gia đình còn gương mẫu đăng ký sử dụng hàng Việt.

Các sản phẩm chế biến từ chanh của Công ty Cổ phần Thương mại và Đầu tư Chanh Việt Long An

Tại huyện Tân Thạnh, UBMTTQ Việt Nam huyện tham mưu Thường trực Huyện ủy ban hành quyết định kiện toàn BCĐ, Tổ giúp việc BCĐ; xây dựng kế hoạch tuyên truyền CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2022 trên địa bàn huyện. “Ngoài ra, huyện còn vận động các quầy tạp hóa trên địa bàn tăng cường quảng bá hàng Việt chất lượng cao để người dân dễ tiếp cận; tiếp tục duy trì phối hợp tổ chức phiên chợ hàng Việt về nông thôn. Ban Thường trực UBMTTQ các xã, thị trấn phối hợp xây dựng mô hình: Người dân sử dụng đạm Phú Mỹ trong sản xuất nông nghiệp, Phiên chợ đêm,...” - Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam huyện Tân Thạnh - Nguyễn Văn Chung thông tin.

Bên cạnh đó, MTTQ Việt Nam các cấp còn phối hợp tổ chức thành viên xây dựng video tuyên truyền sản phẩm tiêu biểu của tỉnh; thường xuyên đăng tải các thông tin về thị trường, giá cả hàng hóa, nhu cầu kết nối tiêu thụ sản phẩm, các chương trình xúc tiến thương mại trực tuyến,... lên trang thông tin điện tử. Đồng thời, tuyên truyền, vận động DN trên địa bàn tỉnh phát huy vai trò, trách nhiệm trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa dịch vụ.

Từng bước chinh phục người tiêu dùng

Đã lập gia đình và có 2 con nhỏ (bé trai 4 tuổi, bé gái 2 tuổi), chị Trần Nguyễn Kim Khánh (phường 1, TP.Tân An) chuộng mua các sản phẩm tại cửa hàng Con Cưng, đây là địa chỉ chuyên về ngành hàng dành riêng cho trẻ em. Theo chị Khánh, nếu trước đây, chị chủ yếu mua hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ từ Thái Lan thì 5 năm trở lại đây, chị bắt đầu sử dụng và tin dùng các sản phẩm hàng Việt Nam.

Chị Khánh cho biết: “Bên cạnh yếu tố giá cả thì hiện nay chất lượng hàng Việt Nam đã được nâng lên rất nhiều. Trang phục cho trẻ em có kiểu dáng đa dạng, chất liệu mềm mại, nhẹ, thấm hút mồ hôi, tạo cho trẻ cảm giác thoải mái. Ngoài ra, tôi thấy cửa hàng khá linh hoạt hình thức mua sắm, mọi người có thể mua sắm online, hàng hóa sẽ được giao đến tận nhà. Trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhờ hình thức mua sắm trực tuyến nên tôi mua được các nhu yếu phẩm cho con. Hiện nay, ngoài quần áo, các mặt hàng tã lót, sữa, đồ chơi,... tôi cũng chọn mua hàng Việt”.

Các cơ quan, đơn vị, mạnh thường quân sử dụng các sản phẩm hàng Việt Nam làm quà tặng (Trong ảnh: Tặng quà người dân có hoàn cảnh khó khăn tại huyện Tân Trụ)

Nhiều năm đảm nhận công việc nội trợ, chị Nguyễn Thị Kim Ngân (xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ) tin dùng các sản phẩm hàng Việt. Chị Ngân chia sẻ: “Hiện nay, các mặt hàng tiêu dùng hàng ngày do các DN Việt Nam sản xuất đã được cải tiến rõ rệt. Mẫu mã sản phẩm bắt mắt, trên bao bì có ghi rõ nguồn gốc, xuất xứ, hạn sử dụng, cách bảo quản và chế biến nên tôi rất yên tâm. Ngoài ra, chất lượng sản phẩm ngon hơn, giá cả khá phù hợp với túi tiền của người dân. Trung bình mỗi tuần, tôi đến Co.opmart Tân An mua sắm 1 lần. Rau xanh, trái cây, thịt, cá, đồ hộp, sữa,... là các sản phẩm tôi thường mua”.

Hiện nay, hàng Việt Nam không chỉ được bán ở trung tâm thương mại, siêu thị mà còn xuất hiện tại các cửa hàng bán lẻ với nhiều chủng loại đa dạng như thực phẩm, đồ gia dụng, quần áo, đồ dùng cho mẹ và bé,…

Chung tay, tiếp sức hàng Việt

Thời gian qua, Sở Công Thương triển khai, thực hiện Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh trong tình hình mới và năm 2022.

Phó Giám đốc Sở Công Thương - Châu Thị Lệ cho biết, Sở đã triển khai, thực hiện các kế hoạch, chương trình thực hiện Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021-2025; Chỉ thị số 03-CT/TW, ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với CVĐ trong tình hình mới của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, BCĐ, Bộ Công Thương;...

Các sản phẩm đạt chuẩn OCOP ngày càng được tin tưởng và đón nhận

Theo đó, Sở đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân, DN; rà soát, đề xuất, kiến nghị ban hành, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất, tiêu dùng, bảo vệ NTD; phát triển hệ thống phân phối hàng Việt Nam cố định và bền vững; nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng Việt Nam, DN Việt Nam; nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và bảo vệ NTD.

Được biết, trong phát triển hệ thống phân phối hàng Việt Nam cố định và bền vững, Sở Công Thương sẽ mời gọi đầu tư hạ tầng thương mại nhằm tạo điều kiện mở rộng kênh phân phối hàng Việt trên địa bàn tỉnh; xây dựng, thiết lập hệ thống các điểm bán hàng Việt Nam tại các siêu thị, chợ, khu vực tập trung đông dân cư, khu, cụm công nghiệp, các tuyến, điểm phục vụ khách du lịch đến tham quan, vùng nông thôn, vùng biên giới.

Đồng thời, Sở tổ chức, xây dựng phiên chợ cuối tuần; xây dựng các chương trình kết nối cung - cầu hàng Việt tại các tỉnh, thành phố nhằm quảng bá các sản phẩm hàng hóa của tỉnh đến NTD cả nước; hỗ trợ phân phối theo hình thức thương mại điện tử trên các sàn giao dịch thương mại điện tử; thường xuyên thông tin thị trường, kết nối sản phẩm của tỉnh với các hệ thống phân phối, các nhà xuất, nhập khẩu trong và ngoài nước.

Cũng theo bà Lệ, Sở thường xuyên phối hợp thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh, phân phối hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không bảo đảm an toàn thực phẩm, vi phạm sở hữu trí tuệ, vi phạm kinh doanh theo phương thức đa cấp và các hành vi vi phạm khác trong sản xuất, kinh doanh. Sở phối hợp tăng cường hoạt động bảo vệ quyền lợi của NTD; tiếp nhận và xử lý kịp thời thông tin phản ánh các vấn đề liên quan đến sản phẩm, DN.

Năm 2021, BCĐ 389 tỉnh kiểm tra 4.889 vụ, có 2.680 vụ vi phạm; trong đó, vi phạm kinh doanh vận chuyển hàng lậu 1.113 vụ, hàng kém chất lượng 20 vụ, hàng giả nhãn 2 vụ, hàng giả phân bón 7 vụ, gian lận thương mại 1.538 vụ; thu nộp ngân sách 179 tỉ đồng.

Thời gian qua, CVĐ đạt kết quả tích cực, nâng cao ý thức, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, DN, hàng hóa Việt Nam trên thị trường nội địa. Ngoài ra, CVĐ còn tác động tích cực đến toàn xã hội, giúp NTD nhận thức đầy đủ hơn về trách nhiệm, quyền lợi của NTD; giúp các DN và giới doanh nhân nhận thức đầy đủ và sâu sắc hơn về trách nhiệm của DN đối với sự phát triển kinh tế của tỉnh nói riêng, cả nước nói chung trong điều kiện hội nhập quốc tế./.

Hoài An

Chia sẻ bài viết