Trong đó, nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang (bác Tư Sang) - người con ưu tú của quê hương Long An, vận động xây dựng nhiều cây cầu giao thông nông thôn để hiện thực hóa ước mơ của người dân vùng sâu, vùng xa, biên giới.
Chung tay xóa cầu tạm
Tháng 10/2016, Lễ phát động “Chương trình Cầu nông thôn” tại tỉnh được tiến hành và khởi công xây dựng cây cầu đầu tiên tại xã Mỹ Thạnh Đông, huyện Đức Huệ. Đây là chương trình do nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang khởi xướng. Đơn vị tổ chức chương trình là Tạp chí Nông thôn Việt - cơ quan ngôn luận của Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.
Không chỉ có nhiều doanh nghiệp tham gia mà còn có sự chung sức, đóng góp của mạnh thường quân. Mục đích của chương trình là hỗ trợ, đồng hành cùng chính quyền địa phương xóa bỏ cầu khỉ, xây dựng cầu nông thôn mới, nâng cao đời sống người dân, góp phần xây dựng nông thôn mới theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Bác Tư Sang (nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang) xuống cơ sở trực tiếp khảo sát địa điểm làm cầu giao thông nông thôn
Là người nhiều lần cùng đi với bác Tư Sang và các doanh nghiệp (DN), mạnh thường quân khảo sát thực tế để đầu tư cầu và khánh thành cầu, nguyên Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải - Nguyễn Văn Chỉnh nhiều lần chia sẻ, những cây cầu hoàn thành, đưa vào sử dụng tạo nên diện mạo mới cho khu vực nông thôn. Những cây cầu bêtông thay thế các cầu khỉ, cầu tạm giúp việc đi lại của người dân dễ dàng, vận chuyển nông sản được thuận lợi hơn, góp phần thúc đẩy KT-XH địa phương phát triển.
Trong buổi họp mặt mừng Xuân Kỷ Hợi 2019, Bí thư Tỉnh ủy - Phạm Văn Rạnh nhấn mạnh, văn hóa - xã hội phát triển ổn định, các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đời sống vật chất và tinh thần của người dân, nhất là người dân ở vùng nông thôn, vùng khó khăn của tỉnh được nâng lên, môi trường sống cải thiện rất đáng kể bằng sự nỗ lực của các cấp, các ngành, cùng với sự đồng hành, hỗ trợ tích cực của nhân dân, các DN, nhà hảo tâm. Bí thư Tỉnh ủy cảm ơn sự đóng góp vô cùng quý báu, đầy nghĩa tình của những người con quê hương đang sinh sống, học tập, làm việc ở ngoài tỉnh, Trung ương. Trong đó, nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang vận động mạnh thường quân chăm lo cho người nghèo, người dân vùng sâu, vùng xa, biên giới trên
địa bàn tỉnh.
Với sự quan tâm hỗ trợ vô cùng tích cực của nguyên Chủ tịch nước, trên địa bàn tỉnh đã vận động xây dựng được 90 cây cầu, cống nông thôn với tổng kinh phí khoảng 85 tỉ đồng; làm mới nhiều tuyến đường nông thôn cho các huyện biên giới và các huyện: Đức Hòa, Cần Đước, Cần Giuộc, trị giá trên 100 tỉ đồng; trao cho nông dân gần 1.800 con bò giống, trị giá khoảng 27,5 tỉ đồng. Ngoài ra, nguyên Chủ tịch nước còn vận động kinh phí xây dựng nhiều trường học,...
“Tôi trân trọng cảm ơn những đóng góp to lớn, quan trọng của các cấp, các ngành, các thế hệ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, cộng đồng DN trong toàn tỉnh, sự quan tâm, hỗ trợ chí tình của các đồng chí là đồng hương Long An đang sinh sống, công tác ngoài tỉnh” - Bí thư Tỉnh ủy - Phạm Văn Rạnh nhấn mạnh.
Đi lại, vận chuyển hàng hóa thuận lợi, dễ dàng, an toàn
Theo báo cáo nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Đức Huệ nhiệm kỳ 2015-2020, huyện được nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang vận động xây dựng 30 cây cầu, cống; 2 bia tưởng niệm; 6 phòng học và hệ thống sân đường của Trường THCS Mỹ Quý; 500 con bò giống với tổng giá trị 32,478 tỉ đồng.
Cầu Bà Mùi ở huyện Đức Huệ được thi công do bác Tư Sang vận động
Cầu Bò Cạp 2, xã Bình Thành, huyện Đức Huệ là một trong những cây cầu do bác Tư Sang vận động xây dựng cách đây chừng một năm. Cây cầu mang đến niềm vui, sự thuận tiện cho người dân trong lưu thông, vận chuyển hàng hóa, nông sản. Người dân ở đây luôn ghi nhớ tấm lòng của nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang, Ban Tổ chức Chương trình Cầu nông thôn, các nhà tài trợ.
Bí thư Huyện ủy Đức Huệ - Phạm Văn Trấn bày tỏ, những cây cầu do nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang vận động đầu tư góp phần phát triển hệ thống giao thông nông thôn ở địa phương, thúc đẩy phát triển KT-XH, an ninh - quốc phòng, làm thay đổi bộ mặt nông thôn vùng biên giới.
Ở huyện Đức Hòa, từ năm 2017 đến nay, được sự quan tâm của nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang và mạnh thường quân, huyện được hỗ trợ xây dựng 27 cầu giao thông nông thôn và 1 cống. Với nguồn kinh phí xã hội hóa này góp phần rất lớn trong công tác xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.
Một cây cầu do bác Tư Sang vận động xây dựng ở xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa
Ấp Hóc Thơm 2, xã Hòa Khánh Tây được biết đến là vùng sâu ở huyện Đức Hòa. Chỉ mấy năm trước, người dân nơi đây đi lại còn nhiều khó khăn, vất vả. Có lẽ những người sống trong ấp vẫn chưa quên hình ảnh một con đường chỉ dài vài kilômét nhưng có gần 10 cây cầu gỗ tạm bợ, nhỏ, hẹp. Mỗi lần chở vật liệu, hàng hóa thì phải sử dụng xuồng, ghe, xe gắn máy, không ít lần cầu bị gãy, rớt cả xe và người xuống nước, suýt gây tai nạn. Nhưng giờ đây, những cây cầu gỗ tạm bợ này đã được thay thế bằng cầu bêtông, vững chắc.
“Từ sự giúp đỡ của nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang và DN, người dân được đi lại trên cầu bêtông vững chắc. Đi lại dễ dàng, hàng xóm, láng giềng cũng trở nên gần gũi với nhau hơn. Cảm ơn nguyên Chủ tịch nước và các DN, những cây cầu đã nối nhịp bờ vui” - ông Nguyễn Văn Ẩn, hơn 70 tuổi, ngụ ấp Hóc Thơm 2, xã Hòa Khánh Tây, vui vẻ nói. Đó cũng là suy nghĩ, cảm nhận của nhiều người dân đang sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng sông nước, từng trải qua những khó khăn, trắc trở về giao thông và nay được thụ hưởng những con đường, cây cầu mới do bác Tư Sang và mạnh thường quân hỗ trợ. Từng trải qua khó khăn, vất vả nên người dân vùng sâu rất quý trọng những cây cầu - thành quả của tình yêu đối với quê hương của bác Tư Sang./.
Từ ngày về hưu đến nay, bác Tư Sang vẫn thường xuyên về thăm quê hương Long An và có nhiều hoạt động thăm hỏi, tặng quà, bò giống cho người nghèo; vận động doanh nghiệp xây cầu, trường học cho những vùng sâu, khó khăn, biên giới,... Mỗi lần xuống thăm dân, bác Tư luôn niềm nở, gần gũi. Gặp người dân, bác luôn trò chuyện, hỏi thăm đời sống, động viên cố gắng làm ăn, thoát nghèo và sống đoàn kết,... Đối với cán bộ địa phương, bác nhắc nhở phải chăm lo cho dân, phát huy sức mạnh nhân dân.
Hình ảnh bác Tư Sang đi bộ giữa trời nắng nóng ở vùng sâu, biên giới, thăm công trình xây dựng cầu, trao bò với hình ảnh giản dị được người dân quý mến. Đối với việc xây dựng cầu nông thôn, không chỉ xuống tận nơi khảo sát vị trí, khu vực mà sau đó bác còn xuống xem xét tiến độ thi công. Bác luôn nhắc nhở, đơn vị thi công, ngành chức năng thực hiện đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng. Sau khi công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng, bác cũng đến dự lễ khánh thành, chung vui với người dân.
|
Lê Đức