Tiếng Việt | English

15/07/2022 - 10:02

Nhanh chóng đóng cửa các hầm đất đã khai thác

Tỉnh Long An chỉ đạo, yêu cầu các ngành chức năng, địa phương tăng cường phối hợp, tổ chức thực hiện đóng cửa mỏ các hầm đất khai thác xong theo kế hoạch đã triển khai.

Tỉnh tập trung một số nhiệm vụ để đẩy nhanh việc đóng cửa mỏ các hầm đất khai thác xong

Tỉnh tập trung một số nhiệm vụ để đẩy nhanh việc đóng cửa mỏ các hầm đất khai thác xong

Việc đóng cửa mỏ các hầm đất còn chậm so với tiến độ

Nhiều hầm đất xuất hiện trong quá trình lấy đất san lấp các cụm, tuyến dân cư vượt lũ trước đây đã tạo nên những hố rộng hàng chục hécta, tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ mất an toàn. Việc quản lý, đóng cửa các hầm đất đã khai thác dù được thực hiện nhưng vẫn còn bất cập, hạn chế nhất định. Một số nơi chưa thật sự quan tâm, còn buông lỏng trong quản lý dẫn đến những tai nạn đau lòng,... Đây là hồi chuông cảnh báo về công tác quản lý nhà nước lĩnh vực này. Theo ông Nguyễn Hùng Dũng (phường 3, thị xã Kiến Tường), địa phương có nhiều hầm đất hàng chục hécta, mặc dù có rào chắn, trồng cây, cắm biển báo,... nhưng chúng tôi vẫn lo lắng khi sống ở khu vực xung quanh. Thiết nghĩ, cơ quan chức năng cần có biện pháp quyết liệt hơn nữa trong công tác đóng cửa mỏ các hầm đất để người dân yên tâm, tránh những tai nạn đáng tiếc.

Theo Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thị xã Kiến Tường - Huỳnh Thanh Tâm, việc đóng cửa mỏ các hầm đất, địa phương đã hỗ trợ biển báo cho các xã để cảnh báo. Một số mỏ có trồng cây để che chắn. Địa phương thường xuyên tuyên truyền để người dân không bơi lội, tắm giặt gần hầm đã khai thác xong; đồng thời, trồng cây, làm hàng rào che chắn để bảo đảm an toàn cho người dân trong khu vực. Tuy nhiên, công tác quản lý vẫn còn những khó khăn. Hiện nay, thị xã tập trung phối hợp các đơn vị để đóng cửa theo đúng chỉ đạo của UBND tỉnh. Thống kê trên địa bàn có 67 hầm đất đã khai thác xong, trong đó có 8 hầm đất khai thác có phép, 59 hầm khai thác không phép. Các hầm đất chủ yếu phục vụ công trình san lấp cụm, tuyến dân cư vượt lũ vào năm 2002-2003 theo chủ trương chung. Trong 59 hầm đất khai thác không phép, có 17 hầm khai thác là đất công và hiện do nhà nước quản lý. 42 hầm khai thác trên đất của dân và thuộc quyền sở hữu của hộ gia đình, cá nhân, hiện cũng có quyết định thu hồi và giao cho UBND các xã, phường quản lý. Các hầm đất chủ yếu phục vụ nhu cầu tưới, tiêu vào mùa khô, địa phương cũng đã xin ý kiến để kêu gọi đầu tư vào các hầm đất để tạo nguồn thu ngân sách.

Thông tin từ Phòng TN&MT huyện Tân Thạnh, trên địa bàn huyện có 70 hầm đất đã khai thác xong, phân bố đều tại các địa phương của huyện. Các hầm đất này trước đây phục vụ khai thác đất làm cụm, tuyến, khu dân cư và hầu hết không được cấp phép. Huyện đã đo đạc, xác định mốc ranh làm cơ sở đề xuất UBND tỉnh cho chủ trương đấu giá đất mặt nước, đến nay đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương thực hiện với 10 hầm đất, diện tích khoảng 34ha.

Phó Giám đốc Sở TN&MT - Nguyễn Tân Thuấn thông tin: UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai đóng cửa mỏ các hầm đất khai thác xong trên địa bàn. Sở phối hợp các sở, ban, ngành và địa phương liên quan tập trung tổ chức thực hiện kế hoạch. Đến nay, cơ bản hoàn thành công tác phối hợp rà soát, thống kê, phân loại các hầm đất trên địa bàn tỉnh làm cơ sở để thực hiện thủ tục chỉnh lý đất đai; kiểm tra hiện trạng hầm đất đang quản lý trên địa bàn; xây dựng kế hoạch vận động người sử dụng đất thực hiện giao trả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và trả lại đất cho Nhà nước quản lý theo quy định. Tuy nhiên, việc thực hiện kế hoạch đóng cửa mỏ vẫn còn gặp một số khó khăn nhất định và chậm tiến độ so với yêu cầu. Sở TN&MT tiếp tục phối hợp chặt chẽ UBND cấp huyện để đôn đốc, nhắc nhở, hướng dẫn UBND cấp huyện thực hiện nghiệp vụ chuyên môn, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành đóng cửa mỏ hầm đất theo tiến độ của UBND tỉnh giao.

Đẩy nhanh tiến độ

UBND tỉnh vừa ban hành Văn bản số 5836/UBND-KTTC về việc đẩy nhanh tiến độ hoàn thành đóng cửa mỏ và đấu giá đất cho thuê mặt nước tại các hầm đất trên địa bàn tỉnh.

Theo đánh giá, thời gian qua, tiến độ thực hiện còn rất chậm. Cụ thể: Còn 188 hầm đất chưa hoàn thành chỉnh lý biến động đất đai, thu hồi đất, thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để lập thủ tục đóng cửa mỏ; chưa xây dựng phương án đấu giá đất mặt nước đối với các trường hợp đã được UBND tỉnh đồng ý chủ trương đấu giá cho thuê đất mặt nước; chậm đề xuất danh sách hầm đất để đấu giá cho thuê đất mặt nước,... dẫn đến công tác quản lý hầm đất tại các địa phương chưa thực hiện theo đúng chỉ đạo của UBND tỉnh.

Trước thực tế trên, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành tỉnh và UBND cấp huyện tập trung thực hiện ngay một số nội dung để hoàn thành đóng cửa mỏ theo kế hoạch. Đối với UBND cấp huyện, về vấn đề các hầm đất chưa hoàn thành đóng cửa mỏ: UBND cấp huyện tập trung chỉ đạo rà soát, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành chỉnh lý biến động đất đai, thu hồi đất, thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo chỉ đạo của UBND tỉnh. UBND cấp huyện phải xác định công tác đóng cửa mỏ các hầm đất là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022 của địa phương để chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn.

Đối với các hầm đất đã đóng cửa mỏ, UBND cấp huyện thực hiện ngay việc đo đạc xác định diện tích, cắm mốc ranh cụ thể, cập nhật quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại các hầm đất gắn với yêu cầu phát triển KT-XH của địa phương; lập danh sách đề xuất đấu giá cho thuê đất mặt nước đối với các hầm đất trên theo đúng quy định để tạo nguồn thu ngân sách nhà nước, tránh lãng phí tài sản công; UBND cấp huyện phải bảo đảm “đất sạch” tại các hầm đất trước khi đề xuất cho chủ trương đấu giá cho thuê đất mặt nước.

Đối với các hầm đất đã được UBND tỉnh cho chủ trương đấu giá cho thuê đất mặt nước, UBND cấp huyện đẩy nhanh tiến độ hoàn thành phương án đấu giá và các thủ tục tiếp theo để tổ chức triển khai đấu giá cho thuê đất mặt nước theo chỉ đạo của UBND tỉnh và theo đúng các quy định của pháp luật hiện hành. Trường hợp chậm tiến độ hoàn thành các nội dung trên làm ảnh hưởng đến công tác quản lý hầm đất trên địa bàn, nhất là ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất và an toàn của người dân xung quanh khu vực hầm đất thì Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh.

Về công tác tuyên truyền, nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, UBND cấp huyện thực hiện tuyên truyền trên đài truyền thanh cấp huyện và các hình thức tuyên truyền khác phù hợp với tình hình thực tế của địa phương nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về đất đai, khoáng sản, môi trường trong công tác đóng cửa mỏ tại các hầm đất, cũng như góp phần bảo vệ sự an toàn của người dân sống xung quanh khu vực hầm đất chưa được đóng cửa mỏ.

UBND tỉnh giao Sở TN&MT theo dõi, đôn đốc và kịp thời hướng dẫn chuyên môn để UBND cấp huyện thực hiện nhiệm vụ như trên; tổng hợp, tham mưu, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, thực hiện theo quy định. Chủ trì, phối hợp Sở Tài chính thẩm định, xác định phương án đấu giá đất mặt nước tại các hầm đất mà UBND cấp huyện đề xuất để kịp thời trình UBND tỉnh cho chủ trương thực hiện.

Sở Tài chính có nhiệm vụ phối hợp Sở TN&MT hướng dẫn UBND cấp huyện thực hiện thủ tục đấu giá cho thuê đất mặt nước tại các hầm đất. Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Sở TN&MT hướng dẫn UBND cấp huyện thường xuyên thực hiện nội dung tuyên truyền trên đài truyền thanh cấp huyện và các hình thức tuyên truyền phù hợp khác để nâng cao ý thức của người dân trong việc chấp hành pháp luật về đất đai, khoáng sản, môi trường,... cũng như góp phần bảo vệ sự an toàn của người dân sống xung quanh hầm đất chưa được đóng cửa mỏ. Phối hợp, hướng dẫn các cơ quan thông tấn, báo chí trên địa bàn tỉnh thực hiện đưa tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Nhà nước về thực hiện đóng cửa mỏ, bàn giao địa phương quản lý các hầm đất đã khai thác xong.

Tỉnh tập trung một số nhiệm vụ để đẩy nhanh việc đóng cửa mỏ các hầm đất khai thác xong

Tỉnh tập trung một số nhiệm vụ để đẩy nhanh việc đóng cửa mỏ các hầm đất khai thác xong

Đối với Báo Long An, Đài Phát thanh và Truyền hình Long An chủ động xây dựng chương trình, nội dung đưa tin theo hướng dẫn của Sở Thông tin và Truyền thông, Sở TN&MT để tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đất đai, khoáng sản, môi trường,... góp phần hoàn thành công tác đóng cửa mỏ các hầm đất theo chỉ đạo của UBND tỉnh.

Đến nay, tỉnh đã thu hồi và chỉnh lý về đất đai 441 hầm đất (707ha); các hầm đất còn lại đang được các địa phương tiếp tục thực hiện chỉnh lý đất đai và thu hồi đất. Các địa phương tập trung đo đạc xác định mốc ranh làm cơ sở đề xuất UBND tỉnh cho chủ trương đấu giá đất mặt nước, đến nay, có 2/10 địa phương được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương, gồm: Huyện Tân Thạnh với 10 hầm đất, diện tích khoảng 34ha và huyện Thủ Thừa với 4 hầm đất, diện tích khoảng 11ha.

6 tháng đầu năm 2022, tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải khu vực đô thị đạt 100%. Tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải khu vực nông thôn theo chỉ tiêu được giao năm 2022 (70%): 6 tháng đầu năm đạt 67%; ước 6 tháng cuối năm sẽ thực hiện đạt chỉ tiêu giao. Tỷ lệ khu, cụm công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung chỉ tiêu được giao năm 2022 (98%): 6 tháng đầu năm đạt 97%; ước 6 tháng cuối năm đạt chỉ tiêu giao./.

Sơn Quê

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích