Tiếng Việt | English

23/01/2023 - 14:40

Những câu chuyện đậm hồn quê của ông già Nam bộ

Khoảng chục năm nay, văn đàn Việt Nam có sự góp mặt của một tác giả đặc biệt - “ông già Nam bộ nhiều chuyện”.

Sinh ra và lớn lên ở TP.Tân An, tên ông gắn liền với dòng kênh nổi tiếng của quê hương - Trần Bảo Định và những câu chuyện ông kể cũng từ quê mà được hình thành. Bắt đầu sự nghiệp văn chương khi đã gần tuổi 70, nhà văn Trần Bảo Định đem hết những gì “thu nhặt” được trong cuộc đời kể lại cho bạn đọc bằng giọng văn hồn hậu và đậm chất miền Tây.

Nhà văn Trần Bảo Định tự nhận mình là “ông già Nam bộ nhiều chuyện” (Ảnh: NVCC)

Văn chương của nhà văn Trần Bảo Định thường pha lẫn giữa truyện và ký. Những phong tục, truyền tích của vùng quê Nam bộ được ông kể lại qua các câu chuyện đậm hồn quê như chuyện ông bà hay kể nhau nghe bên bàn trà mỗi sớm tinh sương hay chiều tối muộn. Nếu ai đó muốn tìm hiểu về đất và người Nam bộ mà không thích những bài nghiên cứu thì có thể đọc bộ sách Đất và người Nam bộ mến yêu của Trần Bảo Định để cảm nhận được các món ăn, phong tục quê, đất và người của quê hương, xứ sở một cách nhẹ nhàng, hồn hậu.

Tác phẩm Phật tính dân gian Nam bộ Đôi điều suy ngẫm của nhà văn Trần Bảo Định được xuất bản năm 2021 (Ảnh: NVCC)

Nhà văn Trần Bảo Định hay gọi mình là “ông già Nam bộ nhiều chuyện”. Đó cũng là tên 2 tác phẩm của ông: Ông già Nam bộ nhiều chuyện - Góc khuất dưới chưn đèn và Ông già Nam bộ nhiều chuyện - Dấu chưn lưu dân. Có người nói rằng, từ “nhiều chuyện” mang sắc thái biểu cảm chưa phù hợp nhưng với nhà văn, việc nhiều chuyện ấy đơn giản là có chuyện rất nhiều để kể; đồng thời, thể hiện sự dí dỏm trong văn phong của ông. Ông biết từ chuyện con bọ hung (tập truyện Đời Bọ Hung) đến con cá lìm kìm (tập truyện Phận Lìm Kìm), con cá linh mùa nước nổi (tập truyện Đất Phương Nam ngày cũ) tới cây lúa ma vùng Đồng Tháp Mười (tập truyện Đất Phương Nam ngày cũ) và biết cả chuyện lá giang ngon nhất khi nấu với cua kình (tập truyện Đất Phương Nam ngày cũ),... Mỗi truyện ngắn của nhà văn là một thông điệp nhỏ được gửi gắm, nếu không phải là kiến thức giúp người đọc thêm hiểu, thêm yêu vùng đất mình đang sinh sống thì cũng là bài học về nhân sinh, cách con người đối đãi với nhau và với thiên nhiên.

Tác phẩm Dấu thời gian - Khát vọng của người xưa của nhà văn Trần Bảo Định xuất bản năm 2022 (Ảnh: NVCC)

“Ông già Nam bộ nhiều chuyện” Trần Bảo Định mang đến cho độc giả một mảnh ghép rực rỡ sắc màu về miền Nam nói chung và Long An quê hương ông nói riêng. Không phải tự nhiên mà những tác phẩm của ông thấp thoáng tên đất, tên người, tên sản vật của một vùng nào đó. Đó là vì tất cả những gì nhà văn kể chính là những điều ông đã trải qua, quan sát và đúc kết. Ông tự nhận mình đã “chà lết” khắp miền Nam để giờ đây, khi nhắc tới một địa phương nào, ông đều có những câu chuyện kể về vùng đất đó, khiến người dân nơi ấy không khỏi bất giác giật mình vì dường như mình đã bỏ quên một điều gì quá gần gũi và dung dị.

Đọc văn của nhà văn Trần Bảo Định như nghe chuyện kể của người nhà và tự rút ra cho mình bài học. Đó có thể là sự biết ơn cha ông mở đất, biết ơn cây cỏ, quê nhà đã rộng lòng bảo bọc mỗi chúng ta,... Nhà văn Trần Bảo Định - ông già Nam bộ với nụ cười hồn hậu, giọng nói hào sảng mang đến cho độc giả đầy ắp tình yêu thương và nguồn năng lượng tích cực. Quê nhà trong mắt ông, trong tim ông, dù khó khăn, vất vả, dù còn nhiều điều cần tiếp tục nhờ thế hệ sau tiếp nối, sửa đổi và phát triển thì vẫn rất hồn hậu, vui tươi và ấm áp, luôn là nơi chốn bình yên để trở về.

Người xa quê, đọc văn chương Trần Bảo Định sẽ nao lòng nhớ những cánh chim trời ở rừng quốc gia cuối đất, nhớ dòng sông mang tên người anh hùng hy sinh thân mình cứu chúa, nhớ món mắm còng đỏ au trọn nghĩa, vẹn tình,...

Đó cũng là những câu chuyện mà các ông già ở Nam bộ hay nhắc với nhau và kể cùng con cháu./.

Q. Lâm

Chia sẻ bài viết