Thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng
Tiện ích
Thực hiện chủ trương của Chính phủ, ngành điện triển khai thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt trong toàn ngành. Các điện lực bắt đầu thực hiện chủ trương từ trên, áp dụng thực tế tại mỗi đơn vị.
Năm 2017, Công ty Điện lực Long An (PCLA) bắt đầu thí điểm tại địa bàn TP.Tân An. Khách hàng (KH) sử dụng điện tại các phường trên địa bàn TP.Tân An là những người được khuyến khích thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt. Theo bà Trần Thị Thắm, ngụ phường 2, TP.Tân An, trước đây, việc trả tiền điện khó khăn do gia đình đi làm thường xuyên, chỉ ở nhà vào ngày chủ nhật. Nhân viên thu tiền điện đến nhà rất khó gặp, gia đình cũng vất vả trong việc đến điểm đóng tiền điện vì số lượng người chờ rất đông, ít nhiều ảnh hưởng đến công việc. Khi ngành điện triển khai thanh toán tiền điện qua ngân hàng, gia đình đăng ký ngay dịch vụ này. Việc thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt, KH được nhiều tiện ích. Thủ tục đăng ký đơn giản, thanh toán nhanh chóng, chính xác. Quan trọng hơn là chúng tôi trả tiền ở nơi đâu cũng được, tiết kiệm rất nhiều công sức và thời gian đi lại.
Phó Giám đốc Điện lực Tân An - Võ Duy Bình cho biết: Từ tháng 11/2017, đơn vị triển khai thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt và nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía KH. KH chủ động sắp xếp, lựa chọn các hình thức thanh toán tiền điện phù hợp cho gia đình. Hiện nay, Điện lực Tân An có gần 50.000 KH, trong đó có 96,67% KH thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt. Từ nay đến cuối năm 2019, đơn vị cố gắng nâng lên 97% KH thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt.
Để hoàn thành chỉ tiêu này, đơn vị làm việc với các đối tác thu tiền điện mở các điểm thu tại nhiều điểm, tạo thuận lợi cho KH đến thanh toán; chủ động phối hợp Ngân hàng Bưu điện Liên Việt mở tất cả điểm thu tại các bưu điện phường, xã. Bên cạnh đó, đơn vị gửi thông báo chuyển đổi hình thức thu tiền điện đến từng KH; thường xuyên cử nhân viên khảo sát nhằm chấn chỉnh các sai sót, tháo gỡ khó khăn cho KH để tạo lòng tin và thuận lợi cho người sử dụng điện. Tin tưởng đến cuối năm 2019, đơn vị sẽ hoàn thành chỉ tiêu đề ra.
Tiếp tục triển khai
Tại huyện Đức Hòa, việc thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt nhận được những đóng góp tích cực từ phía KH. Hiện nay, Điện lực Đức Hòa đang triển khai tuyên truyền đến toàn bộ KH nắm bắt và thực hiện.
Theo Phó Giám đốc Điện lực Đức Hòa - Hỗ Hữu Trí, địa bàn thị trấn và một số xã tại huyện, đơn vị đã áp dụng thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt, tạo điều kiện thuận lợi và có nhiều lựa chọn cho người sử dụng điện trong việc thanh toán tiền điện. Hiện tại, đơn vị có khoảng 73.000 KH, trong đó có 70,28% KH thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt. Đơn vị đang triển khai đồng bộ các giải pháp để cuối năm 2019 nâng lên 74% KH thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt.
Phó Giám đốc PCLA - Lê Hoàng Oanh thông tin: Thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt giúp KH có thể thực hiện một cách chủ động, mọi lúc, mọi nơi, không phụ thuộc vào thời gian nhân viên điện lực đến nhà thu. Thời gian thực hiện nhanh chóng, cách thức thực hiện đơn giản, chính xác, an toàn, tránh được rủi ro, không bị người lạ mặt giả danh nhân viên điện lực đến nhà.
PCLA đã liên kết với 14 ngân hàng và 9 tổ chức thanh toán trung gian (Viettel, Payoo, Airpay, Momo, Vnpay, Ecpay, Zalo pay, Vimo, Ngân lượng) nhằm đa dạng kênh thanh toán cho KH lựa chọn. Các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt KH có thể lựa chọn là trích nợ tự động qua tài khoản ngân hàng, thanh toán bằng ví điện tử của các tổ chức thanh toán trung gian, thanh toán bằng các ứng dụng Internet banking của các ngân hàng và thanh toán trực tuyến tại website chăm sóc KH của Tổng Công ty Điện lực miền Nam. Trong đó, nếu lựa chọn hình thức thanh toán tự động qua ngân hàng, KH không phải bận tâm đến việc thanh toán tiền điện, tiền điện sẽ được thanh toán một cách đúng hạn và KH không bị ngừng giảm cung cấp điện vì thanh toán trễ.
PCLA thực hiện nhiều biện pháp tuyên truyền, thông tin đến KH: Hướng dẫn trực tiếp với KH mới, tuyên truyền qua đài truyền thanh xã, phường; phát thông báo, tờ rơi,... Đối với các khu vực chuẩn bị ngừng thu, điện lực gửi thông báo bằng văn bản đến từng KH về việc chuyển đổi hình thức thanh toán, thời gian áp dụng, địa điểm các ngân hàng và tổ chức trung gian thanh toán, hướng dẫn hình thức thanh toán thay thế, thu thập số điện thoại KH để thực hiện nhắn tin thông báo tiền điện,...
Tuy nhiên, khó khăn chính hiện nay là KH chủ yếu ở khu vực nông thôn, chưa có tài khoản ngân hàng nên chưa tiếp cận được hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. Ngoài ra, các điểm dịch vụ thu hộ của ngân hàng và tổ chức trung gian ở các xã còn ít, chủ yếu tập trung nhiều ở khu vực thị trấn. Thời gian tới, ngành điện tiếp tục đẩy mạnh việc thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt tại nhà. Trong đó, PCLA sẽ phối hợp ngân hàng, tổ chức trung gian tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn KH.
“Chúng tôi đề nghị ngân hàng, tổ chức trung gian tổ chức các hoạt động trải nghiệm thanh toán không dùng tiền mặt để KH thấy được sự tiện lợi của việc mở tài khoản ngân hàng và thực hiện các giao dịch, thanh toán không dùng tiền mặt. Ngoài ra, chúng tôi phối hợp ngân hàng, tổ chức trung gian phát triển các điểm dịch vụ thu hộ để KH tiếp cận dịch vụ thanh toán dễ dàng hơn, từ đó tiếp tục mở rộng khu vực không thu tại nhà” - ông Lê Hoàng Oanh thông tin thêm./.
UBND tỉnh ban hành Văn bản số 4351/UBND-KT, ngày 27/9/2017 về việc chấp thuận thanh toán không dùng tiền mặt thu tiền điện tại nhà dựa trên đề nghị của Công ty Điện lực Long An và ý kiến đề xuất từ Sở Công Thương. Mới nhất, UBND tỉnh có Văn bản chỉ đạo số 1858/UBND-KT, ngày 26/4/2019 về việc thực hiện chủ trương thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt theo Nghị quyết số 02/NQ-CP, trong đó, UBND tỉnh giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành, địa phương phối hợp ngành điện để thực hiện hiệu quả chủ trương từ cấp trên. |
Đức Minh