Tiếng Việt | English

05/02/2016 - 21:08

Ngành Lao động-Thương binh và Xã hội với công tác đào tạo nghề - giải quyết việc làm

Với chức năng, nhiệm vụ của mình, những năm qua, ngành Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) làm tốt công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần phát triển kinh tế-xã hội tỉnh nhà.


Học sinh thực tập tại trường nghề

Những kết quả khả quan

Hiện nay, công tác dạy nghề có bước phát triển nhanh cả về quy mô và chất lượng. Năm 2010, toàn tỉnh có 30 cơ sở dạy nghề, đến năm 2015 tăng lên 36 cơ sở (24 công lập, 12 ngoài công lập). Trong đó, có 3 trường cao đẳng nghề, 6 trung cấp nghề, 7 trung tâm dạy nghề, 15 đơn vị công lập, 5 doanh nghiệp có tham gia dạy nghề. Có 4 trường được Bộ LĐ-TB&XH đầu tư 12 nghề trọng điểm (2 nghề cấp độ quốc tế, 2 nghề cấp độ khu vực, 8 nghề cấp độ quốc gia). Đến nay, cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề phần lớn được đầu tư công nghệ tiên tiến, góp phần tăng quy mô, nâng chất lượng đào tạo nghề cho lao động (LĐ). Đội ngũ giáo viên dạy nghề không ngừng tăng về số lượng, được bồi dưỡng nâng cao chất lượng. Có 100% giáo viên đạt chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm theo quy định và 100% giáo viên có trình độ tin học, ngoại ngữ phù hợp để ứng dụng vào giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

Năm 2015, các cơ sở tuyển sinh đào tạo 18.000/17.150 LĐ, đạt 105% kế hoạch. Tỷ lệ LĐ qua đào tạo đạt 60%, trong đó đào tạo nghề trên 40%, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu LĐ của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Chất lượng dạy nghề chuyển biến, gắn với thị trường LĐ. Các cơ sở dạy nghề triển khai nhiều hình thức dạy và học, bước đầu thực hiện tuyển sinh theo yêu cầu doanh nghiệp. Các hình thức liên kết giữa cơ sở với doanh nghiệp được phát triển ở nhiều địa phương, đáp ứng nhu cầu học nghề của thanh niên và nông dân. Tỷ lệ LĐ có việc làm sau đào tạo đạt trên 85%, uy tín và thương hiệu các trường nghề từng bước được nâng lên.

Tín hiệu vui

Ngày 1-7-2015, Luật Giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực thi hành, tạo điều kiện thuận lợi cho một số trường nghề trong công tác tuyển sinh, khắc phục tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”. Nếu như những năm trước đây, Trường Trung cấp Nghề Đồng Tháp Mười rất vất vả trong công tác tuyển sinh, mỗi năm chỉ tuyển được 16 học sinh thì năm nay, trường tuyển được 156/120 học sinh; Trung cấp Nghề Cần Giuộc tuyển 234/170 học sinh; Cao đẳng Nghề Long An tuyển 416/300 học sinh; Trung cấp Nghề Đức Hòa 557/550 học sinh;... Nhìn chung, năm 2015, các trường nghề tuyển sinh hệ trung cấp đều đạt và vượt chỉ tiêu.


Người lao động đến đăng ký, phỏng vấn tìm việc làm trực tiếp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Long An

Nhiều năm qua, Trường Trung cấp Nghề Đức Hòa, huyện Đức Hòa là một trong những cơ sở dạy nghề gắn với giải quyết việc làm và nhu cầu doanh nghiệp. Hiệu trưởng trường - Lê Quốc Hùng cho biết, trường chủ động thiết lập quan hệ với hơn 40 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để tạo điều kiện cho học sinh vừa học, vừa thực tập. Ông cho rằng, Luật Giáo dục nghề nghiệp ra đời tạo nhiều thuận lợi cho các trường nghề.

Thứ nhất, học sinh tốt nghiệp THCS khi qua học nghề không phải đóng học phí. Thứ hai, thời gian đào tạo rút ngắn lại so với trước đây. Thứ ba, học sinh được quyền lựa chọn học văn hóa hoặc không học văn hóa; vấn đề này không bắt buộc nữa. Các em sẽ được cấp bằng trung cấp chứ không phải là trung cấp nghề.
Từ năm 2007 đến nay, ngành LĐ-TB&XH chỉ đạo tổ chức sàn giao dịch việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Long An. Thông qua đó, hằng năm, các phiên giao dịch giải quyết việc làm cho từ 4.500-5.000 LĐ.

Đồng thời, tiến hành xây dựng cơ sở dữ liệu cung - cầu LĐ của tỉnh và tổ chức điều tra, cập nhật hằng năm. Trên cơ sở đó, triển khai thị trường LĐ thông qua nhiều kênh: Đài truyền thanh, sàn giao dịch việc làm, website sàn giao dịch việc làm, thông tin tư vấn trực tiếp tại các địa phương, nhằm tạo điều kiện cho người LĐ tiếp cận kịp thời nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Những năm gần đây, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của tiến bộ khoa học-kỹ thuật, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong thu thập, xử lý, phân tích thông tin thị trường LĐ bước đầu đem lại một số kết quả khả quan. Việc hình thành website LĐ-việc làm cung cấp các thông tin về thị trường LĐ, cung - cầu, quan hệ LĐ, đẩy mạnh giải quyết việc làm.

Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH - Võ Thành Trí thông tin, vấn đề khó khăn hiện nay là chất lượng, ngành nghề, số lượng học sinh được đào tạo ra trường chưa thật sự đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Các văn bản dưới luật, hướng dẫn triển khai Luật Giáo dục nghề nghiệp chưa được ban hành nên chưa phổ biến rộng rãi,... Thời gian tới, ngành tiếp tục tập trung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên giảng dạy; đẩy mạnh đầu tư máy móc, nhà xưởng,... đáp ứng yêu cầu giáo dục. Các cơ sở dạy nghề cần gắn chặt với doanh nghiệp, đưa học sinh thực tập nhằm tiếp cận máy móc để các em có kiến thức, tay nghề khi ra trường thích ứng với yêu cầu của doanh nghiệp, giúp công tác giải quyết việc làm được dễ dàng hơn./.

- Năm 2015, tỉnh giải quyết việc làm cho 31.000 LĐ, đạt 103,3% kế hoạch, tăng 1,42% so với cùng kỳ năm 2014. Giai đoạn 2011-2015, tạo việc làm cho trên 156.000 LĐ, vượt chỉ tiêu kế hoạch 5 năm; giảm tỷ lệ thất nghiệp trong khu vực thành thị từ 4,3% năm 2010 còn 3,8% năm 2015. 
- Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 7,37% năm 2011 còn 2,98% cuối năm 2014, bình quân giảm 1-1,5%/năm, hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội trước 1 năm (chỉ tiêu đến cuối năm 2015 dưới 3%). 
- Kế hoạch 5 năm 2016-2020, ngành đề ra một số chỉ tiêu: Giải quyết việc làm cho 150.000 LĐ; tỷ lệ LĐ qua đào tạo đạt 70%, trong đó, tỷ lệ qua đào tạo nghề đạt 55%; tỷ lệ hộ nghèo dưới 3% theo tiêu chí mới.

Nguyệt Nhi

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích