Nhiều người cho rằng, việc cai nghiện thuốc lá hiện là vấn đề nan giải đối với người đã có thói quen hút thuốc, đặc biệt là những người bị nghiện thuốc. Tuy nhiên, vẫn có người tự bỏ thuốc được và họ đều cho rằng việc cai nghiện thuốc thật sự không khó.
Anh N.V.L, ngụ xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An đã hút thuốc trên 10 năm. Mỗi khi hút thuốc là bị vợ, con phàn nàn và anh cũng cảm thấy sức khỏe mình ngày càng đi xuống nên anh đã quyết định bỏ thuốc.
Anh N.V.L chia sẻ kinh nghiệm bỏ thuốc: Nếu muốn cai thuốc lá thì người nghiện phải bỏ thói quen hút thuốc vào những thời điểm sau khi ăn, lúc uống cafe, trong giao tiếp, các bữa tiệc,... Đặc biệt, người nghiện phải có ý chí và quyết tâm mới thực hiện được, đồng thời khi quyết định bỏ thì bỏ ngay không nên để từ từ sẽ khó bỏ. Sau khi cai nghiện thành công, tôi thấy mình ăn ngon hơn, ngủ dễ hơn và sức khỏe cũng tốt hơn trước rất nhiều.
Mặc dù Việt Nam đã có Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (năm 2012), nhưng việc phòng, chống tác hại của thuốc lá còn gặp nhiều bất cập. Mặt khác, ý thức tuân thủ quy định cấm hút thuốc lá còn hạn chế, hoạt động quảng cáo, tiếp thị trực tiếp sản phẩm thuốc lá còn diễn ra phổ biến,...
Theo số liệu thống kê của ngành Y tế, mỗi năm trên thế giới có 6 triệu người chết vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá. Hiện tỷ lệ người hút thuốc có xu hướng giảm tại các nước phát triển và gia tăng ở các nước đang phát triển.
Riêng Việt Nam là nước nằm trong nhóm 15 nước có số người hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới. Tỷ lệ nam giới trưởng thành (từ 15 tuổi trở lên) hút thuốc là 47,4% (trung bình cứ 2 nam giới có 1 người hút thuốc). Theo đó, có 33 triệu người không hút thuốc bị tiếp xúc thụ động với khói thuốc tại nhà; 5 triệu người không hút thuốc bị tiếp xúc thụ động với khói thuốc tại nơi làm việc. Vì vậy, nước ta đã và đang chịu gánh nặng khổng lồ về sức khỏe và kinh tế do thuốc lá gây ra.
Giám đốc Sở Y tế - Thạc sĩ, bác sĩ Lê Thanh Liêm cho biết: Trong khói thuốc lá chứa 6.000 đến 7.000 chất độc hóa học gây hại sức khỏe, khoảng 60 chất gây ung thư, chất phụ gia (amoniac), các bon mô-nô-xít và nicotin (đây là chất gây nghiện, 1 điếu thuốc chứa 1 -3mg nicotin). Vì vậy, hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ chính gây ra bệnh ung thư phổi, thanh quản, hầu, miệng, phế quản, bàng quang, bao tử…; nguy cơ gây bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và các bệnh tim mạch.
Hút thuốc lá cũng gây hại cho hàng ngàn người không hút thuốc (hút thuốc thụ động). Ngoài ra, một số bằng chứng đáng tin cậy đã kết luận những người hút thuốc có tỷ lệ tinh trùng dị dạng cao hơn. Điều này có thể dẫn tới sẩy thai, thai nhi bị dị tật bẩm sinh hoặc gây biến chứng khi sinh,...
Việc cai thuốc lá không khó, quan trọng là người hút phải nhận thức được tác hại nguy hiểm của thuốc lá đối với sức khỏe bản thân, ảnh hưởng đối với những người xung quanh cũng như ảnh hưởng kinh tế gia đình./.
An Hòa