Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 9 năm 2019, quy định chi tiết như sau:
Câu 1: Quy định về đối tượng áp dụng?
Trả lời: Điều 2 Nghị định 63/2019/NĐ-CP ngày 11/7/2019 quy định đối tượng áp dụng gồm:
1. Cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước.
2. Tổ chức quy định tại khoản 1 Điều này gồm:
a) Cơ quan nhà nước;
b) Đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân;
c) Đơn vị sự nghiệp công lập;
d) Cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam;
đ) Tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật về hội;
e) Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
3. Người có thẩm quyền xử phạt và tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định này.
4. Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức thực hiện hành vi vi phạm khi đang thi hành công vụ, nhiệm vụ và hành vi vi phạm đó thuộc công vụ, nhiệm vụ được giao theo văn bản quy phạm pháp luật hoặc văn bản hành chính do cơ quan, người có thẩm quyền ban hành thì không bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định này mà bị xử lý theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức.
Cơ quan nhà nước thực hiện hành vi vi phạm thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao thì không bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định này mà bị xử lý theo quy định của pháp luật có liên quan.
Câu 2: Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được quy định như thế nào?
Trả lời: Theo Điều 3 Nghị định 63/2019/NĐ-CP ngày 11/7/2019 quy định thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước quy định tại Nghị định này là 01 năm. Riêng các hành vi vi phạm hành chính đối với tài sản công là nhà, đất và tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý thì thời hiệu xử phạt là 02 năm.
Câu 3: Mức xử phạt hành vi vi phạm hành chính trong quy định về cho mượn tài sản công được quy định như thế nào?
Trả lời: Theo quy định tại Điều 9 Nghị định 63/2019/NĐ-CP ngày 11/7/2019 thì hành vi vi phạm hành chính đối với các quy định về cho mượn tài sản công sẽ bị xử phạt như sau:
1. Phạt tiền đối với hành vi cho mượn, sử dụng tài sản công không đúng quy định (cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng tài sản công không phân biệt có hợp đồng cho mượn hay không có hợp đồng cho mượn, không phân biệt thời hạn cho mượn) theo các mức phạt sau:
a) Từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp cho mượn tài sản có giá trị dưới 100.000.000 đồng;
b) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp cho mượn tài sản có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên;
c) Từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng trong trường hợp cho mượn tài sản là trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, xe ô tô.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Tổ chức có hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả sau:
a) Buộc hoàn trả lại tài sản cho mượn. Trường hợp tài sản đã bị thay đổi do hành vi vi phạm hành chính gây ra thì phải khôi phục lại tình trạng ban đầu của tài sản; trường hợp không khôi phục lại được tình trạng ban đầu của tài sản thì phải trả lại bằng tiền hoặc tài sản có công năng và giá trị sử dụng tương đương với tài sản ban đầu;
b) Buộc nộp vào ngân sách nhà nước số tiền tương ứng với số tiền thuê tài sản trong thời gian cho mượn.
Câu 4: Hành vi vi phạm hành chính đối với các quy định về trao đổi, tặng cho tài sản công không đúng quy định thì bị xử phạt như thế nào?
Trả lời: Theo quy định tại Điều 10 Nghị định 63/2019/NĐ-CP ngày 11/7/2019 thì hành vi vi phạm hành chính đối với các quy định về trao đổi, tặng cho tài sản công không đúng quy định thì bị xử phạt như sau:
1. Phạt tiền đối với hành vi trao đổi tài sản công không đúng quy định (dùng tài sản công của tổ chức để đổi lấy tài sản của tổ chức, cá nhân khác mà không được cơ quan, người có thẩm quyền cho phép) theo các mức phạt sau:
a) Từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp tài sản dùng để trao đổi có giá trị dưới 100.000.000 đồng;
b) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp tài sản dùng để trao đổi có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên;
c) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp tài sản dùng để trao đổi là trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, xe ô tô.
2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi tặng cho tài sản công không đúng quy định (sử dụng tài sản công để làm quà tặng vi phạm Quy chế tặng quà do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành).
3. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc hoàn trả tài sản hoặc trả lại bằng tiền tương ứng với giá trị tài sản đã trao đổi, tặng cho.
Câu 5: Hành vi chiếm đoạt tài sản công sẽ bị xử phạt như thế nào?
Trả lời: Theo quy định tại Điều 12 Nghị định 63/2019/NĐ-CP ngày 11/7/2019 hành vi chiếm đoạt tài sản công sẽ bị xử phạt như sau:
1. Phạt tiền đối với hành vi chiếm đoạt tài sản công mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự (nắm giữ, sử dụng tài sản công mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép) theo các mức phạt sau:
a) Từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với tài sản công có giá trị dưới 100.000.000 đồng;
b) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với tài sản công có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên;
c) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp chiếm đoạt trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, xe ô tô.
2. Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả: Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả sau:
a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của tài sản đã bị thay đổi do hành vi vi phạm hành chính gây ra để trả lại tổ chức; trường hợp không khôi phục lại được tình trạng ban đầu của tài sản thì phải bồi thường bằng tiền hoặc tài sản có công năng và giá trị sử dụng tương đương với tài sản ban đầu;
b) Buộc nộp vào ngân sách nhà nước số tiền tương ứng với tiền thuê tài sản trong thời gian chiếm đoạt.
Câu 6: Mức xử phạt hành vi vi phạm hành chính đối với các quy định về xử lý tài sản công được quy định như thế nào?
Trả lời: Theo quy định tại Điều 15 Nghị định 63/2019/NĐ-CP ngày 11/7/2019 thì hành vi vi phạm hành chính đối với các quy định về xử lý tài sản công sẽ bị xử phạt như sau:
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không thực hiện kê khai, lập phương án sắp xếp lại, xử lý tài sản công theo quy định của pháp luật;
b) Thực hiện kê khai, lập phương án sắp xếp lại, xử lý tài sản công không đúng thời hạn theo quy định;
c) Không báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi, điều chuyển, bán, thanh lý, tiêu hủy tài sản khi đủ điều kiện theo quy định của pháp luật (trừ trường hợp tài sản công hết hạn sử dụng theo quy định của pháp luật nhưng vẫn còn sử dụng được và cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp vẫn còn nhu cầu sử dụng thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị quyết định hình thức xử lý cho phù hợp).
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với tổ chức để hư hỏng, thất thoát tài sản trong thời gian chờ xử lý.
3. Phạt tiền đối với hành vi xử lý tài sản khi không có quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền theo các mức phạt sau:
a) Từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp bán, điều chuyển, thanh lý, tiêu hủy tài sản có giá trị dưới 100.000.000 đồng;
b) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp bán, điều chuyển, thanh lý, tiêu hủy tài sản có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên;
c) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp bán, điều chuyển, thanh lý tài sản là trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, xe ô tô.
4. Hành vi kê khai không đúng danh mục, hiện trạng tài sản đề nghị xử lý (dẫn đến việc quyết định xử lý tài sản không đúng quy định) thì bị xử phạt như sau:
a) Phạt cảnh cáo trong trường hợp kê khai tài sản có giá trị dưới 50.000.000 đồng;
b) Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng trong trường hợp kê khai tài sản có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
c) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp kê khai tài sản có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên;
d) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp kê khai tài sản là trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, xe ô tô.
5. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của tài sản đã bị thay đổi do hành vi quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này gây ra; trường hợp không khôi phục lại được tình trạng ban đầu của tài sản thì phải trả lại bằng tiền hoặc tài sản có công năng và giá trị sử dụng tương đương với tài sản ban đầu;
b) Buộc phải nộp lại số tiền tương ứng với giá trị tài sản bị thất thoát, hư hỏng đối với hành vi quy định tại khoản 2 Điều này.
6. Việc xác định số tiền phải nộp lại tương ứng với giá trị tài sản bị thất thoát, hư hỏng quy định tại điểm b khoản 5 Điều này được quy định như sau:
a) Đối với tài sản bị mất hoặc hư hỏng không thể khắc phục được, số tiền phải nộp lại được xác định tương ứng với giá mua mới tài sản cùng loại hoặc có tiêu chuẩn, công năng sử dụng tương đương trên thị trường tại thời điểm xảy ra hành vi vi phạm.
Giá trên thị trường có thể căn cứ báo giá của các nhà cung cấp trên thị trường đã được niêm yết, thông báo trên thị trường hoặc từ thông tin chính thống do các nhà cung cấp công bố được khai thác qua mạng Internet.
b) Đối với tài sản bị hư hỏng có thể khắc phục được, số tiền phải nộp lại là chi phí để sửa chữa tài sản đó./.
Sở Tư pháp Long An