Tiếng Việt | English

04/01/2017 - 16:45

Những bệnh văn phòng và cách phòng tránh

Nhân viên văn phòng thường xuyên phải làm việc trên máy vi tính, giấy tờ, hồ sơ, nhưng ít vận động nên dễ rơi vào tình trạng mệt mỏi, béo phì, mắc các bệnh về cột sống, khớp, mắt, tĩnh mạch,...

Mệt mỏi là chứng bệnh kinh niên mà nhân viên văn phòng luôn mắc phải, làm suy giảm trí nhớ hoặc giảm khả năng tập trung. Biểu hiện ở chứng đau họng, nổi hạch cổ, đau cơ, đau khớp, nhức đầu, ngủ không ngon giấc, khó chịu và kiệt sức sau khi gắng sức. Bên cạnh đó, mệt mỏi còn do nhiều nguyên nhân khác như nhiễm khuẩn, trầm cảm, rối loạn chuyển hóa đường, thiếu máu, thiểu năng tuyến giáp, làm việc quá sức, nhất là với phụ nữ.

Cao huyết áp cũng là một bệnh rất thường gặp của những người làm việc văn phòng. Người làm việc văn phòng ít vận động, từ đó làm tích tụ ngày càng nhiều cholesterol trong thành mạch máu, gây xơ cứng thành mạch. Đây chính là thủ phạm của bệnh tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim và tai biến mạch máu não.

Đau lưng là bệnh rất thường gặp ở nhân viên văn phòng.   Ảnh: KT

Áp lực của công việc kèm theo giờ giấc nghỉ ngơi thất thường, ngủ trưa không đủ giấc, mắt phải làm việc nhiều với máy vi tính từ đó dễ gây nên tình trạng nhức đầu và đau lưng. Hầu hết người làm việc văn phòng đều có thói quen ngồi còng lưng, vẹo lưng, gác chân lên nhau khi ngồi... Nếu như diễn ra trong thời gian dài, chắc chắn sẽ bị đau lưng và mắc những bệnh về cột sống như gù, vẹo cột sống, đau dọc thần kinh tọa do chèn ép rễ thần kinh.

Ngoài ra, hiện nay nhân viên văn phòng còn có thể mắc bệnh lý khác hết sức nguy hiểm đó là huyết khối tĩnh mạch sâu. Trước đây, bệnh rất ít khi gặp ở người dưới 40 tuổi nhưng nay bắt đầu phổ biến do ít vận động, nên máu trong các tĩnh mạch, đặc biệt là các tĩnh mạch sâu ở chân, lưu thông chậm nên sinh ra các huyết khối, thường được biểu hiện bởi dấu hiệu sưng, đau bắp chân. Sẽ rất nguy hiểm nếu huyết khối theo dòng máu lên tim, lên phổi gây tắc động mạch phổi, đe dọa tính mạng người bệnh.

Để phòng tránh các bệnh trên, cần thực hiện các biện pháp như sau:

-Dọn dẹp văn phòng sạch sẽ, thoáng mát, đủ không khí và ánh sáng, hạn chế sử dụng đèn và không nên ăn thức ăn ở phòng làm việc.

-Tạo thói quen ngồi đúng tư thế, tránh ngồi lâu, uống đủ nước, thường xuyên vận động, luyện tập thể dục thể thao.

-Khám sức khỏe định kỳ để theo dõi sức khỏe, phát hiện và điều trị sớm nếu có bệnh vì khi đó các căn bệnh ở giai đoạn đầu thường dễ trị.

-Sử dụng máy tính đúng cách, giữ khoảng cách từ màn hình tới mắt khoảng 50 cm và thấp hơn mắt 15 độ. Nếu nhìn vào máy tính 30 phút phải cho mắt nghỉ ngơi bằng cách nhắm mắt lại trong 1 - 2 phút, thường xuyên chớp mắt để mắt được nghỉ ngơi, ngoài ra cần sử dụng nước mắt sinh lý hoặc nước muối sinh lý làm ướt mắt.

-Phải có thời gian nghỉ trưa khoa học, vận động, hít thở không khí bên ngoài, thư giãn mắt, ăn chậm, nhai kỹ, không ăn quá no, không nằm ngay sau khi ăn.

-Hạn chế thức ăn nhiều chất béo, bột, đường mà thay vào đó là nên ăn nhiều chất xơ, rau củ và trái cây./.

Bs Hồ Văn Cưng

Chia sẻ bài viết