Từ đầu năm 2020 đến tháng 7/2022, lực lượng chức năng đã phát hiện, thu giữ hơn 11kg heroin, 63kg ma túy tổng hợp, 26,3kg cần sa,... (Ảnh minh họa)
Chưa có sự phối hợp đồng bộ
Long An có đường biên giới dài với nhiều đường mòn, lối mở, việc qua lại biên giới rất thuận tiện, lại tiếp giáp với TP.HCM - đây là địa bàn tiêu thụ, trung chuyển ma túy lớn nhất cả nước, nên các đối tượng tập trung hoạt động mạnh.
Trong nội địa, tình hình sử dụng, chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy cũng diễn biến hết sức phức tạp, nhất là việc sử dụng ma túy tổng hợp tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự như quán bar, karaoke hoặc thuê căn hộ, căn biệt thự biệt lập để tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.
Trước tình hình trên, Ban Giám đốc Công an tỉnh đã lãnh, chỉ đạo công tác phòng, chống, kiểm soát ma túy thường xuyên, liên tục và đến tận cơ sở. Lực lượng chuyên trách phòng chống ma túy mở nhiều đợt cao điểm tấn công tội phạm.
Từ đầu năm 2020 đến tháng 7/2022, lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ 513 vụ, 636 đối tượng mua bán, tàng trữ, tổ chức sử dụng, vận chuyển trái phép chất ma túy, tăng 203,5% so với giai đoạn trước (513/168 vụ); thu giữ hơn 11kg heroin, 63kg ma túy tổng hợp, 26,3kg cần sa, 400 triệu đồng và nhiều vật chứng, phương tiện, tài sản liên quan khác.
Mặc dù vậy, theo nhận định của ngành Công an, công tác đấu tranh triệt phá chỉ mới đánh được “khúc giữa” (chỉ bắt được các đối tượng vận chuyển thuê), chưa xử lý được cả băng nhóm tội phạm, nhất là các đối tượng chủ mưu, cầm đầu đường dây tội phạm ma túy.
Đại tá Phạm Thanh Tâm - Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết, tội phạm ma túy hoạt động ngày càng tinh vi, phức tạp, lợi dụng các địa bàn giáp ranh để ẩn náo, hoạt động; nhiều đối tượng phạm tội về ma túy là người từ địa phương khác đến hoạt động, gây khó khăn cho công tác phát hiện, đấu tranh. Trong khi đó, lực lượng chuyên trách làm nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống ma túy quân số còn ít, chưa tương xứng với tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn.
Kinh phí hạn chế, chủ yếu sử dụng nguồn kinh phí thường xuyên do Bộ Công an cấp hàng năm; trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống ma túy chưa đáp ứng yêu cầu,... cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến kết quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm liên quan ma túy. Ngoài ra, sự vào cuộc của hệ thống chính trị chưa thật sự quyết liệt, còn xem đây là nhiệm vụ của riêng ngành Công an.
Tiếp tục tăng cường các giải pháp
Theo Đại tá Phạm Thanh Tâm – Phó Giám đốc Công an tỉnh, để kịp thời đấu tranh, phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm ma túy, thời gian tới, ngành Công an tiếp tục tập trung thực hiện có hiệu quả Chương trình số 29-CTr/TU ngày 28/11/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Kế hoạch số 200/KH-UBND ngày 14/9/2020 của UBND tỉnh về thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy; phương án nghiệp vụ của Bộ Công an về phòng ngừa, đấu tranh tội phạm về ma túy trên tuyến biên giới Tây Nam gắn với các Kế hoạch đấu tranh phòng, chống tội phạm giữa Công an các tỉnh miền Tây và địa bàn giáp ranh TP.HCM.
Đặc biệt là thực hiện kế hoạch phối hợp giữa 3 lực lượng công an – bộ đội biên phòng – hải quan theo 3 lớp: Ngoại biên, trên tuyến biên giới và trong nội địa. Tập trung theo dõi, đánh giá, dự báo tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy, phối hợp các lực lượng chức năng nắm diễn biến hoạt động của các đường dây, băng nhóm tội phạm ma túy, áp dụng các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh.
Tiếp tục triển khai thực hiện các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm ma túy. Phối hợp kiểm tra, xử lý các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự nghi vấn hoạt động hoặc bị lợi dụng hoạt động vi phạm pháp luật về ma túy. Kiểm soát chặt chẽ các hoạt động hợp pháp về ma túy, không để thất thoát tiền chất, các dược phẩm có chứa chất ma túy và chất hướng thần sử dụng sai mục đích. Chủ động phòng ngừa, phát hiện, xử lý triệt để những hành vi liên quan đến trồng cây có chứa chất ma túy và sản xuất trái phép ma túy, nhất là ma túy tổng hợp.
Đại tá Phạm Thanh Tâm - Phó Giám đốc Công an tỉnh thông tin về công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy tại Chương trình đối thoại lần thứ 4 của Thường trực HĐND tỉnh
Hiện nay, công an các địa phương đang triển khai thực hiện trên 18 mô hình phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy. Sắp tới, Công an tỉnh sẽ chỉ đạo rà soát, đánh giá lại các mô hình này, xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình về phòng, chống ma túy có hiệu quả. Thường xuyên mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, trao đổi kinh nghiệm cho các lực lượng được phân công quản lý, giám sát người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy. Đặc biệt là sẽ tổ chức cho lực lượng trực tiếp thực hiện các quy định của luật phòng chống ma túy theo hướng chuyên sâu, tập trung vào lực lượng cơ sở, nhất là lực lượng công an cấp xã.
Song song với những giải pháp trên, Công an tỉnh sẽ phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế, Lao động – Thương binh và Xã hội thực hiện các biện pháp cai nghiện và xác định tình trạng nghiện, lập hồ sơ xử lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy theo quy định; bảo đảm an ninh, trật tự tại các trung tâm, cơ sở cai nghiện, điều trị nghiện.
“Đồng thời làm tốt công tác quản lý sau cai nghiện, giáo dục người nghiện tại địa bàn cơ sở, nhất là số đối tượng có biểu hiện “ngáo đá”, “loạn thần”, không để các đối tượng gây ra các vụ việc gây mất an ninh, trật tự. Kiểm soát chặt chẽ các trường hợp tham gia các chương trình điều trị nghiện bằng thuốc thay thế. Quan tâm hỗ trợ, giúp người nghiện tái hòa nhập cộng đồng, hạn chế tình trạng tái nghiện” – Đại tá Phạm Thanh Tâm thông tin thêm./.
Kỳ Nam