Các nhiệm vụ khoa học và công nghệ được triển khai hiệu quả
Trong năm 2022, Sở KH&CN triển khai 9 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh, 5 nhiệm vụ KH&CN cấp cơ sở, nhân rộng mô hình 9 nhiệm vụ và các nhiệm vụ chuyển tiếp của năm 2021, tổng kinh phí thực hiện 16,8 tỉ đồng. Đối với công tác hỗ trợ nhân rộng kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng tiến bộ công nghệ, đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh, Sở phê duyệt và ký hợp đồng hỗ trợ 2 nhiệm vụ; tổ chức nghiệm thu 7 nhiệm vụ (6 nhiệm vụ cấp tỉnh và 1 cấp cơ sở). Các nhiệm vụ KH&CN được triển khai mang lại hiệu quả KT-XH như nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế trên một số sản phẩm chủ lực và triển khai Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021-2025. Qua đó, góp phần thúc đẩy tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.
Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ tạo lập, quản lý và quảng bá chỉ dẫn địa lý đối với những nông sản chủ lực của tỉnh
Hoạt động KH&CN cơ sở ngày càng thuận lợi và đạt những kết quả nhất định, đóng góp vào sự phát triển KT-XH địa phương. Các đề tài được triển khai phù hợp với tình hình thực tế, đa số các mô hình ứng dụng vào sản xuất và đời sống mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Phòng Kinh tế, Kinh tế và Hạ tầng các địa phương thường xuyên phối hợp các phòng, đơn vị chuyên môn của Sở KH&CN thanh, kiểm tra chất lượng hàng hóa, kiểm tra về an toàn bức xạ trên địa bàn. Hoạt động đo lường đối chứng, công tác bảo quản và kiểm định bàn cân đối chứng cũng được thực hiện tốt, mang lại hiệu quả thiết thực cho người tiêu dùng.
Góp phần quản lý tốt công nghệ các dự án đầu tư
Hoạt động quản lý công nghệ góp phần tham mưu UBND tỉnh quản lý tốt công nghệ các dự án đầu tư. Trong năm 2022, Sở KH&CN phối hợp các sở, ngành có liên quan tổ chức thẩm định và cho ý kiến về công nghệ đối với 87 dự án đầu tư, góp phần cùng các cơ quan tiếp nhận đầu tư và quản lý môi trường trong nhiệm vụ quản lý nhà nước về công nghệ, đảm bảo đúng quy định của Luật Chuyển giao công nghệ và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
Công tác quản lý sở hữu trí tuệ được chú trọng. Trong năm, Sở KH&CN hỗ trợ DN trên địa bàn tỉnh đăng ký xác lập bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với 44 nhãn hiệu, 2 kiểu dáng công nghiệp và các thủ tục pháp lý liên quan; hỗ trợ 19 hợp tác xã đăng ký nhãn hiệu tập thể cho các đặc sản của tỉnh. Đồng thời, Sở cũng hỗ trợ việc phát triển, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm chủ lực của tỉnh theo Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 thông qua việc triển khai, thực hiện các đề tài: Tạo lập, quản lý và quảng bá chỉ dẫn địa lý Bến Lức Long An cho quả chanh không hạt tỉnh Long An; tạo lập, quản lý và quảng bá chỉ dẫn địa lý Bến Kè cho củ khoai mỡ của huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An; tạo lập, quản lý và quảng bá nhãn hiệu chứng nhận Nếp Thủ Thừa cho sản phẩm nếp của huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An. Bên cạnh đó, hoạt động quản lý nhà nước về an toàn bức xạ và hạt nhân cũng được chú trọng.
Tăng cường công tác quản lý Nhà nước lĩnh vực khoa học và công nghệ
Công tác thanh, kiểm tra được quan tâm tổ chức, triển khai, thực hiện nghiêm túc, đúng quy trình, quy định. Trong năm 2022, các đơn vị trực thuộc Sở KH&CN thanh, kiểm tra tại 113 cơ sở về lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường chất lượng, nhãn hàng hóa và an toàn bức xạ trên địa bàn tỉnh. Qua đó, góp phần phát hiện, ngăn ngừa và kiến nghị xử lý các vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và trên thị trường, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước lĩnh vực KH&CN ở địa phương.
Năm 2022, Sở KH&CN xây dựng và triển khai kế hoạch khảo sát, thống nhất nội dung tham gia Chương trình Quốc gia hỗ trợ DN nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2022 đối với 28 DN trên địa bàn tỉnh. Sở tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ các DN tham gia Giải thưởng Chất lượng Quốc gia, kết quả Hội đồng sơ tuyển đề nghị Hội đồng quốc gia xét tặng Giải vàng Chất lượng Quốc gia năm 2022 cho 3 DN.
Hội đồng sơ tuyển Giải thưởng Chất lượng Quốc gia tỉnh Long An
Việc áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 được triển khai, thực hiện đầy đủ, nghiêm túc; đã hoàn thành việc triển khai xây dựng và áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 tại 188/188 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh vào cuối năm 2019. Hiện nay, các xã, phường, thị trấn tiếp tục duy trì và cải tiến Hệ thống quản lý chất lượng phù hợp tiêu chuẩn ISO 9001:2015. Đặc biệt, có 42/42 (100%) cơ quan hành chính cấp tỉnh và đơn vị hành chính cấp huyện (thuộc diện bắt buộc) bảo đảm thực hiện chuyển đổi từ việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2008 sang áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2015.
Cùng với những kết quả nổi bật trong hoạt động nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KH&CN, trong năm qua, công tác quản lý nhà nước về KH&CN được tăng cường. Tỉnh ban hành các văn bản về KH&CN bám sát chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.
Trong năm 2022, Sở kịp thời tham mưu, trình UBND tỉnh ban hành các văn bản cụ thể hóa các quy định của Trung ương về KH&CN. Đồng thời, Sở phối hợp chặt chẽ các sở, ban, ngành, đoàn thể tham mưu dự thảo các nghị quyết, quyết định, kế hoạch của Tỉnh ủy, UBND tỉnh triển khai các nghị quyết của Trung ương, Tỉnh ủy, Ban Cán sự UBND tỉnh đảm bảo chất lượng và tiến độ thời gian. Sở tập trung lãnh, chỉ đạo, điều hành các phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc bám sát nhiệm vụ được UBND tỉnh giao, tổ chức triển khai, thực hiện kịp thời.
Đặc biệt, Sở tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 60/2022/QĐ-UBND, ngày 31/10/2022 của UBND tỉnh về việc triển khai, thực hiện Nghị quyết số 11/2022/NQ-HĐND, ngày 13/7/2022 của HĐND tỉnh về quy định nội dung chi và mức chi hỗ trợ đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh Long An đến năm 2030; Quyết định triển khai thực hiện Nghị quyết số 103/NQ-HĐND, ngày 09/12/2021 của HĐND tỉnh về việc ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực sự nghiệp KH&CN; Kế hoạch triển khai Đề án “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ DN nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; Quyết định thành lập và Quy chế làm việc của Ban Chỉ huy và Đội ứng phó đầu tiên phục vụ ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân cấp tỉnh;...
Nhiệm vụ trọng tâm năm 2023
Trên cơ sở những kết quả trong năm 2022, năm 2023, Sở KH&CN tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền đến các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh về các chủ trương, chính sách, pháp luật liên quan KH&CN và đổi mới sáng tạo, trọng tâm là Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2030; nội dung phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo theo Quy hoạch tỉnh đến 2030, tầm nhìn đến 2050; tập trung đẩy mạnh triển khai các chương trình, đề án quốc gia về KH&CN và đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh: Chương trình hỗ trợ DN nâng cao năng suất, chất lượng; chương trình phát triển tài sản trí tuệ; chương trình hỗ trợ DN nâng cao năng suất, chất lượng; chương trình đổi mới công nghệ;...
Sở KH&CN tiếp tục cụ thể hóa, triển khai, thực hiện các quy định liên quan đến chủ trương đổi mới công tác quản lý về KH&CN, nhất là các nhiệm vụ khoa học, công nghệ sử dụng ngân sách, theo hướng đẩy mạnh tính ứng dụng, lấy DN, người dân làm trọng tâm; tiếp tục cải cách hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý, điều hành và trong giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, công dân; tăng cường công tác quản lý nhà nước về KH&CN và đổi mới sáng tạo, nhất là công tác thanh, kiểm tra về tiêu chuẩn, đo lường chất lượng, sở hữu trí tuệ, góp phần chống gian lận thương mại;.../.
Gia Hân