Tiếng Việt | English

07/01/2020 - 17:09

Những bất cập trong xử phạt vi phạm hành chính

Theo báo cáo của cơ quan chức năng tỉnh Long An, hiện nay, việc xử phạt vi phạm hành chính (XPVPHC) gặp nhiều khó khăn do những yếu tố về khách quan và chủ quan. Để công tác XPVPHC trong thời gian tới được hiệu quả, bảo đảm tính thực thi của pháp luật, rất cần những giải pháp căn cơ từ nhiều phía.

Vi phạm lấn chiếm lòng lề đường trên QL1 xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức

Theo báo cáo của UBND tỉnh Long An về công tác XPVPHC, qua thực tiễn cho thấy, công tác XPVPHC ở một số cơ quan, đơn vị và địa phương còn nhiều hạn chế, bất cập, nhất là việc tổ chức thi hành quyết định XPVPHC còn tồn đọng khá nhiều, ảnh hưởng đến hiệu quả của quản lý nhà nước.

Thanh tra Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Long An thông tin: Trên một số tuyến đường do Sở GTVT quản lý, tình trạng vi phạm trật tự hành lang an toàn đường bộ diễn ra khá phổ biến, một số trường hợp vi phạm nghiêm trọng như xây cất kiên cố, đã nhắc nhở,  xử phạt nhưng vẫn tái lấn chiếm. Tuy nhiên, cấp chính quyền một số địa phương chưa thực hiện cưỡng chế, khôi phục hiện trạng ban đầu, từ đó dẫn đến tình trạng lấn chiếm diễn ra ngày càng phức tạp hơn.

Đa số người VPHC có trình độ hiểu biết pháp luật hạn chế, một số lĩnh vực có mức xử phạt không đủ tính răn đe. Ngoài ra, vì lợi nhuận, nhiều đối tượng vẫn bất chấp vi phạm như vận chuyển thuốc lá lậu qua biên giới; lấn chiếm lòng, lề đường; vệ sinh an toàn thực phẩm; sản xuất, tiêu thụ phân bón giả; sản xuất gây ô nhiễm môi trường;...

Ngoài ra, một số văn bản pháp luật ban hành về hành vi vi phạm và mức xử phạt chưa rõ ràng, không theo kịp diễn biến thực tế nên khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc xử lý. Mặt khác, lực lượng thực thi pháp luật trên một số lĩnh vực khá mỏng, không thể xử lý hết các VPHC.

Việc áp dụng pháp luật để cưỡng chế thi hành các quyết định XPVPHC chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể, kịp thời, nên cũng gặp nhiều bất lợi khi xử lý hành vi VPHC.

Xây dựng nhà ở, nhà nuôi yến trên đất nông nghiệp tại xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc

Hiện nay, trên thực tế xuất hiện tình trạng cá nhân, tổ chức cố tình không chấp hành quyết định XP VPHC, chây ì, thậm chí chống đối, nhiều đối tượng vi phạm đã ngưng hoạt động kinh doanh , sản xuất, đi khỏi địa phương, nơi cư trú. Mặt khác, chi phí để thực hiện cưỡng chế quyết định XP VPHC đôi lúc cao hơn số tiền vi phạm nên các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương khó khăn sử dụng biện pháp cưỡng chế.

Theo ngành Xây dựng, hiện nay, các văn bản pháp luật chưa quy định rõ hành vi xây dựng công trình trên đất nông nghiệp nên thời gian qua có nhiều vi phạm trên lĩnh vực này. Đồng thời, các biện pháp chế tài chưa đủ mạnh để ngăn chặn vi phạm.

Trong lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường, tình trạng vi phạm có thể thu hồi đất (điều 64, Luật Đất đai 2013) do người sử dụng đất “không thực hiện nghĩa vụ đối với nhà nước và không chấp hành quyết định XPVPHC” thì cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành thu hồi đất. Tuy nhiên, Nghị định 102/2014/NĐ-CP lại không quy định chế tài XPVPHC của hành vi này, do đó, cơ quan chức năng rất khó xử lý.

Chất thải gây mùi hôi khá phổ biến ở nông thôn

Việc xử lý hành vi gây ô nhiễm môi trường, nhất là phát tán khí độc, chất thải gây mùi hôi thối chưa có văn bản hướng dẫn và mức xử phạt cụ thể, nên chưa bảo đảm tính răn đe. Cụ thể, điều 16, Nghị định 155/2016/NĐ-CP có quy định hình thức phạt cảnh cáo đối với hành vi “thải mùi hôi thối vào môi trường” và hành vi “phát tán dung môi, chất hữu cơ gây mùi đặc trưng”, tuy nhiên, mức phạt là quá nhẹ, mặt khác lại không quy định hình phạt bổ sung “buộc đình chỉ hoạt động” nên chưa đủ sức răn đe, trên thực tế hành vi này lại khá phổ biến ở khu vực đông dân cư.

Xử phạt ô nhiễm môi trường trong lĩnh vực khí thải độc hại, gây mùi hôi chưa đủ sức răn đe

Việc XPVPHC trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm gặp khó khăn trong việc khắc phục hậu quả vi phạm (buộc tái chế, hoặc tiêu hủy sản phẩm không đạt chất lượng), nguyên nhân do thời gian lấy mẫu và chờ kết quả quá lâu; trong khi đó, đơn vị vi phạm đã tiêu thụ, bán sản phẩm ra thị trường, gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Ngoài ra, lực lượng kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm quá mỏng, khi kiểm tra phải báo trước nên rất khó xử phạt triệt để. 

Quảng cáo cho vay tiền kèm số điện thoại

Trong lĩnh vực an ninh trật tự, một số hành vi như cho vay nặng lãi (tín dụng đen); buôn bán hàng quán, ăn uống thâu đêm; đưa người nghiện ma túy có hành vi côn đồ, hung hãn vào cơ sở giáo dưỡng cũng chưa có văn bản hướng dẫn, quy định, giải thích từ ngữ cụ thể nên gây khó cho lực lượng thực thi pháp luật.

Cũng theo cơ quan chức năng, việc cưỡng chế VPHC trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông đường bộ còn bất cập khi đối tượng vi phạm là người từ nơi khác đến địa phương và hành vi vận chuyển, buôn bán hàng cấm (thuốc lá điếu nhập lậu) do đối tượng không có tài sản để cưỡng chế./.

Minh Đăng

Chia sẻ bài viết