Tiếng Việt | English

26/08/2021 - 10:18

Để 'Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam'

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã góp phần quảng bá, kích cầu những sản phẩm chất lượng cao của Việt Nam, đưa hàng Việt đến gần với người tiêu dùng hơn. Hiện nay, tỉnh tiếp tục tập trung các giải pháp nhằm tháo gỡ vướng mắc để cuộc vận động ngày càng đi vào chiều sâu, nhất là trong tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.

Người tiêu dùng ưu tiên chọn hàng Việt (Ảnh tư liệu)
Người tiêu dùng ưu tiên chọn hàng Việt (Ảnh tư liệu)

Tạo lòng tin với người tiêu dùng 

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh được các cấp lãnh đạo quan tâm. Trải qua hơn 11 năm thực hiện, hàng hóa “made in Việt Nam” ngày càng chiếm được lòng tin của người tiêu dùng trong nước. Nhiều người ưu tiên lựa chọn hàng Việt khi đến mua sắm tại các siêu thị, chợ, điểm bán hàng,... Tâm lý và thói quen mua sắm của người dân cũng thay đổi, từ chuộng hàng ngoại sang chuộng hàng Việt. 

"Hàng hóa trong nước bây giờ phong phú, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và dễ dàng tra cứu các thông tin thông qua việc quét mã truy xuất nguồn gốc. Hiện nay, tình hình dịch bệnh phức tạp, hàng hóa trong nước trở thành lựa chọn số một”. 

Trần Thị Huyền, ngụ ấp Mới, xã Bình Tân, thị xã Kiến Tường

Gia đình bà Trần Thị Huyền (ấp Mới, xã Bình Tân, thị xã Kiến Tường) sống ở địa bàn biên giới nên thường sử dụng hàng ngoại được nhập về từ Campuchia. Nhưng khoảng 5 năm trở lại đây, gia đình bà thay đổi thói quen mua sắm và ưu tiên lựa chọn hàng Việt.

“Hàng hóa trong nước bây giờ phong phú, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và dễ dàng tra cứu các thông tin thông qua việc quét mã truy xuất nguồn gốc. Hiện nay, tình hình dịch bệnh phức tạp, hàng hóa trong nước trở thành lựa chọn số một” - bà Huyền chia sẻ.

Còn bà Đỗ Thị Năm (ấp Bình Thạnh, xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ) cho biết: Một số cửa hàng, chợ trên địa bàn có bày bán hàng hóa nước ngoài nhưng gia đình ít khi lựa chọn mà chủ yếu chọn mua hàng trong nước. Hàng hóa trong nước bảo đảm chất lượng, bao bì đẹp, giá cả phù hợp. Hơn nữa, có thể kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ dễ dàng. Nhận được sự tin tưởng từ người tiêu dùng, hàng hóa trong nước không ngừng được đổi mới, nâng cao chất lượng, số lượng, mẫu mã,... để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Đại diện cơ sở sản xuất và chế biến đậu phộng Hữu Lộc (huyện Đức Hòa) cho biết: “Uy tín, chất lượng, phục vụ người tiêu dùng tốt nhất là những tiêu chí quan trọng hàng đầu của cơ sở. Sản phẩm của cơ sở có mã vạch thông tin về sản phẩm. Trong điều kiện bình thường, sản phẩm Hữu Lộc có mặt hầu hết các tỉnh, thành trong nước. Mỗi năm, cơ sở cung ứng ra thị trường khoảng 150 tấn sản phẩm làm từ đậu phộng. Hiện nay, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến tất cả hoạt động, việc sản xuất, kinh doanh của cơ sở cũng gặp khó khăn nhất định. Tuy nhiên, đây là tình hình chung nên chúng tôi cố gắng cầm cự. Đồng hành cùng địa phương chống dịch, cơ sở chủ động phối hợp các hội, đoàn thể hỗ trợ, trao tặng các sản phẩm làm quà cho các khu vực cách ly, phong tỏa trên địa bàn”.

Nhiều sản phẩm của Long An chinh phục được người tiêu dùng

Nhiều sản phẩm của Long An chinh phục được người tiêu dùng 

“Tiếp sức” cho hàng Việt

Thông tin từ Sở Công Thương, hơn 11 năm thực hiện, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã tiếp cận, giới thiệu đến người tiêu dùng những sản phẩm chất lượng. Cuộc vận động tạo được niềm tin và thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng, từ việc chuộng sử dụng hàng ngoại sang ưu tiên dùng hàng trong nước. Qua đó, tạo điều kiện cho hàng Việt phát triển, góp phần ổn định thị trường, phát triển kinh tế, kiềm chế lạm phát,... Thời gian qua, hàng Việt không ngừng được nâng cao về chất lượng, chiếm lĩnh thị trường trong nước và ngày càng thâm nhập sâu, rộng vào thị trường khu vực, quốc tế. Từ chỗ vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, đến nay, tỉnh có nhiều sản phẩm chinh phục được người tiêu dùng như gạo, thanh long, chanh không hạt, nước mắm Vĩnh Hương, sản phẩm đậu phộng Hữu Lộc, mắm ruốc Ba Buôi, cơ khí Lamico, gạch Đồng Tâm,...

Để cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ngày càng đi vào chiều sâu, Sở thực hiện nhiều giải pháp, tập trung phát triển thị trường trong nước, đẩy mạnh lưu thông hàng hóa, nâng cao tính kết nối giữa sản xuất với tiêu thụ theo chuỗi cung ứng”.

Phó Giám đốc Sở Công Thương - Châu Thị Lệ

Tuy nhiên, hiện nay, tình hình dịch Covid-19 bùng phát mạnh tác động xấu đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và gây đứt gãy chuỗi cung ứng. Trong nước, nhiều chợ, doanh nghiệp, cửa hàng,... ngừng hoạt động, lưu thông khó khăn kể cả trong tỉnh, sức mua thấp, thị trường xuất khẩu khó khăn, một số nơi dừng nhập khẩu trong khi nhiều nông sản thu hoạch rộ với sản lượng lớn khó tiêu thụ ngay. Một số mặt hàng thiếu đầu mối giao - nhận nên gặp khó khăn trong kết nối tiêu thụ. Sức mua thường tập trung vào một số nhóm hàng: Trứng, gạo, rau, củ có thể để lâu; còn lại các nhóm hàng khác tiêu thụ chậm hoặc khó tiêu thụ. 

Phó Giám đốc Sở Công Thương - Châu Thị Lệ thông tin: Tháo gỡ các vướng mắc để cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ngày càng đi vào chiều sâu, Sở thực hiện nhiều giải pháp, tập trung phát triển thị trường trong nước, đẩy mạnh lưu thông hàng hóa, nâng cao tính kết nối giữa sản xuất với tiêu thụ theo chuỗi cung ứng.

Trong đó, Sở thường xuyên đăng tải các thông tin về thị trường, giá cả hàng hóa, thông tin, nhu cầu kết nối tiêu thụ sản phẩm, các chương trình xúc tiến thương mại trực tuyến, tình hình cửa khẩu biên giới đến các doanh nghiệp,... lên trang thông tin điện tử của Sở; tuyên truyền về Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2021, Luật Cạnh tranh, Ngày Thương hiệu Việt Nam,... Cung cấp thông tin đầu mối cung ứng hàng hóa, nhất là hàng hóa nông sản của tỉnh đến Bộ Công Thương, tham tán thương mại tại các nước, các tỉnh, thành phố, các hiệp hội, doanh nghiệp để kết nối tiêu thụ; giới thiệu doanh nghiệp Long An tham gia bình ổn thị trường các tỉnh, thành phố, nhất là TP.HCM, TP.Hà Hội.

Điểm bán hàng bình ổn giá không chỉ hỗ trợ người dân mà còn góp phần đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng (Ảnh tư liệu)

Điểm bán hàng bình ổn giá không chỉ hỗ trợ người dân mà còn góp phần đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng (Ảnh tư liệu)
Mặt khác, Sở phối hợp các sàn thương mại điện tử, các doanh nghiệp, hợp tác xã cung ứng hàng hóa qua sàn thực hiện đóng hàng tại kho doanh nghiệp. Hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện giải pháp truy xuất nguồn gốc điện tử cho các sản phẩm đặc trưng của tỉnh. Kết nối các hộ dân với các doanh nghiệp, hợp tác xã trong tỉnh như hệ thống Co.opmart, San Hà, Bách Hóa Xanh, Bưu điện Long An, Hợp tác xã Mỹ Thạnh, các hộ kinh doanh trong tỉnh để tiêu thụ hàng hóa nông sản.

Bên cạnh đó, Sở còn xây dựng các video clip tuyên truyền các sản phẩm tiêu biểu, quảng bá sản phẩm chủ lực của tỉnh; tổ chức gian hàng trưng bày và tiêu thụ sản phẩm của tỉnh tại Phú Quốc, An Giang, điểm dừng chân Đồng Tháp tại huyện Thạnh Hóa,... Chuyển các hoạt động xúc tiến thương mại sang hình thức thương mại điện tử, kết nối trực tuyến; phát huy tối đa group Zalo giao thương các tỉnh, Zalo Hiệp hội Doanh nghiệp Long An, Zalo Đồng hương Long An,... để quảng bá, kết nối tiêu thụ; giới thiệu sản phẩm nông sản lên Sàn Postmart, Voso, Lazada, Tiki, Sendo,... 

Đồng thời, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia bán hàng bình ổn tại điểm cố định, lưu động; kết nối vào các đơn vị cung cấp suất ăn sẵn,... Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện nhiều chương trình khuyến mại, kích cầu tiêu dùng trong nước; hỗ trợ các đơn vị cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân, các khu vực bị phong tỏa, bệnh viện dã chiến, khu cách ly tập trung,...; hỗ trợ kịp thời thực hiện trên 50 điểm bán hàng bình ổn phục vụ nhu cầu của người dân theo đề nghị của các địa phương./.

Châu Sơn

Chia sẻ bài viết