Tiếng Việt | English

29/09/2016 - 16:15

Nhân lực qua đào tạo, có tay nghề

Nguồn cung trong thu hút đầu tư

Ngoài vị trí địa lý thuận lợi, cải thiện môi trường đầu tư và đầu tư phát triển hạ tầng thì trong thu hút đầu tư, Long An còn rất chú trọng đào tạo nguồn nhân lực. Việc đào tạo nguồn nhân lực, nhất là lao động qua đào tạo nghề, có tác phong công nghiệp góp phần bảo đảm nguồn “cung” trong thu hút đầu tư, đáp ứng nhu cầu lao động có tay nghề cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước khi đi vào sản xuất, kinh doanh.


Học nghề góp phần cung cấp lao động qua đào tạo nghề trong thu hút đầu tư

Đào tạo gắn với nhu cầu

Toàn tỉnh hiện có 35 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, chiếm 31,43%. Từ năm 2011 đến nay, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh đào tạo hơn 112.800 học sinh, sinh viên (bình quân hàng năm tuyển sinh khoảng 20.000 học sinh, sinh viên).

Hiện tại, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở địa bàn tỉnh đào tạo trên 100 nghề với các cấp trình độ: Cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và đào tạo thường xuyên thuộc 3 khu vực: Nông, lâm, thủy sản; công nghiệp, xây dựng; thương mại, dịch vụ.

Theo Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - Phạm Văn Bốn, cơ cấu ngành nghề đào tạo từng bước được điều chỉnh gắn với yêu cầu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Ngoài những nghề truyền thống, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp mở thêm những nghề mới mà doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp và thị trường lao động có nhu cầu. Việc chuyển hướng đào tạo không những đáp ứng nhu cầu công việc của doanh nghiệp mà còn giúp người lao động có điều kiện tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm sau đào tạo. Kết quả, trên 90% học sinh, sinh viên tốt nghiệp trường nghề có việc làm, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh năm 2015 đạt 60,21% và tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 40,13%, đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ IX.


Năm 2015, Long An có hơn 987.600 người trong độ tuổi lao động, chiếm gần 66% so với dân số của tỉnh

Trường Trung cấp Nghề Đức Hòa đang đào tạo 15 ngành nghề: Cắt gọt kim loại, chế tạo thiết bị cơ khí, công nghệ ôtô, điện công nghiệp, cơ điện tử,... với hơn 2.000 học sinh theo học các hệ trung cấp, sơ cấp và đào tạo thường xuyên. Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề Đức Hòa - Lê Quốc Hùng cho biết: “Với số lượng 20 khu, cụm công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn huyện Đức Hòa thì số học sinh tốt nghiệp Trường Trung cấp Nghề Đức Hòa chưa đủ đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, so với lúc trước, những năm gần đây, nguồn lao động khi vào làm việc tại các doanh nghiệp đều đáp ứng tốt công việc và bắt kịp công nghệ vì đã qua đào tạo, có tay nghề”.

Trong giai đoạn 2011-2015, trường được đầu tư 3 nghề trọng điểm cấp quốc gia: Công nghệ ôtô, chế tạo thiết bị cơ khí và kỹ thuật máy nông nghiệp với tổng kinh phí hơn 110 tỉ đồng nên máy móc có thể đáp ứng tốt việc học, thực hành của học sinh.

Bên cạnh đào tạo nguồn lao động có tay nghề, trường còn chú trọng đào tạo tác phong công nghiệp cho học sinh để vừa tạo uy tín, chất lượng đào tạo của trường, vừa tăng mức độ hài lòng của doanh nghiệp khi sử dụng nguồn lao động này.


Ngày hội việc làm – cầu nối để lao động qua đào tạo, có tay nghề có cơ hội tìm việc phù hợp nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp

Tiếp tục chú trọng đào tạo nghề

Năm 2015, Long An có hơn 987.600 người trong độ tuổi lao động, chiếm gần 66% so với dân số của tỉnh. Khi tỉnh phát triển mạnh về kinh tế thì đây là lực lượng quan trọng để phát huy sức mạnh, là nguồn “cung” trong thu hút đầu tư.

“Nhìn chung, trình độ học vấn của lao động đang làm việc được cải thiện. Hàng năm, nhóm lao động có trình độ học vấn THCS và THPT tăng, cao hơn mức trung bình của các tỉnh khu vực Tây Nam bộ và tương đương với mức trung bình của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Lao động tốt nghiệp THPT trở lên là 19,5%, lao động tốt nghiệp THCS là 24,1%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo của lực lượng lao động tăng từ 50% năm 2010 lên trên 60% năm 2015. Bình quân, hàng năm, tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng 2%. Sở dĩ, nguồn lao động ngày càng đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp vì thời gian qua, ngoài đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị, nâng cao trình độ, kỹ năng cán bộ quản lý, giáo viên thì các cơ sở giáo dục nghề nghiệp mạnh dạn đào tạo nghề từ hướng “cung” sang hướng “cầu” của thị trường lao động,...” - ông Phạm Văn Bốn cho biết.

Đáp ứng việc phát triển kinh tế, nhất là trong lĩnh vực thu hút đầu tư của tỉnh, Long An rất cần nguồn lao động qua đào tạo và có tay nghề. Vì vậy, theo ông Bốn, thời gian tới, ngành tiếp tục tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp nhằm nâng cao nhận thức, thu hút học sinh vào học nghề. Đồng thời, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp tỉnh Long An đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 theo cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo phù hợp với quy hoạch phát triển nhân lực, đáp ứng nhu cầu nhân lực có tay nghề của thị trường lao động. 

Với nguồn nhân lực qua đào tạo, có tay nghề, có tác phong công nghiệp sẽ phần nào mang đến sự an tâm, hài lòng cho doanh nghiệp khi quyết định đầu tư sản xuất, kinh doanh vào tỉnh Long An./.

Thùy Hương

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích