Di tích lịch sử không chỉ là nơi ghi dấu những chiến công oanh liệt, tưởng nhớ sự hy sinh anh dũng của cha anh. Những “địa chỉ đỏ” ấy còn là “bài học” lịch sử quý giá, thiết thực nhất, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ hôm nay.
Bài 1: Những công trình di tích - niềm tự hào của các thế hệ
Di tích, địa danh lịch sử có giá trị to lớn, mang ý nghĩa quan trọng trong giáo dục truyền thống, thể hiện lòng biết ơn của thế hệ hôm nay với sự hy sinh của lớp người đi trước. Thời gian qua, những di tích lịch sử (DTLS) cách mạng trên địa bàn tỉnh được các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể quan tâm đầu tư, tôn tạo, đặc biệt là những công trình trọng điểm của Đại hội Đảng bộ tỉnh qua các nhiệm kỳ.
Khu di tích lịch sử Cách mạng tỉnh có tổng diện tích 98,25ha, trong đó, phần diện tích xây dựng là 20,2ha, với tổng kinh phí đầu tư gần 183 tỉ đồng
Tự hào vùng đất anh hùng
Cùng các địa phương khác, trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Long An tự hào là vùng đất có truyền thống đấu tranh anh dũng, lập bao chiến công oanh liệt giải phóng quê hương. Ngay từ khi thực dân Pháp mới xâm lược, đất Tân An - Chợ Lớn hội tụ 4 phong trào đấu tranh võ trang lớn nhất Nam kỳ: Cuộc khởi nghĩa của Trương Định (1860 - 1864), Nguyễn Trung Trực (1859 - 1868), Thủ Khoa Huân (1864 - 1875) và Thiên Hộ Dương (1860 – 1866). Cũng trong giai đoạn này, Long An có những nhà thơ, trí thức đánh giặc bằng ngòi bút: Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Thông,…
Từ năm 1930, sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và lãnh đạo cách mạng, nhân dân Tân An - Chợ Lớn tiến hành cuộc biểu tình chống Pháp lớn nhất Nam kỳ vào ngày 04/6/1930 với sự hy sinh oanh liệt của Châu Văn Liêm. Trong khởi nghĩa Nam kỳ 1940, Tân An - Chợ Lớn là 2 trong 9 tỉnh khởi nghĩa mạnh mẽ nhất. Trong Cách mạng tháng Tám, nếu Chợ Lớn là nơi tiếp ứng Sài Gòn và được Xứ ủy 3 lần chọn họp quyết định ngày giờ khởi nghĩa, thì Tân An là tỉnh tiên phong giành chính quyền ở Nam bộ.
9 năm kháng chiến chống Pháp đầy gian lao và anh dũng, nhân dân Tân An - Chợ Lớn tập trung xây dựng, củng cố các căn cứ địa: Đức Hòa, Vườn Thơm, Rừng Sác, Đông Thành, Đồng Tháp Mười,… bẻ gãy hàng trăm cuộc càn lớn nhỏ của giặc Pháp, bảo vệ vững chắc Xứ ủy và các cơ quan đầu não kháng chiến, phối hợp chiến trường cả nước làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (07/5/1954), buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ (20/7/1954) về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam.
Khu di tích Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Hành chính - Kháng chiến Nam bộ
Trong chống Mỹ, cứu nước, quân và dân Long An cũng lập bao chiến công ngay từ những ngày đầu kháng chiến. Từ phong trào Đồng Khởi 1960, lực lượng cách mạng giải phóng hàng chục xã, tiến lên thành lập Mặt trận dân tộc giải phóng ở hai tỉnh Long An và Kiến Tường, giải phóng 38 xã - trong đó giải phóng hoàn toàn huyện Đức Huệ.
Từ việc “bẻ gãy” kế hoạch Staley - Taylor (1963) cho đến Kế hoạch Jonshon - McNamara (1964) và hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn dân Long An đứng lên chống Mỹ. Cũng từ đó, những địa danh: Đồn Đức Lập (Đức Hòa), Gò Ông Lẹt (Vĩnh Hưng), Vành đai diệt Mỹ ở Rạch Kiến (Cần Đước),…cùng tên tuổi bao anh hùng liệt sĩ đã đi vào lịch sử.
Với truyền thống đấu tranh anh dũng, bất khuất và thành tích đặc biệt xuất sắc trong phong trào toàn dân đánh Mỹ, ngày 17/9/1967, tại Đại hội Anh hùng và Chiến sĩ thi đua toàn miền Nam lần thứ 2, Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam phong tặng Đảng bộ và quân dân Long An danh hiệu và lá cờ ghi tám chữ vàng “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”.
Lòng biết ơn của thế hệ hôm nay
Trải qua 2 cuộc kháng chiến trường kỳ, quê hương Long An có nhiều địa điểm trở thành những “địa chỉ đỏ”, không chỉ lưu dấu chiến công mà còn là nơi thấm đẫm máu xương của bao lớp cha anh đổ xuống. Thời gian qua, tỉnh đầu tư xây dựng, tôn tạo nhiều DTLS và công trình văn hóa.
Tượng đài Long An “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc” tại phường 5, TP. Tân An là công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ IX. Công trình khởi công vào năm 2004, hoàn thành ngày 28/4/2010 nhân kỷ niệm 35 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - Trương Hòa Bình (thứ 2, phải qua) cùng lãnh đạo tỉnh Long An dâng hương tại Tượng đài Long An “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”
Ngoài Công viên Tượng đài Long An “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”, Vàm Nhựt Tảo là nơi ghi dấu chiến công đốt cháy tàu L’Esperance của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực, được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích Quốc gia vào năm 1996.
Năm 2000, để bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa về Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực, UBND tỉnh Long An đầu tư gần 50 tỉ đồng để xây dựng Khu DTLS Vàm Nhật Tảo. Khu di tích có diện tích 6ha, tại xã An Nhật Tân, huyện Tân Trụ, gồm các công trình chính như: Đền Tưởng niệm, Nhà Trưng bày, Nhà văn bia, cổng, hàng rào, đường nội bộ, bến thuyền, cầu cảnh, cây xanh, thảm cỏ,... Khu di tích Vàm Nhựt Tảo cũng là công trình chào mừng thành công Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ IX và hướng đến Đại hội Đại biểu Toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XI.
Gần đây nhất, Long An khánh thành Căn cứ Xứ ủy, Ủy ban Kháng chiến hành chánh Nam bộ 1946-1949 (xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh) vào ngày 19/8/2017. Đây là 1 trong 3 căn cứ địa quan trọng nhất của cách mạng miền Nam trong 9 năm kháng chiến chống Pháp. Nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc cũng diễn ra tại đây như: Nơi tổ chức Đại hội Đại biểu Xứ ủy toàn Nam bộ, Đài phát thanh Nam bộ phát sóng buổi đầu tiên, nơi trình chiếu bộ phim tài liệu về cách mạng điện ảnh đầu tiên của nước nhà,… cùng biết bao trận đánh nổi tiếng làm kinh hồn, khiếp vía thực dân xâm lươc. Di tích này cũng gắn liền những chiến công oanh liệt của Tiểu đoàn 307, 309, Trung đoàn 120, 105 anh hùng.
Với những ý nghĩa ấy, khu di tích được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng DTLS cấp quốc gia vào năm 2007. Từ năm 2013, Di tích Căn cứ Xứ ủy, Ủy ban Kháng chiến hành chánh Nam bộ (1946-1949) được khởi công xây dựng từ năm 2013 và là 1 trong 9 công trình trọng điểm của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ IX, nhiệm kỳ 2010-2015.
Nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang cùng lãnh đạo tỉnh Long An tham quan Khu di tích Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Hành chính - Kháng chiến Nam bộ
Cũng trong năm 2017, ngày 02/9/2017, “Căn cứ trong lòng dân”- Khu DTLS Cách mạng tỉnh (Khu di tích Bình Thành) cũng chính thức khánh thành. Nếu như Căn cứ Xứ ủy, Ủy ban Hành chính - Kháng chiến Nam bộ (1946-1949) là nơi đặt trụ sở cơ quan lãnh đạo các cấp của khu vực Nam bộ thì Khu DTLS Cách mạng tỉnh chính là căn cứ cách mạng của Tỉnh ủy Chợ Lớn – Tân An trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Đây là nơi ghi dấu những sự kiện quan trọng và hoạt động của Tỉnh ủy Long An trong công cuộc chống ngoại xâm, đặc biệt là trong kháng chiến chống Mỹ. Khu DTLS Cách mạng tỉnh Long An được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch) công nhận là DTLS cấp Quốc gia vào năm 1998.
Khu DTLS Cách mạng tỉnh Long An là 1 trong 20 di tích cấp Quốc gia được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Long An quan tâm đầu tư tôn tạo và được Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An lần IX xác định là công trình trọng điểm của nhiệm kỳ 2010-2015. Dự án Khu DTLS Cách mạng tỉnh có tổng diện tích 98,25ha, trong đó, phần diện tích xây dựng là 20,2ha với tổng kinh phí đầu tư gần 183 tỉ đồng.
Bên cạnh những công trình được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh các nhiệm kỳ xác định là công trình trọng điểm, Long An còn rất nhiều công trình tiêu biểu thể hiện niềm tự hào, lòng biết ơn của thế hệ hôm nay với lớp người đi trước như: Khu lưu niệm Luật sư Nguyễn Hữu Thọ (huyện Bến Lức), Khu vực Miễu Bà Cố (huyện Châu Thành), Ngã tư Rạch Kiến (huyện Cần Đước), Nhà và lò gạch Võ Công Tồn (huyện Bến Lức),…
Những công trình trên là biểu tượng sinh động cho chủ nghĩa yêu nước, tinh thần bất khuất, đấu tranh anh dũng của toàn dân tộc nói chung và người dân Long An nói riêng. Đây còn là điểm tham quan có ý nghĩa lịch sử - văn hóa sâu sắc, là những sản phẩm du lịch giá trị, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội địa phương.
Nguyên Bí thư Tỉnh ủy – Lê Thanh Tâm nhận định: “Trong 30 năm chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ (1945-1975), Đảng bộ và nhân dân Long An góp phần cùng cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 và Đại thắng mùa Xuân năm 1975 thống nhất đất nước. Biết bao chiến công oanh liệt cùng bao máu xương cha anh đổ xuống trên mảnh đất này vì hòa bình, độc lập. Mỗi một DTLS là niềm tự hào và cũng là sự đau thương, mất mát mà cha anh đánh đổi. Giữ gìn, tôn tạo và phát huy giá trị những “địa chỉ đỏ” là điều cần thiết. Từ đó, thế hệ hôm nay biết trân trọng, hãnh diện về vùng đất anh hùng, để từ đó ra sức học tập, rèn luyện, phấn đấu xây dựng quê hương giàu đẹp.”./.
Phạm Ngân - Thanh Hiểu