Học sinh học về chủ quyền biển, đảo Hoàng Sa, Trường Sa
Dạy lịch sử ở không gian mở
Không bó buộc trong 4 bức tường lớp học, cô trò Trường Tiểu học Nguyễn Văn Siêu (xã Thanh Phú, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) thường xuyên áp dụng không gian học tập mở. Đó là những tiết học về giáo dục đạo đức, kỹ năng sống và đặc biệt là giáo dục truyền thống, lịch sử cho HS.
Đến tiết học ngoài giờ lên lớp, HS xếp hàng ngay ngắn nối đuôi nhau đến không gian học tập đặc biệt của trường. Không gian ấy là nơi có mô hình tái hiện di tích lịch sử (DTLS) Nhà sàn Bác Hồ, quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và bảng tóm tắt lịch sử Việt Nam qua các thời kỳ dựng nước và giữ nước. Tại đây, những bài học về lịch sử, Bác Hồ và chủ quyền lãnh thổ biển, đảo của Việt Nam được HS khắc ghi bởi phương pháp dạy và học sinh động, vui nhộn. Theo đó, cô kể trò nghe về những câu chuyện lịch sử gắn với những mô hình, hình ảnh tái hiện mà các em được thấy tận mắt thay cho những bài học khô khan một chiều trên lớp; trò mạnh dạn hỏi những vấn đề còn thắc mắc cũng như nói lên suy nghĩ của mình về những bài học lịch sử được học. Cứ như thế, cô, trò cùng hoàn thành bài học trong không khí vui tươi và đạt hiệu quả.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Siêu - Võ Thị Ngon chia sẻ: “Nhờ có mô hình Nhà sàn Bác Hồ, quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và bảng tóm tắt lịch sử Việt Nam qua các thời kỳ dựng nước và giữ nước, HS tiếp thu kiến thức lịch sử một cách hứng thú và sinh động hơn. Ngoài ra, giờ ra chơi, HS có thể đến khu vực mô hình vui chơi và tự tìm hiểu thêm kiến thức mình quan tâm”.
Bên cạnh đó, tùy theo chủ đề, chủ điểm mỗi tháng, Tổng phụ trách Đội còn tổ chức cho các em tham gia thi “Tìm hiểu truyền thống lịch sử địa phương”, “Kể chuyện về Bác Hồ”, “Viết bài cảm nhận về nhân vật lịch sử, DTLS mà các em yêu thích”, tham quan DTLS trong và ngoài tỉnh, thăm Mẹ Việt Nam Anh hùng. Đồng thời, giáo viên chủ nhiệm giáo dục lịch sử cho HS thông qua dạy lồng ghép các tiết hoạt động giáo dục, hoạt động trải nghiệm,…
“Thông qua các hoạt động ấy, HS hứng thú hơn trong học môn Lịch sử, đặc biệt là nắm được những vấn đề lịch sử Việt Nam phù hợp với lứa tuổi và truyền thống lịch sử địa phương với trải nghiệm thiết thực vừa học, vừa chơi. Từ đó, HS được nuôi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước và lòng tự hào dân tộc” - cô Võ Thị Ngon bày tỏ.
Học sinh tham quan Đền tưởng niệm Luật sư Nguyễn Hữu Thọ
Đa dạng hình thức giáo dục lịch sử
Để HS tiếp cận kiến thức lịch sử một cách chủ động và gần gũi, Trường THCS Nhựt Tảo (phường 1, TP.Tân An) tổ chức hội thi Sân khấu hóa tác phẩm văn học. Theo đó, những tác phẩm được chọn là những tác phẩm có giá trị về lịch sử. Từ đó, HS tái hiện câu chuyện lịch sử và nhân vật lịch sử thông qua hình thức sân khấu hóa.
Hiệu trưởng Trường THCS Nhựt Tảo - Lê Thị Thủy cho biết: “Thông qua hội thi Sân khấu hóa tác phẩm văn học, HS lĩnh hội các tác phẩm văn học một cách sâu sắc hơn, nhớ bài học lâu hơn và đặc biệt là những bài học lịch sử trở nên gần gũi và dễ nhớ hơn. Các em có thể vừa học lịch sử, vừa phát huy khả năng diễn xuất của mình tại sân chơi bổ ích này”.
Ngoài ra, trường còn giáo dục truyền thống lịch sử cho HS thông qua hình thức tích hợp trong giảng dạy, tuyên truyền, giáo dục và xem các đoạn video về lịch sử, thi “Đố em dưới cờ” và tham quan các DTLS trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, trường có 6 bài giảng về truyền thống lịch sử địa phương do Ban Tuyên giáo Thành ủy Tân An cung cấp. Theo đó, giáo viên chủ nhiệm cho HS xem các video về lịch sử địa phương tại lớp; tổng phụ trách Đội giảng trực tiếp trong tiết sinh hoạt dưới cờ hàng tháng.
Học sinh học lịch sử thông qua hoạt động sân khấu hóa tác phẩm văn học
“Trong bối cảnh hiện nay, HS thích sống hưởng thụ, vô cảm, phai nhạt lý tưởng, vì thế việc giáo dục truyền thống, lịch sử trong nhà trường là hết sức quan trọng và cần thiết. Hướng tới, Trường THCS Nhựt Tảo sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc giáo dục truyền thống, lịch sử cho HS bằng nhiều hình thức phong phú. Trong đó, tăng cường tích hợp giảng dạy một số môn học như Giáo dục công dân, Địa lý, Văn học,… và đổi mới phương pháp dạy học, sẽ không là lý thuyết suông mà dạy kết hợp những hình ảnh, những đoạn phim tư liệu lịch sử để HS hứng thú hơn với các bài giảng về truyền thống lịch sử. Đồng thời, tăng cường các hoạt động trải nghiệm thực tế như tham quan các địa danh, DTLS, tổ chức các sân chơi học tập mà các em yêu thích như sân khấu hóa tác phẩm văn học, rung chuông vàng về kiến thức lịch sử,...” - cô Thủy cho biết thêm.
Thông qua các mô hình giáo dục truyền thống lịch sử, HS hiểu được nguồn cội của dân tộc, giúp các em nắm được bài học một cách sâu sắc hơn, từ đó sống có trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và đất nước. Giáo dục truyền thống lịch sử cho HS cũng là nhiệm vụ quan trọng của các trường học, góp phần giúp thế hệ tương lai của đất nước hiểu sâu sắc hơn về lịch sử hào hùng, thấm nhuần hơn về sự hy sinh, mất mát cũng như công lao to lớn của thế hệ cha anh, từ đó tự hào với truyền thống lịch sử và luôn có ý thức giữ gìn, bảo vệ chủ quyền, độc lập dân tộc; đồng thời, đào tạo ra một thế hệ tương lai của đất nước vừa hồng, vừa chuyên./.
Ngọc Thạch